Lắng đọng giai điệu Nga

Từ những năm kháng chiến chống Pháp, một số ca khúc xứ bạch dương đã vượt hàng ngàn, hàng vạn kilômét đến với quân dân ta như những người bạn đường thân thiết. Là những hành khúc hùng tráng, sôi nổi hay những bản tình ca nhẹ nhàng, sâu lắng, tất cả đều thắm đượm tâm hồn Nga ân tình, thân thương thật không dễ gì quên được.
Lắng đọng giai điệu Nga

Từ những năm kháng chiến chống Pháp, một số ca khúc xứ bạch dương đã vượt hàng ngàn, hàng vạn kilômét đến với quân dân ta như những người bạn đường thân thiết. Là những hành khúc hùng tráng, sôi nổi hay những bản tình ca nhẹ nhàng, sâu lắng, tất cả đều thắm đượm tâm hồn Nga ân tình, thân thương thật không dễ gì quên được.

Nghệ sĩ Nga biểu diễn tại Việt Nam. Ảnh: Tư Liệu

Nghệ sĩ Nga biểu diễn tại Việt Nam. Ảnh: Tư Liệu

Từ khá lâu, tôi từng nghe câu hát chậm rãi, nặng nhọc: Ta cùng kéo nào/ Ta cùng bước nào/ Mờ sáng lê bước đi qua ngày đến xế chiều… Sau đó mới biết đó là mấy câu đầu của bài dân ca Nga Kéo thuyền trên sông Vôn-ga bày tỏ tâm trạng buồn đau của những người lao động nghèo khổ vùng sông nước Vôn-ga dưới thời Nga hoàng. Thế nhưng, bên cạnh bài hát buồn này là một một loạt bài dân ca Nga thanh thoát, nhẹ nhàng, vui tươi: Quê hương, Chim sơn ca, Cánh đồng lặng lẽ, Khi chiều đến, Tìm em nơi đâu?… và có lẽ đáng yêu nhất là bài Hoa anh đào với giai điệu thật đẹp: Ngoài hiên gió nhẹ đưa lắt lay muôn đóa anh đào/ Theo làn gió vài cánh hoa rơi nhẹ bay…

Khá nhiều ca khúc trữ tình Nga đã đến với nước ta và lắng đọng lâu dài trong lòng quần chúng yêu nhạc. Trước hết phải kể đến bài Chiều Mátxcơva (Sôlôviep Sêđôi), chỉ có mấy câu nhạc ngắn gọn, cô đọng, súc tích nhưng lay động lòng người đến kỳ lạ: Chiều thanh vắng là đây âm thầm gió rì rào/ Rừng cây chim muông lắng suốt canh thâu/ Hỡi em thấu chăng tình anh lòng bao trìu mến/ Mátxcơva trong chiều vắng yêu đời…”.

Nhạc sĩ Sôlôviep Sêđôi còn là tác giả của ca khúc Đêm ngoài hải cảng viết về cảm xúc của những thủy thủ ngày mai sẽ rời bến cảng thân yêu rẽ sóng ra khơi. Trong những tình khúc Nga còn nổi lên bài Đôi bờ (A. Espaia), được viết theo khúc thức một đoạn đơn, khá ngắn gọn cũng chỉ với mấy câu nhạc, giai điệu sâu lắng được lồng trong tiết tấu thật giản dị. Bài hát thể hiện tình yêu đôi lứa gắn bó, chung thủy, dẫu cách xa đôi bờ: Đêm dài qua dưới mưa rơi em mong chờ anh tới/ Cây cỏ hoa như nói nên lời: Em hạnh phúc nhất đời/ Lòng em tin thắm thiết yêu anh giữa tình đôi lứa ta/ Một dòng sông sóng nước long lanh đôi bờ đâu cách xa…

Ta còn có thể cảm nhận được chất trữ tình Nga trong nhiều bản hành khúc như bài Cuộc sống ơi, ta mến yêu người (E. Kônmanovskôgô), tuy được viết theo giọng “thứ” (mineur) nhưng giai điệu lại tỏa sáng, vui tươi: Cả tình yêu trao cuộc sống, có thấy chăng ơi cuộc đời tình ta thắm nồng/ Cả tình yêu trao cuộc sống mãi mãi ta mến yêu người dù năm tháng qua/ Đèn rực sáng trên cửa cao là khi ta chân khẽ đưa thong thả bước về/ Ta càng thấy yêu cuộc đời, mong cuộc sống ta một ngày sẽ tươi thắm hơn… Khi nhà du hành vũ trụ Liên Xô Gagarin - người đầu tiên trên thế giới lên tầng cao không gian - đang bay quanh trái đất trên con tàu Phương Đông 1, từ cơ quan chỉ huy dưới mặt đất, các nhà khoa học đã phát bài hát này qua làn sóng để cổ vũ cho anh bớt cảm thấy cô đơn khi một mình ở trong vũ trụ lạnh giá.

Những nhạc sĩ cổ điển Nga ngoài những vở nhạc kịch, vũ kịch, giao hưởng đồ sộ còn viết những ca khúc nghệ thuật thắm đượm tâm hồn Nga và những bài này cũng đã đến với quần chúng yêu nhạc Việt Nam. Có thể kể đến các bản tình ca như Tôi muốn giữ một lời, Bài hát ru con trong bão tố (Tchaikovsky), Cây anh đào bắt đầu nở hoa (Glinka), Họa mi say đắm bông hồng (Rimsky Korsakov)…

Các em nhỏ Việt Nam cũng từng đón nhận những bài hát thiếu nhi Nga thật vui tươi hồn nhiên. Nổi bật nhất có lẽ là bài Hãy để mặt trời mãi mãi chiếu sáng (A.Ostrovski), thiết tha tình yêu hòa bình trên trái đất: Một vòng tròn xoe xoay giữa bầu trời, họa sĩ bé xíu vẽ ông mặt trời/ Rào rạt niềm vui khoái chí tuyệt vời, bạn đề trên tranh bài thơ mới/ Mặt trời lên mãi mãi sáng ngời, bầu trời xanh vĩnh viễn ngát xanh/ Còn trẻ em vui sống giữa mẹ hiền yêu dấu thật êm ấm… Một bài hát thiếu nhi Nga khác khi vang lên nghe như những tiếng cười giòn giã của tuổi thơ, đó là bài Nụ cười (V.Lainsky) được viết với nhịp 2/2 cùng tiết tấu rộn ràng, sôi động. Các em nhỏ Việt Nam còn yêu thích nhiều ca khúc thiếu nhi Nga khác nữa như bài Đại bàng con (B. Belov) mô tả một chú bé xô viết dũng cảm hy sinh trước làn đạn của kẻ thù, bài Chú cá sấu Ghê-na (V.Tsainsky) giai điệu rộn ràng rút ra từ bộ phim hoạt hình Trêburaska vui nhộn.

Không thể kể hết những bài hát Nga với giai điệu đẹp, cảm xúc sâu đậm đã đến với nhân dân ta như những sứ giả mang tình hữu nghị đằm thắm từ xứ sở bạch dương yêu hòa bình. Chúng ta ghi nhận những tình cảm quý báu đó đang lắng đọng trong lòng chúng ta, mãi mãi không bao giờ quên.

Nhạc sĩ Trương Quang Lục

Tin cùng chuyên mục