Bức xúc hệ thống thủy lợi

Nhiều ngày qua, mực nước trên rất nhiều kênh, mương ở các tỉnh khô cạn khiến nông dân thiếu nước sản xuất nông nghiệp và nuôi thủy sản. Vì vậy, việc khẩn trương nạo vét thủy lợi, khơi thông dòng chảy, tích trữ nước ngọt… đang được các địa phương đôn đốc thực hiện.
Bức xúc hệ thống thủy lợi

Nhiều ngày qua, mực nước trên rất nhiều kênh, mương ở các tỉnh khô cạn khiến nông dân thiếu nước sản xuất nông nghiệp và nuôi thủy sản. Vì vậy, việc khẩn trương nạo vét thủy lợi, khơi thông dòng chảy, tích trữ nước ngọt… đang được các địa phương đôn đốc thực hiện.

Kênh mương cạn kiệt

Chỉ tuyến kênh thủy lợi ở ấp Nước Mặn 2, xã Long Phú, huyện Long Phú (Sóc Trăng) khô cạn, ông Trần Văn Trường thở dài: “Đây là con kênh chủ lực dẫn nước vào ruộng phục vụ hàng trăm hécta lúa ở đây. Vậy mà cả tháng rồi kênh không còn nước, bên ngoài thì nước mặn xâm nhập các con sông lớn. Thế là nhiều diện tích lúa bị chết do không có nước ngọt dự trữ để cung cấp”. Phòng NN-PTNT huyện Long Phú cho biết, không riêng gì xã Long Phú mà ở các xã khác trong huyện như Tân Thạnh, Tân Hưng, Trường Khánh… hệ thống thủy lợi nội đồng cũng xuống cấp và thường xuyên bị kiệt nước vào mùa khô, gây thiệt hại rất lớn về nông - ngư nghiệp.

Tại xã Bình Giang, nơi có cánh đồng lúa rộng 13.000ha, đứng đầu về diện tích của huyện Hòn Đất (Kiên Giang), nhưng kênh mương xung quanh không đảm bảo cho sản xuất nông nghiệp. Ông Danh Hiệp, ở ấp Giồng Kè, xã Bình Giang, cho biết: “Trước đây, ngành chức năng có đào các con kênh chính để hạ phèn và xây cống ngăn mặn. Nhưng sau đó kênh bị bồi lắng và thiếu nạo vét; trong khi cống đập chưa hoàn chỉnh nên nước mặn rò rỉ tràn vào ruộng làm lúa đông xuân chết tràn lan.

Sớm hoàn thiện thủy lợi

Ông Trần Quang Củi, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang, thừa nhận: “Do hệ thống thủy lợi chưa hoàn chỉnh nên vụ lúa mùa mới đây đã có hơn 34.000ha ở các huyện An Minh, An Biên, Vĩnh Thuận, U Minh Thượng… chết do hạn, mặn tấn công, gây thiệt hại khoảng 150 tỷ đồng. Hiện vùng này đã quy hoạch 29 cống ngăn mặn với kinh phí cả ngàn tỷ đồng nhưng đến nay chỉ làm xong 3 cống và 3 cống khác đang thi công; 23 cống còn lại phải chờ do thiếu vốn. Ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, bức xúc: “Cà Mau có diện tích nuôi tôm lớn nhất cả nước, nhưng thủy lợi đầu tư rất chậm khiến tôm nuôi luôn gặp khó.

Hệ thống thủy lợi yếu kém nên nhiều kênh,rạch ở ĐBSCL cạn kiệt nước

Theo Tổng cục Thủy lợi, sắp tới sẽ ưu tiên xây dựng các cống kiểm soát mặn, nạo vét hệ thống kênh mương, đắp bờ bao... trong các dự án thuộc hệ thống thủy lợi Ô Môn - Xà No; Quản Lộ - Phụng Hiệp; Nam Mang Thít; thủy lợi vùng Đồng Tháp Mười, bán đảo Cà Mau và Tứ giác Long Xuyên. Tổng cục đã đề xuất đầu tư các công trình quan trọng bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2016-2020 với tổng kinh phí 10.000 tỷ đồng. Trong đó, làm ngay các công trình cấp bách như: đê bao ngăn mặn Long Mỹ - Vị Thanh (tỉnh Hậu Giang) dài 30km, kinh phí 260 tỷ đồng; công trình kiểm soát mặn, giữ ngọt của Trạm bơm cống Xuân Hòa (Tiền Giang) 250 tỷ đồng; xây cống Thủ Cựu (Bến Tre) 300 tỷ đồng; thay thế các cống đóng mở tự động ở khu vực ven biển khoảng 250 tỷ đồng... Ngoài ra, còn bố trí hơn 8.000 tỷ đồng thực hiện các dự án thủy lợi lớn, có tác động liên vùng như: cống Cái Lớn - Cái Bé; cống Tha La - Trà Sư; hệ thống chuyển nước cho Nam quốc lộ 1A (Bạc Liêu); hệ thống Nam Bến Tre; hệ thống ngăn mặn tiếp ngọt Vũng Liêm - Vĩnh Long… Song song đó, Bộ NN-PTNT phối hợp với các tổ chức quốc tế (như WB, JICA, Chính phủ Hà Lan...) rà soát danh mục công trình thủy lợi, đầu tư giai đoạn 2016-2020, kinh phí gần 15.000 tỷ đồng...

NGỌC DÂN

Tin cùng chuyên mục