Người đánh thức vốn quý Nam Tây Nguyên

Người đánh thức vốn quý Nam Tây Nguyên

Có một chàng trai Châu Mạ ở Lâm Đồng suốt nhiều năm qua đã âm thầm sưu tầm, hiệu chỉnh và phát triển các làn điệu dân ca để hồn thiêng của đồng bào Châu Mạ vốn đã “ngủ quên” bấy lâu bỗng bật lên những thanh âm mang hơi thở của đại ngàn. Chàng trai ấy là K’Brèm, Đội phó Đội Tuyên truyền lưu động Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện Bảo Lâm.

Tôi gặp K’Brèm - chàng trai Châu Mạ có dáng người cao to, vạm vỡ nhưng rất đỗi hiền lành trong một dịp rất tình cờ. Khi biết tôi có ý định tìm hiểu về những chuyến đi điền dã của anh để sưu tầm những làn điệu dân ca của đồng bào Châu Mạ, K’Brèm đã dành cho tôi một cuộc gặp gỡ chân tình và cởi mở tại nhà riêng của anh ở thị trấn Lộc Thắng, huyện Bảo Lâm.

Tại đây, tôi đã được nghe K’Brèm kể về những chuyến đi điền dã khá vất vả nhưng cũng không kém phần thú vị của anh. “Tôi sinh ra và lớn lên từ chính ngôi làng Châu Mạ này. Ngay từ lúc còn bé, trên lưng mẹ, tôi đã được nghe những làn điệu dân ca của đồng bào mình. Lớn lên, những lúc theo cha lên nương rẫy, tôi cũng được nghe những làn điệu dân ca quen thuộc ấy. Và rồi, những làn điệu dân ca mộc mạc đó đã ngấm vào máu thịt tôi từ lúc nào không hay”, K’Brèm tâm sự.

K’Brèm trong một chuyến điền dã tại xã Lộc Bắc, huyện Bảo Lâm

Buôn làng Châu Mạ ở xã Lộc Bắc và Lộc Bảo, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng giờ đã thay da đổi thịt. Cuộc sống của bà con cư dân đồng bào Châu Mạ trên mảnh đất Nam Tây Nguyên này đã đổi thay từng ngày. Theo thời gian, những làn điệu dân ca đã bị mai một và có nguy cơ thất truyền. Để  “đánh thức” văn hóa phi vật thể và gìn giữ vốn quý ấy, nhiều năm qua, K’Brèm đã âm thầm sưu tầm và phát triển các làn điệu dân ca Châu Mạ, với mong muốn góp một phần công sức nhỏ bé của mình để vốn quý đó được gìn giữ, lưu truyền và “phát sáng” trong không gian văn hóa cộng đồng các dân tộc thiểu số Nam Tây Nguyên. Và thế là, những bước chân điền dã của chàng trai Châu Mạ luôn có mặt trên khắp các buôn làng… Khi thì cùng ngồi chuyện trò với già làng bên bếp lửa hồng trong ngôi nhà dài đã nhuốm màu thời gian, hay những lúc theo chân bà con đồng bào lên nương rẫy từ sáng sớm cho đến tối mịt…

Hơn 15 năm cất công tìm kiếm, đến nay trong “gia tài” của mình, K’Brèm sưu tầm được 6 bài dân ca Châu Mạ cổ xưa, trong đó 4 bài dân ca đã được anh phát triển và hoàn chỉnh bằng những ca từ mộc mạc, trong sáng, cùng với đó là những giai điệu mượt mà vút lên giữa mênh mông đại ngàn Tây Nguyên. Đặc biệt, bài dân ca Kok Kech (Lời của thiên nhiên) đã giúp anh đoạt giải A tại Liên hoan Tiếng hát dân ca Việt Nam năm 2007, do Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức: Cóc cách bên ruộng lúa, chú nghé đùa vui nhảy nhót/ Kìa đàn chim hót trên cây, chíp chiu nó gọi nhau/ Suối nước mát cá tung tăng/ Bên khóm hoa ong lượn bay/ Nghe đâu đây tiếng lao xao, cơn gió mát khẽ đung đưa/ Lúa khoai về chất đầy kho/ Làng buôn vui tiếng Ching goong/ Ngồi bên bếp hát gian giao/ Đời no ấm đến khắp nơi nơi.

K’Brèm bên bếp lửa hồng cùng các thiếu nữ trong ngôi nhà dài của đồng bào Châu Mạ, xã Lộc Bắc, huyện Bảo Lâm

Đánh thức các làn điệu dân ca để tự nó “phát sáng”, ngân vang trong không gian văn hóa của cộng đồng các dân tộc thiểu số Nam Tây Nguyên. Chàng trai Châu Mạ - K’Brèm đã và đang góp một phần công sức nhỏ bé của mình để vốn quý ấy được gìn giữ, lưu truyền cho các thế hệ mai sau.

LÊ TRỌNG

Tin cùng chuyên mục