“Chim Đrao” làng Hà Ri

Người Bana thường tự ví mình như chim Đrao. Chim Đrao là loài chim to, khỏe, thông minh nhất của núi rừng Tây Nguyên. Ở làng Hà Ri, xã Vĩnh Hiệp (huyện Vĩnh Thạnh, Bình Định) người dân làng đã ví già làng Đinh Krăng như chim Đrao đầu đàn vì những đóng góp của Bí thư Chi bộ Đinh Krăng cho Hà Ri trên con đường xóa đói nghèo...
“Chim Đrao” làng Hà Ri

Người Bana thường tự ví mình như chim Đrao. Chim Đrao là loài chim to, khỏe, thông minh nhất của núi rừng Tây Nguyên. Ở làng Hà Ri, xã Vĩnh Hiệp (huyện Vĩnh Thạnh, Bình Định) người dân làng đã ví già làng Đinh Krăng như chim Đrao đầu đàn vì những đóng góp của Bí thư Chi bộ Đinh Krăng cho Hà Ri trên con đường xóa đói nghèo...

  • Mười năm thuyết phục

Hơn 70 mùa rẫy, cuộc đời ông đã kinh qua những trọng trách như: trưởng công an huyện, giám đốc trường chính trị huyện… Tới tuổi hưu, về với dân làng Hà Ri ông đã góp sức làm cho mảnh đất và con người Bana nơi đây thay đổi từng ngày. 10 năm ông về với Hà Ri là khoảng thời gian ông vận động dân làng thực hiện công cuộc đổi mới theo đường lối của Đảng (1994-2004); mười năm ông dành hết tâm huyết, sức lực quyết xua đi cái đói nghèo vẫn đeo đẳng ông và người dân làng.

Ông ví 10 năm đối với ông như một nhịp cánh vỗ của chim Đrao. Suốt 10 năm, ông chỉ đau đáu nghĩ về cuộc sống của người dân làng Hà Ri nên thời gian nó cứ vùn vụt. Nghĩ là làm, trong 10 năm ông đã đem lại nhiều đổi thay trên vùng sơn cước vốn chỉ đất đỏ với cây rừng.

“Chim Đrao” làng Hà Ri ảnh 1

Ông Đinh Krăng trên đường đi chăm sóc cây điều.

Cái hôm ông dẫn tôi ra thăm nghĩa địa mới khánh thành, tường rào, cổng ngõ còn thơm mùi vôi vữa; những chân nhang viếng mộ đầu năm còn thắm. Ông đặt tên cho nghĩa địa là “Công trình 10 năm”. Bởi đúng tròn 10 năm (1994-2004) ông mới thực hiện được, không phải “dự án treo” do thiếu kinh phí mà do nhận thức của tộc người Bana.

Người Bana xưa nay có phong tục bỏ mả, mỗi khi có người chết là họ đem chôn ở “khu rừng ma”, sau thời hạn một năm thì làm lễ bỏ mả, sau lễ bỏ mả thì mồ mả cũng không còn được nhớ đến nữa. Để vận động dân làng bỏ được hủ tục này, 10 năm ròng bước chân của Đinh Krăng đã đi mòn các con đường, ngồi mòn ở các nhà sàn mới làm cho dân làng thay đổi được thói quen tập tục.

Tết Ất Dậu vừa qua, Hà Ri vui cái bụng vì con cháu có nơi để nhớ về ông bà, tổ tiên; có nơi hương khói để tưởng nhớ công ơn những người đi trước đã khai lập ra mảnh đất mình đang an cư lập nghiệp. Cùng với việc xây dựng nghĩa địa, Đinh Krăng còn là “nhà quy hoạch”: sau giải phóng, thực hiện chính sách định canh định cư cho dân tộc miền núi, làng của Đinh Krăng được dựng lên san sát, không có vườn.

Ở miền núi mà vậy thì không có không gian cho “chim Đrao” vẫy vùng. Ông bàn với chi bộ quy hoạch lại làng, để vừa có nhà vừa có vườn để trồng cây trái. Chi bộ không ưng, ông tự dời nhà vào cất tận cuối làng. Mẹ ông bảo “mày vào đó ở với cọp”. Chẳng thấy cọp đâu, tháng sau đã có mấy nhà dời theo.

Dân làng Hà Ri theo ông tự quy hoạch lại làng nên nhà nào cũng có vườn để trồng cây. Về Hà Ri trong những ngày đầu xuân bát ngát màu xanh của cây điều; đường làng bê tông hóa từ đầu đến cuối đi mà mát cái chân. Để có được những con đường như thế, Đinh Krăng là người góp công đầu.

  • Mô hình “Tổ đoàn kết”

Đinh Krăng khoe: vậy là làng mình đã đạt mức thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/năm rồi, sớm hơn kế hoạch một năm đó. So với các năm trước thì thu nhập bình quân theo đầu người không ngừng tăng, năm 2002 là 2,6 triệu đồng/người/năm; 2003 là 3,3 triệu đồng/người/năm (ở Vĩnh Thạnh đồng bào miền núi thu nhập chưa đạt 1,2 triệu đồng/người/năm). Để có được thành quả đó, Đinh Krăng đã tham mưu cho chi bộ xã thành lập “Tổ đoàn kết” giúp nhau làm ăn.

Chẳng là ở Hà Ri, thổ nhưỡng chỉ thích hợp cho trồng điều. Tuy nhiên, việc trồng điều của dân làng cứ như trồng rừng vậy, trồng xong để cây tự phát triển. Được mất trời cho nên năng suất cực thấp. Tổ đoàn kết ra đời có 93 người, kinh phí không có hỗ trợ nên mỗi gia đình góp một lao động.

Mỗi ngày, tổ tập trung làm tập thể cho một hay vài gia đình, tùy theo khối lượng công việc, làm xong công việc cho nhà này rồi tiếp đến nhà khác, từ: dọn rẫy, trỉa hạt, chăm sóc, thu hoạch... Nhờ đó, những vườn điều trước kia do thiếu công lao động hoặc do chủ hộ lười biếng bị bỏ hoang, cỏ dại mọc um tùm được các thành viên trong tổ phát quang, cây điều được chăm sóc đã xanh tốt và cho hiệu quả kinh tế cao.

Từ ngày có Tổ đoàn kết, đất vườn nhà nào cũng được trồng nhiều loại cây trái. Những hộ như bá Ri, bá Dũng, bá Lý, bá Vui, bá Tường... trước đây thường xuyên thiếu đói do thiếu lao động hoặc lười lao động giờ đã trở nên khá giả, mua được xe máy.

Bá Dũng nói về Tổ đoàn kết: nhắc lại xấu hổ lắm, việc của nhà mình mà mình không làm để dân làng tới làm giúp trong khi mình cũng có sức lao động, cũng có chân tay... Bá Dũng chỉ chiếc xe máy, có được “nó” là nhờ Tổ đoàn kết, vì khi bà con đến làm thì mình cũng phải làm, làm cho mình xong thì đi làm trả công cho nhà khác. Nhờ vậy, thu nhập cao, mua được xe máy, tivi...

Về Hà Ri hỏi về đổi thay cũng đều nghe một câu trả lời từ dân làng là có sự đóng góp của Bí thư Chi bộ thôn Đinh Krăng. Với sự năng động, dám nghĩ, dám làm, Đinh Krăng đã cùng dân làng phát triển sản xuất, nâng cao đời sống về mọi mặt. Khi được hỏi đã vui cái bụng vì làm được nhiều việc cho dân làng, Đinh Krăng nói: “Trong kháng chiến có anh Núp (nhân vật chính trong tiểu thuyết Đất nước đứng lên của nhà văn Nguyên Ngọc) là niềm tự hào của dân làng Bana.

Ngày nay, dân làng Hà Ri phải phấn đấu để có đường đi tốt, nhà ở khang trang, ăn ngon, mặc đẹp mà nhất là ngủ phải yên”. Rời Hà Ri, lời của người đảng viên, cựu chiến binh, già làng Đinh Krăng cứ vọng theo tôi: chỉ cần mình bớt đi một chút thời gian lo về mình để làm điều gì đó cho bà con thì chuyện gì rồi cũng sẽ làm được. 

HÀ MINH

Tin cùng chuyên mục