Làm rõ việc mua bán nội tạng người trước ngày 20-9

(SGGP).- Đây là yêu cầu của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế đối với các đơn vị ghép tạng trong cả nước trước phản ánh của một số cơ quan báo chí về việc mua bán thận và “cò mồi” ghép thận tại một số địa phương, như: Hà Nội, Huế, TPHCM, nơi có các bệnh viện đầu ngành, uy tín về ghép tạng. Theo đó, Cục Quản lý Khám chữa bệnh yêu cầu các đơn vị nghiêm túc, khẩn trương rà soát các hoạt động hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người tại đơn vị theo đúng quy định của pháp luật và sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu vi phạm pháp luật.

Đồng thời, Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện phải tích cực thường xuyên tuyên truyền trong đơn vị các quy định của pháp luật về hiến mô, tạng và cấy ghép tạng. Kịp thời phát hiện tiêu cực, vi phạm pháp luật ở trong và ngoài đơn vị về hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người để kịp thời ngăn chặn, giải quyết theo thẩm quyền hoặc chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng địa phương giải quyết các vi phạm theo đúng quy định của pháp luật. Các đơn vị cần rà soát hoạt động và báo cáo về Cục Quản lý Khám chữa bệnh trước ngày 20-9.

Cục Quản lý Khám chữa bệnh cũng khẳng định, việc hiến, ghép tạng là một thành tựu lớn của y học, giúp những bệnh nhân không may có thể kéo dài cuộc sống. Việt Nam cũng đang trên đường hội nhập với các nước và đã chứng tỏ được trình độ ghép tạng của mình ngang bằng với các nước tiên tiến trên thế giới. Sau ca ghép tạng đầu tiên được thực hiện ở Việt Nam vào năm 1992 (đây là một bệnh nhân được ghép thận tại Học viện Quân y), đến nay cả nước đã có 13 trung tâm ghép tạng. Tính đến nay, các chuyên gia ghép tạng của Việt Nam đã thực hiện 1.000 ca ghép thận, 46 ca ghép gan và 11 ca ghép tim, 1 ca ghép đa tạng gồm cả thận và tụy và 1.400 người được ghép giác mạc.

Theo nhiều chuyên gia của Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, Bộ Y tế, mặc dù kỹ thuật ghép tạng của ngành y tế Việt Nam không ngừng tiến bộ và phát triển nhưng số bệnh nhân mắc các bệnh hiểm nghèo may mắn được ghép tạng vẫn còn quá ít so với nhu cầu thực tế. Chỉ riêng ghép thận hiện có khoảng 6.000 người đã được chỉ định ghép, ngoài ra còn có hàng trăm ca chỉ định ghép gan và tim. Tuy nhiên do nguồn tạng dùng để ghép cho các bệnh nhận hiện nay rất ít, không đủ đáp ứng nên phần lớn các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo cần phải ghép tạng đều phải chờ đợi và không ít người đã tử vong vì không có tạng để ghép.

NGUYỄN QUỐC

Tin cùng chuyên mục