Tại sao có các địa danh nôm na như: rạch Chàng Hảng, khu Bò Đái?

Hỏi: Tại sao có các địa danh nôm na như: rạch Chàng Hảng, khu Bò Đái?
LƯƠNG THỊ THU CÚC (Bình Định)

LÊ TRUNG HOA: Một trong những đặc điểm của các địa danh do người bình dân đặt là tính nguyên sơ, dân dã. Những con rạch do hai nhánh hợp lại hoặc tách ra làm hai nhánh, tạo thành hình dáng một cái chảng ná (cao su) hay tư thế người đứng dang rộng chân thì người ta gọi là rạch Chàng Hảng. Ở Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh có một con rạch mang tên này.

Còn Bò Đái là tên khe núi tại huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, được ghi nhận trong Sổ tay địa danh Việt Nam của Đinh Xuân Vịnh (NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2002). Bò Đái là một địa danh thuần Việt nhưng gốc Tày, Nùng, nguyên dạng là Bó Đảy. Bó: nguồn nước, Đảy: nứa tép. Bó Đảy là nguồn nước có nhiều cây nứa tép (Hoàng Văn Ma, Địa danh vùng Tày Nùng trong Những vấn đề ngôn ngữ học, Viện Ngôn ngữ học xuất bản, 2002, tr.202-213).

Như vậy, vì Bó Đảy gần âm với Bò Đái, người Kinh đã dùng từ tổ có sẵn trong tiếng Việt đã phiên âm.

Tin cùng chuyên mục