Dịch thuật – “sai một li đi một dặm”

Dịch thuật – “sai một li đi một dặm”

Từ những bản dịch hồ sơ sai lệch và không rõ ràng về nội dung đã khiến nhiều người bị chậm kế hoạch đi du học, du lịch hoặc định cư. Thiệt hại này ai chịu và phải bồi hoàn như thế nào?

Dịch thuật – “sai một li đi một dặm” ảnh 1

Nhân viên quận Tân Bình chứng thực chữ ký cho người dân. Ảnh: M.N.

"Được sự ủy nhiệm của người chị tên N.T.H, cuối tháng 9-2007, tôi đến Phòng Tư pháp quận 1 nộp hồ sơ xin dịch thuật cho con trai chị là cháu V.N.B.L sang Đức đoàn tụ với gia đình. Sau khi có bản dịch từ tiếng Việt sang tiếng Đức của bà P.T.Đ.T - dịch thuật viên của Công ty Việt Úc Châu (đã được Phòng Tư pháp quận 1 chứng thực chữ ký), tôi nộp hồ sơ cho Tổng Lãnh sự quán Đức tại TPHCM.

Thế nhưng, sau đó 1 tuần tôi nhận được thư mời của cơ quan ngoại giao này với nội dung mời đến để trả lại hồ sơ. Lý do mà họ đưa ra là bản dịch về “bản án ly hôn” không rõ ràng về mặt pháp lý, trong đó không thể hiện rõ chi tiết chị tôi có quyền nuôi dưỡng con hay không” - Chị T.A kể lại câu chuyện “dở khóc dở cười” của mình khi đi dịch thuật hồ sơ đoàn tụ nói trên.

Được sự giới thiệu của Tổng Lãnh sự Đức, chị T.A lại tất tả tìm đến một công ty tư vấn và dịch thuật khác để dịch lại hồ sơ cho kịp thời gian gởi đi. Xin nhắc lại là trong nội dung bản án ly hôn số 31/LH ngày 23-9-2003 của TAND quận Bình Thạnh ghi rất rõ việc giao quyền nuôi con cho mẹ cháu V.N.B.L là bà N.T.H. Vậy mà, dịch thuật viên của Công ty Việt Úc Châu nói trên lại dịch thiếu và không sát với nội dung bản án ly hôn, khiến cho đương sự phải chịu thiệt hại về thời gian và tiền bạc.

Có thể nói trục trặc trong những bản dịch từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài như trường hợp nêu trên của chị T.A không phải là cá biệt. Gần đây, có một số bạn đọc của Báo SGGP cũng phản ánh rằng chất lượng dịch thuật ở một số công ty dịch thuật và một bộ phận dịch thuật viên không đảm bảo khiến nhiều khách hàng phải dịch lại hồ sơ, giấy tờ.

Từ kinh nghiệm thực tế, LS Nguyễn Văn Hòa, Giám đốc Công ty Tư vấn và Dịch thuật Hoa Tiên cũng cảnh báo về chất lượng dịch thuật hiện nay ở TP. Do trình độ ngoại ngữ chưa đạt chuẩn kèm theo thiếu kiến thức về pháp luật, nhiều dịch thuật viên không chỉ dịch sai nội dung mà còn sử dụng từ ngữ chuyên ngành không đúng, thậm chí rất là ngô nghê. Cụ thể như dịch một bản án dân sự nhưng có không ít người dịch lại không hiểu thế nào là “thụ lý”, “bản án”… Vì thế, cụm từ tòa án mở phiên tòa xét xử thì bị dịch là phiên họp xét xử và hội thẩm nhân dân đổi thành “người ngồi phụ nhân dân”…

Theo một chuyên viên của Sở Tư pháp TPHCM, Nghị định 79/CP về chứng thực quy định rất rõ là người dịch phải cam kết dịch trung thực và chính xác văn kiện mà mình dịch và phải bồi thường thiệt hại nếu có sai sót trong dịch thuật. Vì thế, trường hợp nào bị dịch sai về hồ sơ, văn bản, người dân có quyền khởi kiện cá nhân, công ty dịch thuật đó ra tòa để đòi bồi hoàn về thiệt hại.

Quy định là thế nhưng nói như một số bạn đọc, “được vạ thì má đã sưng”. Trên thực tế có nhiều hồ sơ gởi đi du học, du lịch hoặc định cư phải mất ít nhất vài tháng trở lên. Thế nhưng, thay vì chờ đến ngày nhận kết quả, báo tin, nhiều người dân phải “ngậm bồ hòn” đón nhận tin buồn vì hồ sơ dịch thuật sai hoặc không rõ ý nên bị trả về. Trong những trường hợp này, khó có thể tính được thiệt hại về vật chất lẫn thời gian của người dân.

Theo quy định hiện hành, người dịch là những người đã được Sở Tư pháp, các phòng công chứng công nhận hoặc là những người thành thạo ngoại ngữ nào đó đều có thể nhận dịch từ tiếng Việt ra tiếng nước ngoài hoặc ngược lại. Để hợp thức hóa những bản dịch này, phòng tư pháp các quận, huyện chỉ chịu trách nhiệm xác nhận chữ ký. Thế nhưng, kể từ khi việc dịch và công chứng bản dịch được chuyển giao về các phòng tư pháp quận, huyện để chứng thực chữ ký, chất lượng dịch thuật hầu như bị thả nổi.

Để khai thác thị phần dịch thuật này, có không ít công ty dịch thuật đã thu thập đội ngũ “thợ dịch tay mơ” - chỉ có bằng cử nhân ngoại ngữ trên giấy vào làm việc. Vì thế, mới nảy sinh nhiều câu chuyện dịch thuật “dở cười dở mếu” như nêu trên. Xung quanh vấn đề này, Báo SGGP đã từng có bài viết báo động về tình trạng bát nháo trong hoạt động dịch thuật ở TP. Thế nhưng, đến bao giờ chất lượng dịch thuật mới được ngành chức năng và các quận, huyện quan tâm, chấn chỉnh? Chúng ta đã bước lên con thuyền hội nhập với nền kinh tế thế giới, mỗi bản dịch, nhất là có nội dung liên quan đến pháp luật nếu dịch sai hoặc không rõ nghĩa sẽ khiến người nước ngoài hiểu sai về hệ thống, cơ cấu vận hành của pháp luật nước ta.

Khánh Hà

Tin cùng chuyên mục