Cảnh giác trộm cắp gia tăng

Cảnh giác trộm cắp gia tăng

Trong năm 2015, trên địa bàn TPHCM xảy ra 3.416 vụ trộm cắp tài sản. Công an TPHCM khám phá 1.903 vụ, bắt 2.075 đối tượng. Mặc dù số vụ trộm đã giảm 130 vụ so với năm 2014 nhưng người dân vẫn cảm thấy bất an, chỉ cần sơ sẩy là tài sản không cánh mà bay.

Sơ hở là… mất trộm

Từ đầu tháng 7-2015, người dân quận 7 liên tục trình báo công an về việc bị kẻ gian bẻ khóa đột nhập vào nhà trộm cắp nhiều tài sản có giá trị. Bị Cơ quan Cảnh sát Điều tra - Công an quận 7 mời lên làm việc, biết không thể chối tội, đối tượng Chung Bá Nhẫn (sinh năm 2000, sống lang thang) và Nguyễn Trung Đạt (17 tuổi, ngụ quận 8) khai nhận đã ráp lại với nhau để hành nghề “nhập nha”. Cả hai đi lòng vòng các nhà trọ ở quận 7 điều nghiên, khi phát hiện có phòng trọ vắng chủ, cả hai phân công nhau: một người đứng ngoài cảnh giới, một người dùng đoản sắt lục giác cạy phá khóa để đột nhập vào phòng, nẫng tài sản của gia chủ, bán lấy tiền chia nhau tiêu xài. Hết tiền, cả hai tiếp tục tìm “con mồi” khác. Từ tháng 7 đến tháng 10-2015, Nhẫn và Đạt thực hiện 26 phi vụ, chiếm đoạt nhiều tiền, nữ trang, xe gắn máy, điện thoại di động, đồng hồ, máy tính bảng, máy chụp hình... trị giá gần 300 triệu đồng.

Cần tiền tiêu xài nhưng lười lao động, rạng sáng 1-10-2015, đối tượng Trần Văn Đốm (19 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Nai) đi lang thang tìm “mục tiêu” để lấy trộm đồ. Thấy một ngôi nhà trên đường Lý Thường Kiệt, phường 7, quận Gò Vấp không đóng cửa sổ ở tầng 2 nên Đốm leo cửa sổ chui vào. Sau khi lục lấy được một điện thoại HTC và một điện thoại Samsung E7, Đốm định tẩu thoát qua đường cửa sổ nhưng thấy có tổ tuần tra của Công an phường 7, quận Gò Vấp đang đi tuần nên y lại leo vào. Lúc này, tổ tuần tra phát hiện có người đột nhập vào nhà người dân nên gõ cửa, yêu cầu chủ nhà kiểm tra tài sản trong nhà. Phát hiện bị mất trộm 2 điện thoại di động, chủ nhà cùng tổ tuần tra kiểm tra khắp nhà và phát hiện Đốm đang nằm lẩn trốn dưới giường ngủ ở tầng 2.

Ba đối tượng dàn cảnh đột nhập hàng loạt cửa hàng FPT trộm iPad, iPhone, laptop

Đêm 26-9-2015, đối tượng Nguyễn Văn Hiến (33 tuổi, quê tỉnh Đắk Lắk) đột nhập vào Nhà thờ Đức Bà (quận 1) để trộm tài sản. Bị giáo dân phát hiện, Hiến chui lên chuồng bồ câu trên nóc Nhà thờ Đức Bà ẩn náu, nhưng vẫn bị giáo dân bắt giữ, giao cơ quan công an. Công an phường Bến Nghé, quận 1 ra quyết định xử phạt hành chính Hiến số tiền 1,5 triệu đồng. “Ăn cắp quen tay”, ngày 24-11-2015, Hiến đột nhập vào một cửa hàng trong khuôn viên của Viện Nghiên cứu Giáo dục (địa chỉ 115 Hai Bà Trưng, phường Bến Nghé, quận 1) lấy trộm 2 máy tính xách tay, 2 bóp da đem bán được gần 2,2 triệu đồng. Đến rạng sáng 22-12-2015, Hiến lại đột nhập vào một cửa hàng khác trong khuôn viên Viện Nghiên cứu Giáo dục để trộm cắp thì bị bảo vệ phát hiện, tri hô. Hiến chui lên tấm la phông trên trần nhà để trốn nhưng vẫn bị Công an phường Bến Nghé (quận 1) bắt giữ.

Không tạo cảnh “mỡ treo miệng mèo”

Các vụ trộm cắp xảy ra nguyên nhân một phần là do có sự thiếu cảnh giác của người dân trong việc bảo vệ tài sản của mình đã tạo nên cảnh “mỡ treo miệng mèo”. Lãnh đạo Đội Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự xã hội một số quận, huyện cho biết, bên cạnh những băng nhóm trộm cắp tài sản chuyên nghiệp, có ý thức phạm tội, điều nghiên kỹ quy luật sinh hoạt của chủ nhà để ra tay khi chủ nhà đi vắng thì có nhiều đối tượng thuộc dạng cơ hội, tình cờ thấy chủ nhà sơ hở nên vào nhà lấy tài sản. Không ít trường hợp người dân dựng xe gắn máy trước cửa nhà với suy nghĩ chỉ vào nhà ít phút lấy đồ, đã khóa xe cẩn thận thì không sao; thế nhưng chỉ cần một tích tắc, kẻ trộm đã có thể dùng “chìa khóa vạn năng” bẻ khóa xe rồi nổ máy tẩu thoát. Hoặc có những trường hợp khi đi ngủ, người dân khóa cửa chính rất kỹ nhưng lại mở cửa sổ cho mát, tình cờ mở lối cho trộm vào nhà.

Thói quen cất giữ tài sản có giá trị lớn (ngoại tệ, tiền, vàng) trong nhà của người dân cũng là “miếng mồi” ngon thu hút kẻ trộm. Chẳng hạn như vụ trộm đột nhập vào một ngôi nhà ở khu dân cư Hai Thành, quận 8 vào cuối tháng 11-2015, lấy 150.000USD, 3 lượng vàng cùng nhiều nữ trang vàng khác có đính kim cương với tổng trị giá khoảng 4 tỷ đồng; hay vụ trộm vào nhà một ca sĩ khá nổi tiếng ở quận 2 lấy tài sản trị giá gần 1,5 tỷ đồng vào cuối tháng 12-2015...

Tại buổi gặp mặt báo chí thường kỳ do Công an TPHCM tổ chức vừa qua, trả lời câu hỏi làm thế nào để kéo giảm tội phạm trộm cắp, Đại tá Lê Ngọc Phương, Trưởng phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự xã hội - Công an TPHCM đề nghị người dân cần thay đổi thói quen này để không vô tình kích thích lòng tham của kẻ trộm.

Còn hơn 3 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán, đây cũng là thời điểm tội phạm trộm cắp tài sản tăng cao. Trong đợt cao điểm tấn công, trấn áp các loại tội phạm (từ 16-12-2015 đến 15-2-2016), lực lượng công an tăng cường đấu tranh, triệt phá các băng nhóm tội phạm, trong đó có tội phạm trộm cắp. Các lực lượng (cảnh sát hình sự, cảnh sát giao thông, cảnh sát cơ động) cũng phối hợp tuần tra, kiểm soát địa bàn vào ban đêm tại những địa bàn phức tạp về an ninh, trật tự. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là ý thức phòng ngừa của người dân.

Chủ động phòng gian

Để chủ động trong phòng ngừa đối tượng trộm cắp tài sản khi chủ nhà đi vắng, không người trông coi và kịp thời hỗ trợ lực lượng công an điều tra làm rõ các vụ trộm, cơ quan công an đề nghị người dân thực hiện một số biện pháp:

- Đối với những gia đình đi vắng nhà nhiều ngày, cần phải thông báo cho những hộ xung quanh biết và nhờ họ trông coi nhà giúp; thông báo tổ dân phố và cảnh sát khu vực biết, để tăng cường công tác tuần tra, nằm tình hình; nhờ người trông coi ban đêm; nên gửi những tài sản có giá trị, không cất giữ tiền, tài sản quý trong két sắt.

- Làm khoen cửa chắc chắn, trang bị ổ khóa chống cắt; lắp đặt thêm ổ khóa chìm phía trong cánh cửa; nếu có điều kiện thì lắp đặt camera, còi báo động khi có người đột nhập.

- Gia cố, lắp đặt cửa sổ có song sắt chắc chắn; ô thông gió nhà tắm, công trình phụ phía sau, bên hông nhà phải lắp đặt song sắt để phòng ngừa đối tượng trộm cắp đột nhập vào nhà.

- Trước khi ra khỏi nhà phải kiểm tra kỹ các chốt, khóa cửa sổ, cửa ra ban công, cửa ra sân thượng.

- Các hộ dân xung quanh nhà vắng chủ, khi phát hiện có đối tượng nghi vấn trộm cắp thì nhanh chóng báo cho tổ dân phố, cảnh sát khu vực, công an Phường, công an quận biết để có biện pháp xử lý kịp thời.

- Khi phát hiện nhà bị trộm đột nhập lấy cắp tài sản, thì phải giữ nguyên hiện trường và thông báo ngay cho cơ quan công an biết để kịp thời thu thập dấu vết, phục vụ hiệu quả cho công tác điều tra, khám phá.

ÁI CHÂN

Tin cùng chuyên mục