Cuốn hồi ký đặc biệt của một cựu Thanh niên xung phong

“Gần 30 năm qua, tôi cùng anh em đã trở lại từng chiến trường, trận địa để đưa đồng đội trở về, kiên trì ghi chép từng tên liệt sĩ, để tên của đồng đội không bao giờ bị lãng quên…”, ông Hai Văn tâm sự.

Cuốn hồi ký đặc biệt của một cựu Thanh niên xung phong

Đâu Đảng cần, đó là tiền tuyến

Cận kề những ngày cuối tháng 4 lịch sử, thời tiết TPHCM hừng hực nắng. Ông Hai Văn năm nay đã ngoài 90 tuổi vẫn dành hầu hết thời gian đến các sự kiện họp mặt đồng đội, ôn lại những ngày tháng cùng nhau chiến đấu kiên cường. Ông Hai Văn tên thật là Trần Văn Mãnh, nguyên Tổng đội trưởng Tổng đội Thanh niên xung phong (TNXP) Giải phóng miền Nam (GPMN), nguyên Phó Chủ tịch Trung ương Hội cựu TNXP Việt Nam.

Sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng, ba là người Sài Gòn, mẹ quê huyện Đức Hòa (tỉnh Long An), ông Hai Văn sớm thấm thía những khó khăn, gian khổ của cuộc chiến tranh tàn khốc. Năm 1940, khi cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ nổ ra, cả ba, mẹ, ông nội, bác Ba, bác Sáu… của ông đều bị địch bắt giam. Khi đó, ba của ông bị địch đày ra Côn Đảo, mẹ bị giam ở Khám Lớn Sài Gòn. Sau khi ba mẹ ông được thả và tiếp tục hoạt động cách mạng thì lần lượt qua đời do thời gian dài bị tra tấn dã man. Cậu bé mới chỉ 11, 12 tuổi phải sống mồ côi.

Năm 1948, ông được đồng đội ở đơn vị của ba đưa đi kháng chiến, làm giúp việc ở Ban công tác số 5 Sài Gòn - Gia Định (tiền thân của lực lượng biệt động Sài Gòn). Năm 1954, ông tập kết ra Bắc, học sĩ quan pháo binh. Đến năm 1963, ông trở về miền Nam và được Bộ Chỉ huy miền đưa sang Trung ương Đoàn. Đây cũng là bước ngoặt lớn của cuộc đời khi ông chuyển sang màu áo Đoàn Thanh niên, màu áo TNXP.

Năm 1950, theo Chỉ thị của Bác Hồ, Đoàn Thanh niên Cứu quốc Việt Nam thành lập Đội TNXP. Ở miền Nam, năm 1965, đơn vị TNXP GPMN đầu tiên là C100 được thành lập tại căn cứ Trung ương Cục miền Nam (tỉnh Tây Ninh) với 108 cán bộ, đội viên. “Lúc đó, anh Tư Dũng (Nguyễn Đức Toàn) là Tổng đội trưởng, anh Sáu Dũng (Trần Lê Dũng) là Chính trị viên, tôi là Phó Chính trị viên. Sau khi các anh rút về Trung ương Đoàn, tôi nhận nhiệm vụ Tổng đội trưởng”, ông Hai Văn kể.

Ông Hai Văn không ngừng nhắc đến Bác Hồ khi nhớ về những năm tháng chiến đấu ấy. Hình ảnh của Bác, của những người thân, đối với người lính là động lực to lớn nhất để đoàn kết, chiến đấu vì độc lập của dân tộc. Cán bộ, chiến sĩ TNXP khi ấy đều tự dặn lòng và cùng với những đồng đội của mình luôn ghi nhớ khẩu hiệu hành động của lực lượng, là: “Không tiền tuyến, không hậu phương - đâu Đảng cần đó là tiền tuyến”.

TNXP GPMN là lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ tải đạn, chuyển thương phục vụ kịp thời cho Quân giải phóng. Các đơn vị TNXP phối hợp các đơn vị Quân giải phóng, thường xuyên có mặt trên chiến trường, cùng chung chiến hào, sát cánh với Quân giải phóng đối mặt với kẻ thù. “Thương lắm, nhiều đội viên từ đồng bằng lên chiến trường rừng núi, chưa quen khiêng cáng thương binh, tải đạn, càng không biết thồ hàng, đi xe đạp…; nhưng trước yêu cầu khẩn trương đưa vũ khí, đạn dược, lương thực ra mặt trận, các đội viên đã tập luyện, chỉ vài giờ đã thồ mỗi chuyến hàng trăm kg hàng vượt qua sình lầy, đồi dốc”, ông Hai Văn xúc động nhớ lại.

Không thể hình dung hết bao nhiêu máu, mồ hôi và nước mắt của các TNXP đã đổ để tải hàng, khiêng cáng thương binh, mở đường... Thời gian đã trôi qua hơn nửa đời người, ông Hai Văn vẫn nhớ như in những cái tên đã ngã xuống ở từng mặt trận. Ông kể, có lần, Đội 1265 chuyển thương binh từ tuyến trước ra tuyến sau lọt vào ổ phục kích, vấp phải bãi mìn địch gài trên đường, ngay loạt mìn đầu tiên nổ thì 5 người đã hy sinh.

Hành trình tìm kiếm đồng đội

Năm 1974, ông Hai Văn về nhận công tác tại tỉnh Long An, đảm nhiệm lần lượt nhiều chức vụ tại địa phương. Khi ông về hưu, nhiều bạn bè, người thân động viên ông viết hồi ký về những tháng năm chiến đấu ấy, nhưng ông chỉ im lặng. “Tôi muốn dành thời gian để đi tìm hài cốt đồng đội. Tôi cũng có cuốn hồi ký đặc biệt, là cuốn sổ ghi lại tên của 2.630 liệt sĩ hy sinh, trong đó có những liệt sĩ đã tìm được và chưa tìm được hài cốt”, ông Hai Văn tâm sự.

Năm 1995, sau khi nghỉ hưu, ông đã dồn toàn lực, huy động cựu TNXP đi quy tập hài cốt liệt sĩ. Sau khi Ban liên lạc TNXP GPMN được thành lập vào năm 1996, đã đề ra nhiệm vụ quan trọng nhất là tìm đồng đội về.

Theo ông Hai Văn, từ năm 1996 đến năm 2000, công cuộc tìm hài cốt tương đối dễ, nhưng năm 2000 trở đi thì rất khó. Ban liên lạc đã đi hơn 1.000 chuyến ở khắp chiến trường từ Việt Nam đến Campuchia, tìm được 850 hài cốt liệt sĩ, trong đó có 550 hài cốt TNXP, 300 hài cốt bộ đội. Thời gian càng dài, việc tìm kiếm càng trở nên khó khăn. Cả đoàn chấp nhận đi tìm chỉ bằng trí nhớ của đồng đội; đi lại nhiều lần, đội nắng dầm mưa, cơm vắt ngủ rừng. Suốt những tháng năm đôi chân không mỏi cùng anh em đi tìm đồng đội, đến nay, khi ông Hai Văn tuổi đã cao, Ban liên lạc vẫn tiếp tục phối hợp với Bộ Quốc phòng, Quân khu 7… tiếp tục tìm kiếm.

Nói đến đây, ông Hai Văn vui mừng cho biết, hiện nay tại tỉnh Kiên Giang đã hoàn công đền thờ anh hùng liệt sĩ, LLVT và TNXP hy sinh trên tuyến đường 1C huyền thoại. Ông chia sẻ, bản thân và các anh em trong Ban liên lạc đã vỡ òa khi được Đại tướng Lê Hồng Anh (nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư), lãnh đạo tỉnh Kiên Giang và các đơn vị tài trợ ủng hộ, huy động được nhiều nguồn kinh phí xây đền thờ.

“Bia tưởng niệm TNXP trên tuyến đường 1C hiện hữu chưa được thống kê đầy đủ và quy mô chưa tương xứng với tầm vóc lịch sử. Nhiều người thắc mắc tại sao khi đề nghị khởi công đền thờ thì tôi có ngay danh sách liệt sĩ để ghi danh. Đó là quá trình mấy chục năm nay tôi và các anh em miệt mài khắp nơi để tìm hiểu, ghi chép. Trong 2.630 cái tên đó, có 398 TNXP của tuyến đường 1C”, ông Hai Văn chia sẻ.

Người cựu TNXP ngồi trước mắt tôi tuổi đã cao, nói nhiều câu run run không được trọn vẹn. Nhưng suốt cuộc trò chuyện về một thời tuổi trẻ, ánh mắt ông chưa bao giờ hết tự hào.

Tin cùng chuyên mục