Phan Nhân và tuyển tập nhạc thiếu nhi “xuất bản tại gia”

TRƯƠNG QUANG LỤC
Phan Nhân và tuyển tập nhạc thiếu nhi “xuất bản tại gia”

Nhạc sĩ Phan Nhân vừa ra đi trong niềm tiếc thương của quần chúng. Ông là một trong số các nhạc sĩ Việt Nam được giải thưởng Nhà nước. Gia tài âm nhạc ông để lại là nhiều ca khúc nổi tiếng, trong đó có đỉnh cao là tác phẩm Hà Nội niềm tin và hy vọng. Ông còn là tác giả của một số ca khúc thiếu nhi được các em yêu thích.

Hồi còn thiếu nhi, Phan Nhân yêu thích thơ văn hơn cả âm nhạc. Lúc 12 tuổi đã từng tập tành làm thơ. Bắt đầu yêu thích âm nhạc và mày mò sáng tác ở tuổi 20. Khi ra Bắc tập kết, Phan Nhân mới có nhiều điều kiện để học tập và phát triển khả năng sáng tác âm nhạc.


Từ năm 1959 đến năm 1975, ông đã sáng tác khá nhiều và có những ca khúc như Hành khúc lão dân quân, Lời anh thúc giục toàn dân, Con dao làm nương, cây súng giữ bản, Bài ca trên đồng lúa Thái Bình, Mùa xuân vui Tết trồng cây, Em ở nơi đâu?…  và nổi tiếng nhất là bài Hà Nội niềm tin và hy vọng viết năm 1972. Sau ngày thống nhất đất nước, nhạc sĩ Phan Nhân tiếp tục sáng tác các ca khúc: Tình ca đất nước, Nhớ về Pắc Bó, Trên quê hương Minh Hải, Thành phố của tôi, Tình bạn già...

Trong bài viết này tôi muốn đề cập đến một khía cạnh khác trong sự nghiệp âm nhạc của nhạc sĩ Phan Nhân. Ngoài mảng ca khúc viết cho người lớn, ông còn có một số bài viết cho thiếu nhi, tuy số lượng không nhiều nhưng hầu hết được các em nhỏ yêu thích.

Một kỷ niệm đáng nhớ là ngày 30-12-1994, Phan Nhân đến gặp tôi trao tặng một tuyển tập nhạc thiếu nhi photocopy, ngoài bìa ghi mấy chữ khá hài hước “Nhà xuất bản tại gia” để coi chơi (!). Tôi rất quý tập nhạc chép tay này và giữ gìn cẩn thận mãi đến ngày hôm nay, khi Phan Nhân vừa ra đi về cõi vĩnh hằng. Trong tập này có 15 bài hát thiếu nhi, trước 1975 có 12 bài, sau 1975 có 3 bài.

Năm 1966, khi địch điên cuồng mở rộng chiến dịch phá hoại miền Bắc bằng không quân, Phan Nhân viết bài Thằng giặc Mỹ dành riêng cho nhi đồng 6-7 tuổi:

Thằng giặc Mỹ nó khoe tài múa mép
Rằng hạng nhất máy bay “Thần sấm sét”
Các cô chú dân quân với súng máy, súng trường,
Bắn cho chúng tan xương, hóa ra “Thần đất sét”…

Có lẽ đây là ca khúc thiếu nhi đầu tiên của Phan Nhân. Sau khi được làn sóng của Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam giới thiệu, bài hát đã nhanh chóng phổ biến trong các em nhỏ.

Cũng trong năm đó, ông viết bài hát Em là con gái má Út Tịch để tặng cháu Bé, con gái đầu lòng rất đảm đang của nữ anh hùng Nguyễn Thị Út, tự Út Tịch, quê ở Trà Vinh. Đáng chú ý, sang năm 1967 ông sáng tác bài Chú ếch con nổi tiếng. Đầu bản nhạc ghi rõ mấy câu “Viết tặng các cháu thiếu nhi Hà Nội hiếu học và dũng cảm trong thời đạn bom, sơ tán về vùng nông thôn, xa cha, xa mẹ mà vẫn chăm lo học hành…”.

Kìa chú là chú ếch con có hai là hai mắt tròn

Chú ngồi học bài một mình bên hố bom kề vườn xoan

Bao cô cá trê non cùng bao chú cá rô ron

Tung tăng chiếc vây son nhịp theo tiếng ếch vang dòn…

Giai điệu vui tươi, ca từ thật dí dỏm. Sau khi ra đời, bài hát nhanh chóng phổ biến, trở nên nổi tiếng trong tuổi thơ cả nước và một số nước ngoài.

Liên tiếp hai năm 1968 và 1969, nhạc sĩ Phan Nhân sáng tác 3 bài hát cho các em nhỏ. Tặng các bé mẫu giáo nhi đồng ở nông trường Mộc Châu, ông viết ca khúc Chú cừu Mộc Châu. Sau đó, ông viết bài Em là bông lúa Điện Biên để tặng thiếu nhi ở nông trường Điện Biên. Ở nông trường Sao Đỏ (Sơn La), ông viết bài Cô bê xinh đẹp. Cả 3 bài đều có giai điệu vui tươi, hồn nhiên mang đậm âm hưởng dân ca Thái, tiết tấu gần gũi với các điệu múa Xòe miền Tây Bắc đất nước.

Nhân dịp kỷ niệm 10 năm vui Tết trồng cây theo lời Bác (1959-1969), nhạc sĩ Phan Nhân sáng tác bài hát Hàng cây ơn Bác với giai điệu trìu mến dễ thương, tiết tấu nhịp nhàng nhí nhảnh:

Hàng cây xinh xinh chúng em trồng

Mười năm qua vươn thẳng tắp

Qua khói bom cây càng cao

Qua nắng mưa cây càng xanh…

Đến hôm nay, cứ mỗi độ xuân về, các em nhỏ lại hát vang Hàng cây ơn Bác trong dịp Tết trồng cây.  

Năm 1973, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, UBND và Hội đồng Đội tỉnh Vĩnh Phú (lúc này chưa tách thành tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ) tổ chức một đoàn nhạc sĩ đi thực tế sáng tác bài hát về quê hương đất Tổ. Tham gia đợt này, tôi rất vui khi trong đoàn có nhạc sĩ Phan Nhân. Phải đi nhiều nơi kể cả việc leo lên đền Hùng và núi Tam Đảo, tuy bắt đầu ốm mệt, nhưng ông vẫn bám theo đoàn và sau đó sáng tác được một chùm 3 bài cho thiếu nhi là Tiếng chim rừng cọ, Tiếng trống đồng và tiếng trống đình, Bé ngoan. Chùm bài hát này sau đó đạt giải thưởng năm 1974 của Ủy ban Thiếu niên Nhi đồng Trung ương.
 
Sau ngày đất nước thống nhất, nhạc sĩ Phan Nhân vẫn dành thời gian sáng tác phục vụ thiếu nhi. Ông viết bài hát Quê em Long Phú mến yêu để tặng bà con cô bác và các cháu thiếu nhi huyện Long Phú, Hậu Giang và cũng để tặng nghệ sĩ Quốc Hương, tác giả bài hát Du kích Long Phú. Sau đó ông lại viết Như con chim én và bài hát được giải thưởng Khăn quàng đỏ.

Trong thời gian này, sáng tác cho thiếu nhi nổi tiếng nhất của Phan Nhân là bài hát Vườn cây của Ba phổ thơ của Nguyễn Duy vào năm 1978:

Má trồng toàn những cây “dễ thương”

Nào là hoa, là rau, là lúa

Còn ba trồng toàn những cây “dễ sợ”

Cây xù xì, cây lại có gai…

Trong bài hát có một loạt cây trái đặc sản của đất nước Nam bộ được nhắc đến một cách duyên dáng, dễ thương với giai điệu được viết vừa hồn nhiên, vui tươi vừa ngộ nghĩnh, dí dỏm, tuy trong nét nhạc có nhiều phách đảo (syncope) nhưng lại rất dễ hát đối với trẻ em.

Những sáng tác dành cho thiếu nhi của nhạc sĩ Phan Nhân vừa có tính giáo dục nhẹ nhàng, vừa có tính nghệ thuật cao, hay, đẹp và nhất là rất phù hợp với tâm sinh lý tuổi thơ. Đó chính là lý do vì sao bài hát thiếu nhi của ông được các em nhỏ yêu thích từ khi ra đời đến tận hôm nay.

 Lễ truy điệu nhạc sĩ Phan Nhân

Sáng 2-7, đại diện lãnh đạo TPHCM, các đơn vị, cá nhân, người thân và bạn bè đã có mặt tại Nhà tang lễ TPHCM để tiễn đưa nhạc sĩ Phan Nhân về nơi an nghỉ cuối cùng.

Đồng chí Tất Thành Cang, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, Trưởng ban tổ chức lễ tang đã đọc điếu văn tại lễ truy điệu.

Điếu văn có đoạn nêu rõ: “Là người chiến sĩ, nghệ sĩ, những sáng tác của nhạc sĩ Phan Nhân là động lực, là tinh thần thôi thúc cán bộ, chiến sĩ và nhân dân lạc quan, yêu đời, xông lên phía trước, quyết chiến đấu, hy sinh chống ngoại xâm, thống nhất đất nước và xây dựng thành phố, xây dựng đất nước trong giai đoạn hòa bình... Những năm tháng khó khăn trên khắp các chiến trường bom đạn, những ngày Hà Nội đỏ lửa, những trận đánh ác liệt trên chiến trường hay những cuộc mưu sinh sau ngày giải phóng không làm lay chuyển trái tim yêu đời, yêu người, yêu cách mạng của người đảng viên, nhạc sĩ tài ba...”.

Sau lễ truy điệu, linh cữu nhạc sĩ Phan Nhân được đưa đi hỏa táng tại Bình Hưng Hòa và gửi tro cốt tại chùa Hải Tuệ (quận 3, TPHCM).


Văn Tuấn

Nhạc sĩ TRƯƠNG QUANG LỤC

Tin cùng chuyên mục