Cảnh sát 113 TPHCM đau đầu với tin giả

Cảnh sát 113 TPHCM đau đầu với tin giả

Mỗi ngày, Phòng Cảnh sát Phản ứng nhanh (CS 113) Công an TPHCM nhận được từ 250-300 cuộc điện thoại. Nhưng, đa số tin báo lại là giả, chọc ghẹo, không có nội dung. Sau gần 6 năm hoạt động, lực lượng 113 vẫn hàng ngày phải “ốm lưng chịu đòn” vì hầu hết những người chọc ghẹo vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.

Gần 90% là tin... rởm!

Cảnh sát 113 TPHCM đau đầu với tin giả ảnh 1

Cảnh sát 113 trên đường tới hiện trường.

Trong năm 2007, CS 113 Công an TP đã tiếp nhận 128.712 tin báo của quần chúng nhưng chỉ có 15.487 tin báo có giá trị liên quan đến an ninh trật tự hoặc có yêu cầu giúp đỡ (tăng gần 4.000 tin so với năm 2006). Tính ra, lượng tin có giá trị chỉ chiếm hơn 12%. Còn 88% tin là báo tin giả, gọi điện chọc ghẹo hoặc không có nội dung (gọi điện rồi cúp máy).

Chỉ tính riêng trong 20 ngày đầu tháng 1-2008, CS 113 TPHCM phải “lãnh” 3.648 tin “rởm” trong tổng số 5.000 tin nhận được - Trung tá Lương Văn Đùa, Phó trưởng phòng CS Phản ứng nhanh cho hay, nhiều khi 2-3 giờ sáng người dân gọi đến, chiến sĩ trực hỏi cần giúp đỡ gì thì họ nói: “Tôi gọi để… kiểm tra xem các anh có trực không thôi!”.

Chiến sĩ trực chỉ biết trả lời: “113 lúc nào cũng sẵn sàng”. Rồi họ cúp máy. Theo trung tá Lương Văn Đùa thì như thế vẫn là… lịch sự chán. Bởi, nhiều trường hợp gọi điện tới chửi bới, nhục mạ anh em chiến sĩ; gọi điện mời mọc rủ rê chiến sĩ… đi chơi, có khi cả “gái làng chơi” còn trắng trợn gọi điện đến “rủ mấy anh đi chơi, xin số điện thoại…”. Đặc biệt, nhiều người cứ gọi, chúng tôi nhấc máy thì họ cúp máy, rồi lại gọi, lại cúp… liên hồi.

Vào lúc 20 giờ 40 ngày 18-1, tổng đài 113 nhận được tin báo “Tại số 156 Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 1) có tai nạn giao thông, 1 người chết và 2 người bị thương”. Các trinh sát của lực lượng phản ứng nhanh tức tốc lên đường. Tới hiện trường mới biết là tai nạn giao thông giả, các chiến sĩ đành quay xe về.

Tương tự, vào lúc 2 giờ 15 phút rạng sáng 18-1, một giọng nam gọi điện đến thất thanh: Ở đường Trần Khánh Dư, khu vực bờ kè Tân Định đang có hỗn chiến! Anh em chiến sĩ xuống khu vực đã báo, đảo mấy vòng khu vực trên và ghi nhận tình hình an ninh trật tự vẫn tốt. Phòng Cảnh sát 113 cho hay, đa phần tin báo giả rơi vào các tin báo đánh nhau, tai nạn giao thông, tệ nạn mại dâm… Có trường hợp, một số máy ngang nhiên “dội bom” một ngày mấy chục lần.

Tiếp tục... “ốm lưng chịu đòn”?

Trung tá Lương Văn Đùa cho biết, tổng đài tự động phân công, những cuộc gọi từ máy bàn thì thuê bao ở quận, huyện nào sẽ tự động nối vào điện thoại trực phản ứng nhanh của quận, huyện đó. Còn lực lượng 113 CATP thì tiếp nhận mọi tin từ máy điện thoại di động.

Chính vì vậy, việc truy tìm ra chủ nhân số điện thoại để xử lý các hành vi vi phạm là rất khó bởi hầu hết các số quậy phá đều là thuê bao trả trước, không đăng ký hoặc đăng ký “bậy bạ” địa chỉ. Nhiều trường hợp 113 tiến hành xác minh, truy tìm người quấy rối để xử lý thì cũng muôn phần gian nan, phối hợp nhiều ngành, mất hàng tháng trời.

Ví dụ như trường hợp Huỳnh Thanh Sang (sinh năm 1975, ngụ 2A6/1 ấp 2 xã Phạm Văn Hai huyện Bình Chánh) dùng simcard số 093742850 liên tục quấy phá vào ngày 8-4-2007. Chúng tôi phối hợp các đơn vị nghiệp vụ, ngành bưu điện, chính quyền địa phương tiến hành xác minh qua nhiều người và phải tới ngày 6-8-2007, mới có được biên bản xử phạt Sang 3,5 triệu đồng.

Hiện tại, ngày 25-1 vừa qua, CS 113 TP kết hợp với công an xã Bình Lợi huyện Bình Chánh làm việc về trường hợp thuê bao cố định 0888559… đã quấy rối vào ngày 29-12-2007. Nhưng, trong khi CS 113 và CA xã Bình Lợi ngồi chờ người quấy rối từ thuê bao trên đến trụ sở CA xã để xử lý thì anh này vẫn “nhởn nhơ” bán cá kiểng ở bên quận 3. “Như vậy, để có kết quả xử phạt hành chính thì cũng… chưa biết khi nào” - Trung tá Nguyễn Thế Thanh, Đội trưởng Đội CS Phản ứng nhanh số 3, người trực tiếp xử lý vụ việc bức xúc.

Theo Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông thì hiện tượng quấy rối qua điện thoại có dấu hiệu gia tăng, đặc biệt là các lực lượng 113, 114, 115… Các đối tượng thường dùng số điện thoại thuê bao trả trước để quấy rối. Thanh tra Bộ cũng nhận định các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp vẫn chưa có sự phối hợp chặt chẽ và thiếu đồng bộ trong việc xác minh, xử lý và ngừng cung cấp dịch vụ đối với các thuê bao quấy rối.

Ngày 29-10-2007, Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông ngừng cung cấp dịch vụ của thuê bao quấy rối; Sở Bưu chính viễn thông TPHCM đề nghị các doanh nghiệp viễn thông phối hợp xử lý và báo cáo kết quả về Sở Bưu chính viễn thông. Tuy nhiên, thời gian qua các doanh nghiệp viễn thông vẫn chưa mặn mà trong việc phối hợp xử lý khách hàng của mình nếu có vi phạm. Còn các CS 113 CA TPHCM nói riêng và các lực lượng, cá nhân khác nếu “dính chưởng” vẫn tiếp tục hành trình xác minh, truy tìm… bóng chim tăm cá.

“Hiện hệ thống điện thoại của CS 113 CA TPHCM có hiển thị các số gọi đến nhưng việc ghi âm nội dung các cuộc điện thoại và tự động lưu trữ số liệu thì vẫn chưa được trang bị mặc dù Phòng Cảnh sát Phản ứng nhanh đã làm đề xuất trình Ban Giám đốc Công an TPHCM từ cách đây gần 2 năm” - Trung tá Lương Văn Đùa cho hay. Trong tình hình như hiện nay, việc tìm ra đúng người gọi điện báo tin thất thiệt vẫn tiếp tục… mất thời gian và tốn nhiều công sức. Và như thế, trường hợp “đặc biệt nghiêm trọng”, CS 113 mới tiến hành xác minh, truy tìm để xử phạt còn thường anh em vẫn tiếp tục… ráng nghe! 

Thông tin từ Phòng Tham mưu, Sở Cảnh sát PCCC TPHCM cho biết, lực lượng cứu hỏa 114 cũng thường xuyên nhận được các cuộc báo cháy giả, trêu đùa quấy nhiễu. Hiện sở chưa thống kê số cuộc gọi và nội dung cuộc gọi báo giả, trêu đùa quấy nhiễu. Thời gian qua, sở đã có đề xuất gửi các doanh nghiệp viễn thông cung cấp thông tin về các số điện thoại đã quấy nhiễu nhưng chỉ có duy nhất Trung tâm Điện thoại SPT thuộc Công ty cổ phần Dịch vụ Bưu chính viễn thông Sài Gòn có phản hồi.

Tuy nhiên, trong văn bản phúc đáp thì SPT cũng không liệt kê nội dung và thời gian gọi mà chỉ liệt kê địa chỉ 15 số điện thoại cố định! Ngoài ra, SPT cũng cung cấp thời gian gọi của 7 số điện thoại bàn khác nhưng lại không kê nội dung và địa chỉ. SPT cũng chỉ nhắc nhở các thuê bao đã gọi đến 114 báo cháy giả và đề nghị Sở Cảnh sát PCCC TPHCM có biện pháp cảnh cáo hoặc xử lý nếu các thuê bao này còn tiếp diễn!

ĐƯỜNG LOAN

Tin cùng chuyên mục