Đăng ký xe gắn máy: Vẫn cần hộ khẩu và nhờ đến “cò”

Mua xe vẫn đòi... hộ khẩu
Đăng ký xe gắn máy: Vẫn cần hộ khẩu và nhờ đến “cò”

Mua xe vẫn đòi... hộ khẩu

Đăng ký xe gắn máy: Vẫn cần hộ khẩu và nhờ đến “cò” ảnh 1

Kiểm tra số sườn, số máy tại Đội đăng ký xe Công an huyện Củ Chi. Ảnh: H.P.

Theo thông tư số 01/2007 của Bộ Công an, về việc “Tổ chức đăng ký, cấp biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ”, kể từ giữa tháng 1-2007, người dân đi đăng ký, cấp biển số xe gắn máy, chỉ cần xuất trình giấy chứng minh nhân dân (CMND). Trường hợp người chưa đến tuổi được cấp CMND hoặc nơi thường trú trong giấy CMND không phù hợp với nơi đăng ký thường trú trong giấy khai đăng ký xe thì mới phải xuất trình hộ khẩu.

Thế nhưng, cho đến bây giờ, ở TPHCM, nhiều người đi mua và đăng ký xe gắn máy vẫn bị các đại lý xe và cơ quan công an yêu cầu phải xuất trình hộ khẩu, bất kể người đó đã có hay chưa có hộ khẩu thường trú ở TP.

Đầu tháng 7 vừa rồi, khi cần mua xe máy mới, tôi đã gặp phải sự phiền toái này. Do chưa có hộ khẩu TP, tôi đã nhờ người bạn (có hộ khẩu ở quận 5) đi mua xe và đứng tên giùm. Đến bất kỳ một đại lý nào của hãng Honda ở khu vực quận 5, khi hỏi về thủ tục mua bán và làm giấy tờ, nhân viên bán hàng đều yêu cầu bạn tôi, ngoài CMND, phải mang theo cả sổ hộ khẩu của gia đình.

Khi chúng tôi thắc mắc về chuyện này, nhân viên bán hàng đã giải thích rằng: hiện nay, công an vẫn yêu cầu người đứng tên xe gắn máy phải xuất trình hộ khẩu. Do đó, nếu nhận làm cả thủ tục đăng ký xe cho người mua, thì vẫn phải đòi người mua xe mang theo sổ hộ khẩu chính gốc và một bản photocopy.

“Cò” ở nơi đăng ký xe gắn máy

Sau khi nhận tiền và giao xe, nhân viên bán hàng đưa cho chúng tôi một tờ giấy đánh máy, trong đó có ghi địa chỉ một quán cà phê trên đường Mạc Cửu, quận 5, một cái tên phụ nữ và một số điện thoại di động. Nhân viên này nói rằng: “Hôm nay là thứ sáu rồi, mai là thứ bảy, công an không làm việc. Vì vậy, đến thứ hai tuần sau, anh đến đường Mạc Cửu, vào quán cà phê này, hỏi gặp chị C. để chị ấy làm thủ tục đăng ký xe cho anh. Trước khi đi, anh nên gọi cho chị C. theo số điện thoại này”.

Theo lời hẹn của nhân viên bán hàng, sáng thứ hai tuần sau, chúng tôi tìm đến đường Mạc Cửu. Khi đang còn lớ ngớ dừng chân ở trước cửa số nhà 36 (nơi đặt một điểm đăng ký xe máy của phòng CSGT), chúng tôi đã nhanh chóng bị một đám người vây quanh.

Chúng tôi chạy xe tới quán cà phê có chị C. đang ngồi chờ. Đó là một phụ nữ trung niên, khoảng hơn 40 tuổi, nhanh nhẹn, sắc sảo. Chị C. liền dẫn chúng tôi sang bên 36 Mạc Cửu để một cán bộ công an kiểm tra xe. Sau đó, người phụ nữ này bảo tôi dắt xe trở lại quán cà phê đó ngồi chờ, còn bạn tôi ở lại để làm thủ tục đăng ký, lấy biển số.

Một lát sau nữa, bạn tôi ra, cầm theo biển số xe trên tay và một mảnh giấy hẹn ngày đến lấy giấy đăng ký xe gắn máy. Chị C. vẫy bạn tôi lại, xem mảnh giấy hẹn rồi đưa cho giấy chứng nhận bảo hiểm mô tô – xe máy của PJICO, trong đó đã ghi sẵn tên chủ xe là bạn tôi, số khung, số máy. Lúc này, tôi mới nhìn kỹ và thấy trên tay chị C. và một phụ nữ trung niên ngồi cùng bàn, là một xấp khá dày những giấy bảo hiểm xe như thế.

Trên đường về, bạn tôi bảo, chị C. này thực ra là một “cò” đăng ký xe gắn máy kiêm đại lý bảo hiểm xe máy. “Cò” này xem chừng có mối quan hệ rộng với nhiều cán bộ công an ở 36 Mạc Cửu nên đã được đại lý Honda trên đường Nguyễn Chí Thanh tín nhiệm, ủy thác cho việc làm giấy tờ xe cho khách hàng. Tiền công cho “cò” này dĩ nhiên đã được chúng tôi “đóng góp” thông qua khoản tiền nhờ đại lý làm dịch vụ đăng ký xe.

Do đó, chị C. không cần phải đứng chèo kéo, gạ gẫm những người tự đi đăng ký xe máy ở trước cửa 36 Mạc Cửu như rất nhiều “cò” nhỏ ở đây. Cũng “nhờ” có chị ta, mà khi làm thủ tục, bạn tôi hầu như không phải xếp hàng để chờ đến lượt mình như rất nhiều người tự mang tiền đi làm thủ tục đăng ký xe máy khác.

Đến giờ, tôi vẫn cứ thắc mắc, không hiểu sao ở điểm đăng ký xe máy này lại vẫn có nhiều “cò” ngang nhiên hoạt động như thế? Và tại sao ai muốn làm thủ tục nhanh, hay muốn có số đẹp, cứ nhờ “cò” là được?

Song Trần

Tin cùng chuyên mục