Phải xóa bỏ hoàn toàn đường ngang tự phát

* Phóng viên:
Phải xóa bỏ hoàn toàn đường ngang tự phát

Sau vụ tai nạn xảy ra trên tuyến đường sắt Bắc - Nam thuộc huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, Chính phủ, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã có văn bản đề nghị Bộ GTVT khẩn trương khắc phục hậu quả và có giải pháp chấn chỉnh an toàn giao thông đường sắt. Vừa qua, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường (ảnh) đã trao đổi với phóng viên Báo SGGP xung quanh vấn đề này.

* Phóng viên: Sau khi xảy ra vụ tai nạn tại Quảng Trị, Bộ GTVT đã làm gì để khắc phục hậu quả?

* Thứ trưởng NGUYỄN HỒNG TRƯỜNG: Ngay sau vụ tai nạn xảy ra, Bộ GTVT đã chỉ đạo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) phối hợp với UBND tỉnh Quảng Trị khẩn trương khắc phục hậu quả vụ tai nạn, sửa chữa đường sắt bảo đảm thông tuyến trong thời gian sớm nhất. Bên cạnh đó, tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ động viên gia đình nạn nhân tử vong và nạn nhân bị thương. Đây là vụ tai nạn rất nghiêm trọng, gây tổn thất lớn về người và tài sản. Để ngăn chặn những vụ tai nạn tương tự có thể xảy ra là một nhiệm vụ khó khăn nhưng không thể không làm mà phải rốt ráo triển khai ngay, càng sớm, càng quyết liệt càng tốt. Trước mắt, Bộ GTVT sẽ yêu cầu ngành ĐSVN tăng cường giám sát ngay việc thực hiện quy trình, quy phạm an toàn giao thông đường sắt của đội ngũ nhân viên gác đường ngang. Đồng thời, kiểm tra, rà soát các điểm giao cắt, tổ chức giải tỏa bảo đảm tầm nhìn cho cả hai phía đường bộ và đường sắt, nâng cấp, cải tạo các đường ngang tạo bề mặt lối đi bằng phẳng, êm thuận, cắm đầy đủ biển báo hiệu, làm gờ giảm tốc trên đường bộ địa phương quản lý... Đối với đường ngang không có rào chắn và thiết bị cảnh báo tự động mà có mật độ phương tiện giao thông cao, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn, ngành đường sắt phải tổ chức cảnh giới, bảo đảm an toàn.

* Thực ra vấn đề đường ngang dân sinh tràn lan đã được nói đến nhiều, Bộ GTVT cũng đã nhiều lần khẳng định sẽ xử lý tận gốc vấn đề này nhưng đến nay dường như kết quả vẫn chưa đáng kể?

* Trong thời gian qua, Bộ GTVT cũng đã rất quyết liệt trong xử lý đường ngang, giao cho ngành đường sắt bố trí nguồn vốn để làm đường gom có rào chắn, làm thêm khoảng 300 đường ngang có cảnh báo tự động. Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng đã đề nghị ngành đường sắt làm việc với các hiệp hội vận tải trong cả nước, tuyên truyền, giáo dục về nguy cơ tai nạn đường sắt, những hậu quả lớn nếu để tai nạn xảy ra, khuyến cáo các tài xế lưu ý quan sát khi lưu thông trên đường bộ có giao cắt đường sắt, có ý thức trách nhiệm với bản thân, cộng đồng hơn để hạn chế những tai nạn đáng tiếc... Tuy nhiên, kết quả cũng chưa được như mong muốn, tai nạn đường sắt vẫn xảy ra. Điều đó cho thấy nhiệm vụ của ngành đường sắt trong đảm bảo an toàn vẫn còn rất lớn.

* Vậy theo ông, giải pháp nào cho việc ngăn chặn có hiệu quả những tai nạn đường sắt trong thời gian tới?

* Cách tốt nhất giảm thiểu tai nạn đường sắt là xóa bỏ hoàn toàn các đường ngang tự phát, nghĩa là phải xây dựng bằng được hệ thống đường gom dân sinh, tổ chức các điểm giao cắt an toàn, có người gác, rào chắn, cảnh báo theo đúng quy định. Trách nhiệm chính trong việc đảm bảo an toàn đường sắt là của ngành đường sắt. Do vậy, ngành đường sắt sẽ phải chủ động, phối hợp với các địa phương xây dựng các đường gom này. Trong lộ trình hiện đại hóa đường sắt Bắc - Nam, chúng tôi đã đề ra những mục tiêu rất cụ thể, đó là cùng với việc nâng cao tốc độ chạy tàu sẽ tiến hành xóa bỏ các đường ngang tự phát. Cụ thể, từ nay đến năm 2020 sẽ xóa bỏ được khoảng 80% các đường ngang này, số còn lại sẽ tiếp tục được xóa bỏ, kiểm soát thông qua việc hoàn thiện hơn hệ thống đường gom dân sinh.

* Cảm ơn ông!

BÍCH QUYÊN

Tin cùng chuyên mục