Trước khi có Dương lịch, người Việt dùng lịch nào?

Hỏi:

Hỏi: (A) Dương lịch được áp dụng tại Việt Nam từ năm nào? (B) Trước đó, quan lại nước ta làm việc và nghỉ theo lịch nào?
TRẦN LƯƠNG DÂN (traluongdan@yahoo.com)

Nghê Dũ Lan: Người La Mã (Romans) cổ đại ban đầu dùng Âm lịch, rồi chuyển sang dùng dương lịch dưới thời Julius Caesar (100-44 trước Công nguyên) nhưng lịch Julius chưa hoàn hảo. Aloysius Lilius (khoảng 1510-1576), người Ý, là thầy thuốc kiêm triết gia, chuyên gia niên đại (chronologist) đã có công hoàn thiện lịch Julius.

Chấp nhận sự điều chỉnh của Lilius, ngày 24-02-1582 Giáo hoàng Gregory XIII (1502-1585) ban sắc chỉ (bull) sửa đổi lịch Julius. Dương lịch đang được chính thức dùng ở hầu hết các nước trên thế giới vì thế được gọi là lịch Gregory (Gregorian calendar).

A. Chúng tôi chưa tìm thấy tài liệu nào xác định cụ thể thời điểm Việt Nam bắt đầu áp dụng chính thức Dương lịch. Tuy nhiên, có thể suy luận rất dè dặt rằng, người Việt bắt đầu biết đến Dương lịch từ khi tiếp xúc các giáo sĩ Thiên Chúa châu Âu, và dương lịch có lẽ đã được áp dụng trước tiên ở ba tỉnh miền Đông Nam kỳ (Gia Định, Định Tường, Biên Hòa) sau khi thực dân Pháp ép triều Nguyễn ký hòa ước ngày 5-6-1862, và thiết lập ngay bộ máy cai trị ở ba tỉnh ấy, dưới quyền Phó thủy sư Đô đốc Bonard.

Thật vậy, trong nhiệm kỳ cai trị từ 25-6-1862 đến 30-4-1863, Bonard đã dùng các chánh phó tổng và chánh phó lý người Việt phục vụ cho chính quyền thực dân. Như thế, công văn ắt hẳn đã dùng Dương lịch kể từ lúc ấy.

B. Trước khi dùng Dương lịch, người Việt dùng Âm lịch. Lịch do triều đình soạn và ban hành, dĩ nhiên có chịu ảnh hưởng của khoa thiên văn và phép làm lịch của Trung Quốc.

Đời vua Lê và chúa Trịnh (thế kỷ 16-18) tên gọi cơ quan làm lịch của triều đình là Tư Thiên Giám. Hàng năm, Tư Thiên Giám soạn sẵn lịch cho năm sau, đến tháng 6 Âm lịch thì viết hai bản thảo, rồi dâng lên vua Lê và chúa Trịnh xin tiền in. Vua xem bản thảo xong, giao cho Trung Thư Giám viết lại, có Tri Giám trông coi việc khắc bản in. Tư Thiên Giám kiểm tra lại các bản khắc rồi mới cho đem in. Trong tháng Chạp, Tư Thiên Giám dâng vua Lê bản lịch mới in xong. Sáng ngày 24 tháng Chạp các quan vào triều làm lễ tiến lịch theo nghi thức do Bộ Lễ quy định rất tỉ mỉ. (Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, tập II, Hà Nội: NXB KHXH, 1992, tr. 69.)

Thời nhà Nguyễn, năm Minh Mạng vừa lên ngôi (1820), Bộ Lễ tâu vua xin chọn ngày mồng 1 tháng Chạp thiết đại triều ở điện Thái Hòa để làm lễ ban lịch. Lịch do Khâm Thiên Giám (trực thuộc Bộ Lễ) soạn ra. Năm 1833 triều đình quy định vào tháng 5 Âm lịch, Khâm Thiên Giám ở Huế gửi lịch mẫu ra Hà Nội in để cấp phát cho địa bàn từ tỉnh Ninh Bình trở ra Bắc. Quảng Bình, Quảng Trị, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh do Huế cấp phát. Năm 1940, vua Minh Mạng thay đổi địa điểm ban lịch: thay vì trong điện Thái Hòa thì tổ chức trước Ngọ Môn. Lịch giao về tới làng xã sẽ do các lý trưởng gìn giữ để dân chúng xem chung. (Theo Nguyễn Thị Chân Quỳnh, tại http://vietsciences.free.fr).

Lễ ban lịch đời Nguyễn còn được gọi là lễ ban sóc hay chính sóc. Ngày rằm tức 15 Âm lịch gọi là vọng; ngày mùng 1 Âm lịch gọi là sóc; chính sóc là mùng 1 tháng giêng.

Tin cùng chuyên mục