Cần Thơ chi hơn 1 tỷ đồng phục vụ wifi miễn phí

Ngày  29-1, Sở Thông tin - Truyền thông TP Cần Thơ thông báo hoàn thành việc đầu tư hệ thống mạng wifi miễn phí công cộng để phục vụ cho du khách và người dân. Theo đó, trước mắt TP Cần Thơ sẽ tiến hành thí điểm đầu tiên tại bến Ninh Kiều, nơi có nhiều khách du lịch trong nước lẫn nước ngoài đến lưu trú.

(SGGP).- Ngày  29-1, Sở Thông tin - Truyền thông TP Cần Thơ thông báo hoàn thành việc đầu tư hệ thống mạng wifi miễn phí công cộng để phục vụ cho du khách và người dân. Theo đó, trước mắt TP Cần Thơ sẽ tiến hành thí điểm đầu tiên tại bến Ninh Kiều, nơi có nhiều khách du lịch trong nước lẫn nước ngoài đến lưu trú.

Trước đó, được sự chấp thuận của UBND TP Cần Thơ, ngày 18-11-2014, Công ty cổ phần dịch vụ Bưu chính viễn thông Sài Gòn (SPT) đã triển khai đầu tư thử nghiệm hệ thống mạng wifi công cộng miễn phí tại bến Ninh Kiều với chi phí thiết bị cho 5 máy phát với hơn 1 tỷ đồng. Kết quả cho thấy trung bình mỗi ngày có khoảng 4.000 lượt truy cập mạng wifi miễn phí này, góp phần thực hiện tốt công tác quảng bá về tiềm năng du lịch của TP Cần Thơ.

HẠNH NGUYỄN

* ĐBSCL cần đào tạo nguồn nhân lực theo nhu cầu xã hội

(SGGP).- “Giáo dục nghề nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra một đội ngũ lao động ở trình độ kỹ thuật cao, đáp ứng yêu cầu của xã hội. Một trong những thách thức cho sự phát triển của khu vực Tây Nam bộ hiện nay là chất lượng nguồn nhân lực trong toàn vùng chưa được như kỳ vọng”, là nhận định của ban tổ chức hội thảo Đào tạo và phát triển nhân lực lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp cho khu vực Tây Nam bộ diễn ra ngày 29-1 tại Cần Thơ. Điều đáng lo ngại hiện nay là nhiều tri thức, nhà khoa học cũng như nguồn nhân lực chất lượng cao, được đào tạo bài bản thường chọn TPHCM và các trung tâm để “trụ lại”, khiến tình trạng “chảy máu chất xám” diễn ra phổ biến tại khu vực này.

Các chuyên gia trong đào tạo nghề cho rằng, giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực phải theo nhu cầu xã hội. Có tầm nhìn chiến lược, tạo mối liên kết đa chiều trong đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực, xã hội hóa việc đào tạo. Theo Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TPHCM, tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo ở ĐBSCL đến 83,25%, trong khi đó, tỷ lệ chung cả nước 74,6%. Điều tra mới đây cho thấy, chỉ có gần 20% số lao động công nghiệp ĐBSCL có trình độ chuyên môn hóa và tay nghề cao, khoảng 17% số lao động có tay nghề kỹ thuật đang trực tiếp sản xuất. Cơ cấu lao động bất hợp lý, nhất là tỷ lệ giữa thầy và thợ quá chênh lệch.

CAO PHONG

Tin cùng chuyên mục