Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Tướng Nguyễn Sơn (1-10-1908 - 1-10-2008)

Tướng Nguyễn Sơn

Tướng Nguyễn Sơn
Tướng Nguyễn Sơn ảnh 1

Bao quanh cuộc đời của Thiếu tướng Nguyễn Sơn(*) là vô số huyền thoại. Dân ở Kiêu Kỵ, Gia Lâm, Hà Nội đề nghị rước sinh phần của ông về quê, lập đền thờ, coi ông như một danh tướng thời hiện đại. Nhiều tầng lớp nhân dân ở Nghệ An, Thanh Hóa còn lưu truyền nhiều giai thoại về ông. Ở Hà Tĩnh, vùng phía Nam núi Hồng Lĩnh, dân lập đền thờ ông do một quân báo cũ trông nom.

Những người cùng thời với ông đánh giá: Ông là một vị tướng tài ba, năng động, xông xáo, quyết đoán, giàu cá tính. Tuy vậy cũng có nhiều người cho rằng ông gai góc, kiêu ngạo, có tài nhưng có tật, nên cuộc đời cũng lắm gian truân. Dù ở mức độ nào, Thiếu tướng Nguyễn Sơn cũng để lại trong lòng quân dân ta một sự kính nể thật sự.

Rất tiếc đời ông quá ngắn, không vượt qua ngưỡng tuổi 49 (ông sinh năm 1908 mất năm 1956). Ông lại hoạt động cách mạng phần nhiều ở nước ngoài, thời gian làm việc trong nước không quá 5 năm, trong đó có 4 năm làm Tư lệnh trưởng Quân khu IV (1946-1950), nhưng ông đã hoàn thành một khối lượng công việc đồ sộ ít người sánh kịp.

Ông ra đời ở phố Yên Ninh, Ba Đình, Hà Nội, là con thứ tư của một gia đình nông dân kiêm tiểu thương gốc ở Kiêu Kỵ, Gia Lâm với tên khai sinh Vũ Nguyên Bác. Cụ thân sinh ra ông là người cương trực, hay chống đối bọn cường hào nên bị chúng sách nhiễu luôn. Bỏ quê ra tỉnh (lúc này Gia Lâm thuộc tỉnh Bắc Ninh) vẫn không thoát được cảnh bị ức hiếp, tức quá, cụ đặt tên cho 5 người con trai những tên rất ngộ nghĩnh: Tôi, Tớ, Tao, Bác, Sư và cô con gái út là To nhằm “để không ai chửi mình được”.

Trong 5 anh em trai thì Bác được học hành chu đáo hơn cả. Học xong trung học, Bác học Trường Sư phạm Bắc Kỳ (ENT- Ecole Normale du Tonkin) - nay là địa điểm Trường Phổ thông trung học Phan Đình Phùng. Bác tổ chức học trò Trường Bưởi (Trường Phổ thông trung học Chu Văn An bây giờ) đánh nhau với học trò Trường Tây (Trường Albert Saraut). Mật thám truy lùng kẻ cầm đầu. Vì vậy Bác nhiều lúc vắng nhà, thường thì 12 giờ đêm Bác về. Thế nhưng có lần Bác không về, chờ hết ngày này qua ngày khác, sau đó cả nhà lấy ngày ông đi để làm giỗ. Hai mươi năm làm giỗ cúng ông, đến năm 1945 thì ông về thật. Cả nhà sững sờ, ông về đúng nhà mình, mặc dù lúc này gia đình đã khấm khá, xây thành 5 căn liền nhau “tam đại đồng đường”, căn thứ 4 bố mẹ ở, có bàn thờ ông.

Ông lần này về mặc quân phục đeo súng lục, đội mũ sao vàng viền kim tuyến. Ông là một trong những vị được thụ phong cấp tướng đầu tiên và nhận chức Tư lệnh Quân khu IV. Thì ra 20 năm qua, Vũ Nguyên Bác cùng một số thanh niên sang Trung Quốc, được Bác Hồ trực tiếp dìu dắt làm cách mạng. Nguyên Bác mang bí danh Lý Anh Tự, cùng 9 anh em khác như Lý Tống (Phạm Văn Đồng), Lý Tự Trọng... hình thành “một gia đình họ Lý” do Bác Hồ với bí danh Lý Thụy đứng đầu. Lý Anh Tự tốt nghiệp Trường võ bị Hoàng Phố sau đó vào Bát lộ quân, tham gia Vạn lý trường chinh, chỉ huy đến sư đoàn.

Năm 1945, ông cùng một số cán bộ cao cấp người Việt trong Giải phóng quân Trung Quốc về nước với tên mới Nguyễn Sơn. Năm 1950, Tướng Nguyễn Sơn lại được lệnh trở lại Trung Quốc làm cố vấn quân sự cho Quân ủy Trung Quốc, chi viện Việt Nam và tham gia kháng Mỹ viện Triều. Sau đó làm Cục trưởng Cục Điều lệnh Giải phóng quân Trung Quốc.

Năm 1956, ông lâm bệnh nặng, mặc dù được chăm sóc đặc biệt, nhưng ông biết mình khó qua khỏi nên tích cực đề nghị về nước. Về nước được 20 ngày, ông từ trần, đó là ngày 21-10-1956 theo âm lịch là ngày 18 tháng 9. Có điều lạ là “giỗ” trước và giỗ chính thức chênh nhau 4 ngày, cho nên dòng họ Vũ ở Kiêu Kỵ, bà con, bạn bè xa gần trong những ngày này lại gặp nhau để tưởng nhớ ông.

Thực ra tầm vóc và vị trí của ông đã vượt khỏi phạm vi gia tộc, làng xã và cả đất nước nữa. Trước đây hàng năm gia đình ông đều nhận được điện thăm hỏi của các vị lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước và quân đội Trung Quốc. Các đoàn đại biểu cấp cao do các vị Chu Ân Lai, Lưu Thiếu Kỳ, Diệp Kiếm Anh đến thăm Việt Nam đều đến viếng ông.

Đánh giá một vị tướng trước hết phải tập trung vào phần chỉ đạo chiến lược. Tướng Nguyễn Sơn làm Tư lệnh Quân khu IV vào thời gian ấy phải gánh vác hai nhiệm vụ chiến lược nặng nề: Mặt trận Huế vỡ, phải chặn đứng tổ chức đánh trả địch, bảo vệ lực lượng mình.

Nguyễn Sơn tổ chức lực lượng đánh địch trên đồn 18, xây dựng truyền thống cho Trung đoàn 18 Quảng Bình, lập Trung đoàn 95 Quảng Trị. Đánh trận Ưu Điềm – Thanh Hương, tạo đà xây dựng Trung đoàn 101 Thừa Thiên. Từ 3 trung đoàn con em Bình-Trị-Thiên lập nên Sư đoàn 325 anh hùng. Cùng với quân chủ lực, lực lượng quân địa phương cũng lớn mạnh, dân quân tự vệ phát triển, các làng xã chiến đấu theo mẫu Cảnh Dương, Cự Nẫm, Ba Lòng, Nam Đông phát triển. Trục đường chiến lược Ba Rèn, U Bò, Gio Linh, Cam Lộ, Triệu Phong vẫn giữ vững, nối liền Bắc Nam.

Cùng với Bình-Trị-Thiên khói lửa, Thanh-Nghệ-Tĩnh được củng cố vẫn vững vàng làm hậu phương trực tiếp. Sư đoàn 304 lừng danh cũng được thành lập, làm nhiệm vụ chi viện cho cả nước.

Giới quân sự truyền tụng về ông là lẽ đương nhiên, các giới dân sự cũng hết sức ca ngợi ông. Có người nói chưa ai yêu chiều, quý trí thức, văn nghệ sĩ bằng Tướng Nguyễn Sơn. Việc quân căng thẳng, ngổn ngang như vậy mà ông thường xuyên tiếp xúc với trí thức, văn nghệ, tập hợp được họ trong Hội Nghiên cứu chủ nghĩa Mác và Hội Văn nghệ, đặc biệt là tạo mọi điều kiện cho họ phục vụ cách mạng.

Trình độ ngoại ngữ của Thiếu tướng ngoài tiếng Trung Quốc đặc biệt xuất sắc, Thiếu tướng còn giỏi tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Nga. Tù binh và hàng binh Âu Phi đều do Thiếu tướng trực tiếp khai thác nên quân ta nắm địch rất chắc. Trại tù binh do Thiếu tướng lập ra đặt tên là đồn Cộng Hòa. Thiếu tướng còn là một nhà hùng biện, đi diễn thuyết nhiều lần, nhiều nơi…

Kết thúc bài viết này, xin mượn lời một nhà khoa học: Nếu có Đại bách khoa toàn thư Việt Nam, tập quân sự nhất định phải có mục từ Nguyễn Sơn. Còn ở Trung Quốc, từ điển danh tướng Trung Hoa đã đánh giá cao Tướng Hồng Thủy (tên của Thiếu tướng Nguyễn Sơn) trong lịch sử quân sự Trung Quốc.

(*)  Theo tài liệu “Nguyễn Sơn lưỡng quốc tướng quân” – NXB Thông tấn 2006.

THÁI AN

Tin cùng chuyên mục