Bảo tồn, phát triển và câu chuyện kinh tế di sản

Đó là những điểm nổi bật được các nhà quản lý, chuyên gia, đại biểu tham dự hội thảo “Bảo tồn di sản và cảnh quan kiến trúc đô thị trên địa bàn TPHCM” bàn luận sáng 14-6 (hội thảo do Ban Văn hóa - Xã hội và Ban Đô thị HĐND TPHCM cùng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM tổ chức).
Toàn cảnh hội thảo Bảo tồn di sản và cảnh quan kiến trúc đô thị trên địa bàn TPHCM
Toàn cảnh hội thảo Bảo tồn di sản và cảnh quan kiến trúc đô thị trên địa bàn TPHCM

Nhiều vấn đề tồn tại

Báo cáo đề dẫn hội thảo, PGS-TS Nguyễn Văn Trình, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, nhấn mạnh: “TPHCM đã và đang đối mặt với các vấn đề nan giải trong quá trình phát triển đô thị của một thành phố lớn, trong đó có vấn đề về bảo tồn di sản và cảnh quan kiến trúc. Các di sản văn hóa, không gian kiến trúc đô thị đã biến dạng, biến mất, hoặc đang bị đe dọa trước áp lực của quá trình đô thị hóa, trước sức ép tăng dân số và áp lực về quỹ đất đầu tư xây dựng các công trình phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Sự lựa chọn giữa bảo tồn và phát triển đặt ra cho chính quyền và nhân dân thành phố sự cân nhắc trong định hướng quy hoạch phương thức bảo tồn và khai thác các giá trị văn hóa”. 

Theo thống kê, TPHCM hiện có 172 di sản đã được xếp hạng, trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt, 56 di tích quốc gia và 114 di tích cấp thành phố. Theo TS Nguyễn Thị Hậu, Tổng Thư ký Hội Khoa học lịch sử TPHCM, cần nhìn nhận Sài Gòn - TPHCM như một “đô thị di sản” vì có một hệ thống di sản đô thị có nhiều giá trị.

Tuy nhiên, có một thực tế được PGS-TS Tôn Nữ Quỳnh Trân, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đô thị và phát triển, đặt ra, đó là nhiều công trình lớn, mang tính biểu tượng: Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện thành phố, chợ Bến Thành, Bảo tàng Mỹ thuật… lại chưa được xếp hạng di tích dù đã có trong danh mục kiểm kê. “Điều này dẫn đến một hệ lụy là nhiều công trình có giá trị về lịch sử, chỉ vì chưa kịp xếp hạng di tích nên không được bảo vệ thông qua cơ sở pháp lý, có nguy cơ bị phá bỏ để làm dự án một ngày nào đó”, TS-KTS Ngô Viết Nam Sơn cho biết. TS Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TPHCM, cũng cho rằng, thực tế trên thế giới đã có những bài học, công trình ngàn năm có thể bị phá do một quyết định tức thời và không thể có lại. 

Ông Ngô Viết Nam Sơn cho rằng: “Hiện nay cơ sở pháp lý về bảo tồn di sản còn thiếu sót khá nhiều, đặc biệt là cơ sở pháp lý cho việc đưa ra các giải pháp bảo tồn về mặt quy hoạch và kiến trúc”. Luật Di sản đang tồn tại nhiều bất cập, trong đó đáng lưu ý nhất là không giải quyết được giải pháp bảo tồn cho các di sản chưa được xếp hạng, hiện đang chiếm tỷ lệ lớn. Bên cạnh đó, Luật Di sản hiện cũng xem nhẹ việc xây dựng pháp lý cho các giải pháp cải tạo, phục hồi và tái thiết di sản. PGS-TS Nguyễn Khởi cũng khẳng định: “Các cơ quan chuyên môn, quản lý di sản chưa theo kịp đà phát triển xây dựng của đô thị, chưa đưa ra một chính sách toàn diện cùng các giải pháp hữu hiệu trong bảo tồn”. 

Cần đột phá

Tại hội thảo, câu chuyện giữa bảo tồn và phát triển được nhắc đến nhiều lần. Theo ông Ngô Viết Nam Sơn, bảo tồn sẽ không hiệu quả nếu không giải quyết bài toán phát triển bởi hai yếu tố đó luôn song hành. Ông khẳng định: “Một trong những vấn đề lớn của việc bảo tồn di sản là phải tạo điều kiện tốt và vị trí thuận lợi cho các dự án phát triển cao tầng và hiện đại, qua đó giảm mạnh áp lực cho việc phá di sản để làm nhà cao tầng tại khu bờ Tây sông Sài Gòn”. Cần xác định khu trung tâm lịch sử cùng với quy hoạch bảo tồn, chỉnh trang và kế hoạch thực hiện. Khu vực vùng lõi bảo tồn lịch sử có thể xác định theo ranh giới hai phường Bến Nghé và Bến Thành. Từ kinh nghiệm quốc tế, ông cho rằng có 4 cách ứng xử với các công trình di sản: bảo tồn, cải tạo, phục hồi và tái thiết. Quá trình này phải có sự tham gia của 4 đối tượng: người dân, nhà quản lý, nhà chuyên môn và nhà đầu tư.  

Theo các chuyên gia dự hội thảo, cần coi di sản là kinh tế chứ không chỉ là văn hóa, giáo dục. “Di sản văn hóa là một nguồn vốn xã hội vì nó góp phần mang lại sự  giàu có về tinh thần và vật chất lâu dài, bền vững”, TS Nguyễn Thị Hậu nhấn mạnh.  Còn theo ông Trần Hữu Phúc Tiến, Hội Quy hoạch phát triển đô thị TPHCM, kinh tế di sản là một thực thể và mô hình làm ăn sống động, giá trị lớn lao, một ngành kinh tế lớn đang trỗi dậy. Nguồn thu đến từ di sản không đơn thuần là tiền bán vé tham quan mà còn là thu nhập của toàn ngành du lịch, thương mại. Liên quan đến vấn đề du lịch, PGS-TS Võ Thị Ngọc Thúy, Phó Giám đốc Sở Du lịch TPHCM, nói: “TPHCM có tiềm năng lớn để phát triển du lịch di sản văn hóa hoặc kết hợp du lịch di sản văn hóa với các loại hình du lịch khác”.

Trong quá trình phát triển, việc bảo tồn di sản và cảnh quan kiến trúc đô thị TPHCM đang đứng trước nhiều vấn đề nhức nhối và rõ ràng cần có chiến lược đúng đắn. Theo ông Phạm Đức Hải, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND TPHCM, có ba điều phải thực hiện cấp thiết: xây dựng và hoàn thiện cơ sở pháp lý, cần có quy hoạch ngành văn hóa, trong đó có quy hoạch bảo tồn di tích và có kế hoạch hành động cụ thể trên nền chiến lược đã đặt ra. Ông cũng cho rằng, cần tăng cường quảng bá, đổi mới, thu hút ngày càng nhiều người dân đến với các di tích, bảo tàng; đầu tư nhiều hơn cho công tác tôn tạo, bảo tồn di tích; tăng cường hoạt động xã hội hóa ở lĩnh vực này; đào tạo đội ngũ cán bộ văn hóa.

Tin cùng chuyên mục