Nhân kiệt làng An Xá

Nếu Lệ Thủy, Quảng Bình là cái nôi sinh ra bao nhân kiệt đi khắp nước Nam thì ở làng An Xá (Lộc Thủy) quê hương Đại tướng Võ Nguyên Giáp là mảnh đất của nhiều đại khoa thông tuệ hơn người. Theo những gì còn truyền ngôn và sử sách lưu lại, mảnh làng An Xá và Tuy Lộc ngày xưa là một, có “môn đăng hộ đối” tuyệt vời với danh sách nối dài những bậc đại thần dưới các triều đại lừng lẫy công lao.
Nhân kiệt làng An Xá

Nếu Lệ Thủy, Quảng Bình là cái nôi sinh ra bao nhân kiệt đi khắp nước Nam thì ở làng An Xá (Lộc Thủy) quê hương Đại tướng Võ Nguyên Giáp là mảnh đất của nhiều đại khoa thông tuệ hơn người. Theo những gì còn truyền ngôn và sử sách lưu lại, mảnh làng An Xá và Tuy Lộc ngày xưa là một, có “môn đăng hộ đối” tuyệt vời với danh sách nối dài những bậc đại thần dưới các triều đại lừng lẫy công lao.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ đạo trận đánh trả huyền thoại “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”. Ảnh: Tư liệu

Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ đạo trận đánh trả huyền thoại “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”. Ảnh: Tư liệu

        Khoa bảng văn - võ

Ông Võ Đại Hàm, người trông coi căn nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp bên dòng Kiến Giang, cho chúng tôi biết: “Các cụ tiền nhân ví von An Xá là ngôi làng có hình cây đờn (đàn) nên sinh ra nhiều người tài cả văn lẫn võ”. Thời nhà Mạc có võ tướng Đổng Hiền. Thời nhà Lê, An Xá có hai vị đỗ đại khoa là Phạm Đại Kháng và Lê Đa Năng. Sau này có các tiến sĩ như Lê Đại Nghĩa, Lê Thiếu Kỳ, Đào Viết Doãn, Lê Bá Huế và ông Võ Văn Nho (nguyên Trưởng ban Khoa giáo Trung ương)… Làng cũng sinh ra các vị tướng như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Trung tướng Đào Hữu Lưu, Thiếu tướng Nguyễn Tấn Định, Thiếu tướng Lê Đa Định… Ông Bùi Xuân Các, người viết chữ rất đẹp, khai sinh ra chữ hoa mẫu ngày nay - cũng được sinh ra từ làng này. Chữ của Bùi Xuân Các đẹp đến kỳ lạ, đến nhà văn Nguyễn Tuân phải khen ông là: “Ông nghè bút thiếp thời nay”. Làng cũng có các vận động viên bơi lội nức tiếng quốc gia như: Nguyễn Văn Nhất, Nguyễn Văn Tam, Nguyễn Thị Thoa…

Cạnh làng An Xá có làng Tuy Lộc, cũng là đất văn vật. Mảnh đất này xuất thế một người nổi tiếng: học giả Dương Văn An, đỗ tiến sĩ ở tuổi 34. Người được muôn đời ca tụng với cuốn Ô Châu cận lục lưu danh muôn thuở. Tuy Lộc cũng là nơi phát khởi của công thần nhà Mạc Nguyễn Đình Toản. Đất này sinh ra Trung lương Đại Phu Nguyễn Danh Cả có con cháu là 4 vị quận công thời nhà Lê. Người ta nói rằng, đất trời văn vật như thế nên An Xá và Tuy Lộc “môn đăng hộ đối”, sinh cho đất nước vị tướng tài có ảnh hưởng lớn trong thế kỷ 20 không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới - Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

        Dòng họ tận trung với nước

Người xã Lộc Thủy kể nhiều câu chuyện dòng họ Võ ở An Xá là dòng họ tận trung với nước từ xa xưa khi khai canh lập làng. Ông Võ Đại Hàm cho biết, chỉ tính riêng từ thời thân sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cụ Võ Quảng Nghiêm đến nay, họ Võ ở An Xá có 6 người là liệt sĩ, hàng chục người tham gia quân đội từ thời kháng Pháp đến chống Mỹ cứu nước. Lần giở những trang sử dòng họ, ông Võ Đại Hàm tiết lộ thêm, họ Võ ở đây không giàu có nhưng học hành con cháu luôn được hiển danh vì tự lực và bền chí.

Ông Hàm kể thêm: “Ngày xưa, dưới thời vua Quang Trung, cụ cố Võ Văn Dũng là danh tướng tâm đắc của Nguyễn Huệ. Hiện ở bảo tàng Tây Sơn tại Bình Định có đặt tượng danh tướng Võ Văn Dũng cùng nữ tướng Bùi Thị Xuân cạnh tượng của anh em nhà Tây Sơn”.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp theo những gì còn lưu lại ở làng, 13 tuổi ông đã rời quê xuống Đồng Hới học, lúc đó ở nhà đã dạm hỏi và muốn ông về cưới vợ, nhưng ông không ưng bụng vì muốn học tiếp để giúp nước, giúp dân. Nhưng ở nhà, theo ông Võ Đại Hàm, gia quyến đã chọn vợ cho ông và đưa phương cách ông chọn. Lúc đó, Đại tướng “tương lai” đã ra điều kiện với gia đình, là chấp nhận cho học tiếp rồi mới cưới vợ. Gia đình đồng ý, ông trở về, nhưng lễ cưới không thực hiện, ông nói về ý chí, nguyện vọng của mình rồi tiếp tục đi học. Vào Quốc học ở Huế, học được một thời gian ông bị thực dân Pháp bắt, sau đó trục xuất về quê. Tại An Xá, ông mở Hội đọc sách kín, một thời gian sau, nhà cách mạng Nguyễn Chí Diễu đưa ông ra Hà Nội theo Bác Hồ hoạt động, ông Hàm thuật lại.

Ngày thành danh về làng, nhiều lần địa phương muốn đưa cụ thân sinh Đại tướng vào hàng ngũ anh hùng trong nghĩa trang liệt sĩ huyện, ông nói: “Cha tôi là liệt sĩ, không phải anh hùng, nên không thể đưa ngang hàng được”. Lần khác, mộ của mẹ Đại tướng được cải táng, huyện xin ý kiến đưa vào nghĩa trang liệt sĩ, Đại tướng khước từ bởi: “Mẹ tôi không phải liệt sĩ nên không thể làm thế” và nay, mộ của mẹ Đại tướng được đặt ngoài nghĩa trang, gần mộ thân phụ để tiện bề gia đình hương khói.

Họ Võ ở An Xá trong con mắt người dân trong vùng là dòng họ noi gương Đại tướng Võ Nguyên Giáp tận hiếu với dân. Những người con họ Võ luôn giúp đỡ người khó khăn phía xóm làng. Ông Võ Thanh Bình, giáo viên về hưu, gọi Đại tướng bằng bác, nói: “Chữ hiếu với dân theo bác Giáp khuyên dạy con cái ở làng rất giản dị; giúp đỡ bà con lối xóm, có sách chia sách, có chữ giúp chữ, có gạo cơm giúp nhau khi đói. Bác còn dạy chúng tôi, hiếu với dân ở quê là thương nhau khi đau ốm, làm những lợi ích nhỏ nhất cho dân làng để khi có dịp đi ra mở mang trí thức, ra khỏi làng, khỏi huyện, thì biết cái hiếu với dân to lớn như thế nào. Thế nên, mỗi lần bác về quê, bác đều động viên bà con nhân dân trong làng làm ăn phát triển chiếu cói An Xá, đoàn kết thương yêu nhau, không kèn cựa nhau, phải cùng nhau xây dựng xóm làng sạch sẽ, phong quang là góp phần giúp nhau tiến bộ. Nghe lời bác, mà người An Xá và họ Võ luôn ghi nhớ lấy xóm làng làm gốc để tu dưỡng bản thân”.
Đại tướng trong một lần về quê thắp hương lên mộ mẹ của Người. Ảnh: TƯ LIỆU

Đại tướng trong một lần về quê thắp hương lên mộ mẹ của Người. Ảnh: TƯ LIỆU

Xác định địa điểm mai táng Đại tướng?

Đến chiều 6-10, ông Nguyễn Đình Hiệu, Bí thư Huyện ủy Lệ Thủy cho biết, có nhận một số thông tin nói nguyện vọng của Đại tướng và gia đình mai táng thi hài Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở Vũng Chùa - Đảo Yến (Quảng Đông), Quảng Trạch, Quảng Bình, nhưng huyện chưa nhận được thông tin chính thức. Nguyện vọng của Đảng bộ và nhân dân huyện Lệ Thủy là mong muốn an táng Đại tướng tại quê nhà.

Tại căn nhà lưu niệm Đại tướng tại An Xá, Lệ Thủy, ngày 6-10 đã có hàng ngàn người đến viếng hương gồm học sinh các cấp trong tỉnh, nhân dân trong vùng, cựu chiến binh các địa phương từ Huế, Đà Nẵng... vượt hàng trăm cây số để được kính cẩn nghiêng mình trước trang thờ Đại tướng.

MINH PHONG


Kiên trì đến phút cuối cùng

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ra đi một cách nhẹ nhàng và thanh thản sau 1.559 ngày nằm điều trị tại khoa A11, Bệnh viện Quân đội 108. Suốt những ngày tháng Đại tướng nằm viện, các y bác sĩ ở đây đã hết lòng, hết sức chăm lo sức khỏe cho Đại tướng với những tình cảm vô cùng sâu đậm…

Đại tá Nguyễn Văn Nhựa (bác sĩ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe riêng cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong suốt hơn 20 năm qua) đã không giấu nổi xúc động chia sẻ với chúng tôi những ngày cuối đời của Đại tướng. Đại tá Nhựa ngậm ngùi: “Trước khi Đại tướng ra đi 2 ngày, lúc tôi xuống, tôi đánh thức Đại tướng dậy. Đại tướng vẫn giơ tay chào tôi. Tôi vẫn hỏi là: Đêm qua anh có ngủ được không. Đại tướng mới nói là: “Ngủ được”. Đại tướng còn hỏi sức khỏe của tôi. Đại tướng vẫn nói được nhưng do mở khí quản nên chỉ những người thường xuyên cạnh Đại tướng mới nghe và hiểu được”.

Đại tá Nguyễn Văn Nhựa kể: “Khoảng 4 - 5 ngày trước khi Đại tướng ra đi, tim của Đại tướng hoạt động vẫn rất tốt, chỉ có thận là hơi yếu. Nhưng chiều 3-10, khi anh em đang giao ban trên Ban Bảo vệ sức khỏe Trung ương thì có điện từ Bệnh viện 108 gọi chúng tôi đến. Chúng tôi đã biết là có vấn đề rồi. Ngay chiều hôm đó, chúng tôi đã hội chẩn với quyết tâm cố gắng tối đa và tối ưu để bảo vệ sức khỏe của Đại tướng. Đến 3 giờ sáng 4-10, sức khỏe của Đại tướng lại diễn biến xấu mà khi đó chúng tôi tưởng khó qua nổi nhưng sau đó, chúng tôi tập trung mọi điều kiện.

Đến 13 giờ chiều 4-10, chúng tôi có một cuộc hội chẩn nữa. Khi đó, mạch và huyết áp của Đại tướng vẫn bình thường nhưng sau đó đến khoảng 15 giờ thì có vấn đề. Lúc đó, đồng chí Nguyễn Quốc Triệu, Trưởng ban Bảo vệ sức khỏe Trung ương, cũng có mặt để chỉ đạo việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe Đại tướng. Chúng tôi cũng sử dụng tối đa và tối ưu các loại thuốc để bảo vệ sức khỏe cho Đại tướng nhưng đến lúc đó thấy rất khó có thể qua được. Đến 17 giờ cùng ngày, mạch và huyết áp của Đại tướng bắt đầu có biểu hiện khác thường. Khoảng 30 phút sau thì tim của Đại tướng có biểu hiện lạc nhịp nhưng không thể làm gì được nữa... Đến khi Đại tướng ra đi, thời gian dừng ở thời điểm 18 giờ 9 phút trên máy báo”.

“Đại tướng luôn lạc quan và lạc quan đến phút cuối cùng của cuộc đời. Những lúc Đại tướng bị đau, ông thường nắm tay tôi rất chặt và là người bác sĩ của Đại tướng, tôi biết điều đó. Đó là một người kiên trì...” - Đại tá Nguyễn Văn Nhựa nhớ lại.

Trong khi đó, Đại tá Nguyễn Phương Đông, Chủ nhiệm Khoa A11, cho biết, khi mới vào viện, Đại tướng ăn uống được, nhiều lúc khen ngon. Sau này, do sức khỏe yếu, Đại tướng chuyển sang ăn cháo, súp. Đại tướng xác định ăn uống cũng như là thuốc, bác sĩ đã giao khẩu phần là Đại tướng ăn hết để đảm bảo sức khỏe. Trong thời gian ở Khoa A11, Đại tướng luôn rất lạc quan, tuân thủ chỉ định của bác sĩ và tin tưởng vào sự điều trị bệnh viện. “Tuy nhiên khoảng 2 tháng gần đây, sức khỏe của Đại tướng diễn biến xấu vì rất nhiều bệnh mãn tính trên nền tuổi cao, mặc dù đã được các bác sĩ nỗ lực hết sức nhưng tất cả đã vượt ngoài tầm của y học…” - Đại tá Nguyễn Phương Đông thở dài.

QUỐC LẬP

Thông tin liên quan

>> Võ Nguyên Giáp - Một hiện tượng chưa từng có!

>> Tổ chức 2 ngày Quốc tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp 

Tin cùng chuyên mục