Bắt quả tang 56 đối tượng sử dụng công nghệ cao để lừa đảo

(SGGP).- Tối 13-5, Đại tá Lê Anh Tuấn, Chánh văn phòng Công an TPHCM (CATP) cho biết đã phát hiện 1 tổ chức do các đối tượng người nước ngoài cầm đầu, cấu kết với một số đối tượng VN sử dụng công nghệ cao để lừa đảo, chiếm đoạt tiền của ngân hàng và tài khoản công dân một số nước trong khu vực Đông Nam Á và Trung Quốc.

(SGGP).- Tối 13-5, Đại tá Lê Anh Tuấn, Chánh văn phòng Công an TPHCM (CATP) cho biết đã phát hiện 1 tổ chức do các đối tượng người nước ngoài cầm đầu, cấu kết với một số đối tượng VN sử dụng công nghệ cao để lừa đảo, chiếm đoạt tiền của ngân hàng và tài khoản công dân một số nước trong khu vực Đông Nam Á và Trung Quốc.

Trước đó, 15 giờ ngày 13-5, 200 cán bộ chiến sĩ của CATP phối hợp với các cục nghiệp vụ của Tổng cục An ninh Đối ngoại (Bộ Công an) đồng loạt tiến hành kiểm tra hành chính tại 6 điểm thuộc quận 7, huyện Nhà Bè và huyện Bình Chánh (TPHCM).

Tại 4 địa điểm: C25/10, C17/12 Chung cư Hoàng Anh Gia Lai 3 (Phước Kiểng, huyện Nhà Bè), số nhà 28 đường 9A Khu dân cư Him Lam (quận Bình Chánh) và số 793/51/8 Trần Xuân Soạn (quận 7), công an phát hiện, bắt quả tang 56 đối tượng (42 nam, 11 nữ) là người nước ngoài (châu Á), đang sử dụng công nghệ cao để thực hiện các hành vi lừa đảo.

Tại các địa điểm trên, chúng lắp đặt hệ thống liên lạc quốc tế qua mạng internet của các nhà cung cấp dịch vụ VN như FPT, Viettel, SPT (TPHCM). Hệ thống này được kết nối với các thiết bị kỹ thuật hiện đại. Ngoài ra, các đối tượng thuê riêng 2 địa điểm để ở tại D606, D2506 chung cư Hoàng Anh Gia Lai 3. Tất cả 56 người đều không khai báo tạm trú, tạm vắng, mượn danh các đối tượng trong nước thuê nhà.

Thủ đoạn của chúng như sau: Đầu tiên, đối tượng thứ nhất giả làm nhân viên bưu điện, gọi điện thoại cho khách hàng thông báo họ còn thiếu tiền thanh toán phí điện thoại. Tiếp theo, đối tượng này đặt vấn đề có khả năng điện thoại của khách hàng bị người khác lợi dụng (dẫn tới việc chưa thanh toán phí trên) và hỏi có cần báo công an không? Nếu khách hàng đồng ý, đối tượng thứ nhất sẽ chuyển cho đối tượng ở đường dây điện thoại thứ 2 giả danh công an trả lời.

Đối tượng này tiếp tục dẫn dụ, đẩy vấn đề đi xa hơn khiến người bị hại hoang mang như: thông báo có dấu hiệu thông tin cá nhân của người bị hại đã lộ ra bên ngoài và có khả năng đã bị lợi dụng cho việc mở tài khoản để rửa tiền... Đồng thời, đề nghị chuyển vụ án sang Viện kiểm sát làm rõ.

Tiếp tục kịch bản, đối tượng thứ ba ở đường dây điện thoại thứ 3 giả danh Kiểm sát viên Viện kiểm sát, cho biết tài khoản của nạn nhân đã dùng, có liên quan vào việc rửa tiền, yêu cầu phải rút hết số tiền trong tài khoản ra, nếu không tài khoản sẽ bị khóa.

Cuối cùng, đối tượng yêu cầu bị hại chuyển tiền vào 1 tài khoản của “Viện kiểm sát” (thực chất là tài khoản của bọn chúng) để đảm bảo “an toàn”, “phục vụ điều tra”... Với thủ đoạn trên, nhiều người đã chuyển tiền cho chúng.

Vụ án đang được tiếp tục mở rộng điều tra.

Đ. LOAN

Tin cùng chuyên mục