Định giá đất phải do thị trường quyết định

Thu hồi đất - “điểm nghẽn” vẫn còn
Định giá đất phải do thị trường quyết định

Quốc hội thảo luận dự án Luật Đất đai (sửa đổi)

Ngày 6-11, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Mặc dù Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã có bản báo cáo giải trình, tiếp thu khá dài, nhưng một số vấn đề nóng bỏng trong dự luật như thu hồi đất, định giá đất, bồi thường tái định cư... vẫn tiếp tục nhận được sự đóng góp, cho ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội.

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật đất đai (sửa đổi).

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật đất đai (sửa đổi).

Thu hồi đất - “điểm nghẽn” vẫn còn

Thay mặt UBTVQH báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho biết, qua thảo luận có ý kiến tán thành thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội nhưng phải vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng. Có ý kiến đề nghị không quy định nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào mục đích phát triển kinh tế - xã hội. Về vấn đề này, UBTVQH cho rằng, để thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các cấp đã dự kiến quỹ đất sử dụng cho mục đích phục vụ lợi ích quốc gia, công cộng, phát triển kinh tế - xã hội. Nhà nước chỉ thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội quy mô lớn, quan trọng của đất nước được quy định tại Điều 62. Về ý kiến đề nghị “trường hợp nhà đầu tư đã thỏa thuận được từ 70% - 80% số người sử dụng đất trong dự án mà số người sử dụng đất còn lại không đồng ý thì nhà nước cần có cơ chế để xử lý”, theo ông Nguyễn Văn Giàu, dự thảo luật đã quy định cụ thể các trường hợp nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, phục vụ lợi ích quốc gia, công cộng, phát triển kinh tế - xã hội để hạn chế việc thu hồi đất tràn lan gây bức xúc, khiếu kiện trong nhân dân. Nhà đầu tư thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội có nhu cầu sử dụng đất sẽ được nhà nước giao đất, cho thuê đất trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao, khu kinh tế hoặc được nhà nước bàn giao mặt bằng để thực hiện các dự án quan trọng quốc gia, dự án phát triển hạ tầng. Việc thỏa thuận để chuyển nhượng, cho thuê, góp vốn bằng quyền sử dụng đất giữa hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất với nhà đầu tư chỉ thực hiện đối với những dự án không thuộc trường hợp nhà nước trực tiếp thu hồi đất, thường là những dự án nhỏ, lẻ. “Đây là thỏa thuận mang tính dân sự theo nguyên tắc bình đẳng trên cơ sở các quyền hợp pháp của người sử dụng đất, vì vậy không nên quy định cơ chế can thiệp bằng biện pháp hành chính của nhà nước” - ông Nguyễn Văn Giàu lý giải.

Chưa đồng tình với phần giải trình tiếp thu trên, ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho biết, qua thảo luận nhiều ý kiến đề nghị không nên thu hồi đất cho các dự án phát triển kinh tế - xã hội và áp dụng phương thức trưng mua đối với các dự án này, nhưng đến nay chưa nhận được sự đồng thuận từ phía cơ quan soạn thảo.

Theo ông, nếu tiếp tục giữ quy định này thì vấn đề khiếu kiện về đất đai vẫn là “điểm nghẽn”, chưa có lời giải. “Đề nghị ban soạn thảo cần làm rõ khái niệm thu hồi đất phục vụ kinh tế - xã hội, bởi đây là một khái niệm không thật rõ ràng, cần được làm rõ để tránh lợi dụng” - ông Trần Ngọc Vinh nêu quan điểm và đề nghị phải phân loại chính xác các loại dự án phát triển kinh tế - xã hội cho các mục đích và lợi ích cụ thể. Trong đó, cần tách các dự án kinh tế vì lợi ích thuần túy của nhà đầu tư ra khỏi phạm vi các dự án phát triển kinh tế - xã hội trong chính sách thu hồi đất. Đồng tình quan điểm này, ĐB Huỳnh Minh Hoàng (Bạc Liêu) kiến nghị với các dự án kinh tế vì lợi ích thuần túy của nhà đầu tư thì nhà nước không áp dụng cơ chế thu hồi đất. Thay vào đó là cơ chế góp đất, điều chỉnh lại đất đai. Có nghĩa là hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất được chuyển nhượng, cho thuê, góp vốn bằng quyền sử dụng đất đối với nhà đầu tư để thực hiện dự án. Đây là phương thức cho quản lý và giải quyết tài chính cho phát triển đô thị, đã được áp dụng rộng rãi ở hầu hết các nước phát triển, các nước công nghiệp mới và hiện đang được áp dụng ở nhiều nước châu Á như Thái Lan, Malaysia, Indonesia… “Cách làm như thế sẽ bảo đảm hài hòa lợi ích giữa nhà nước, nhà đầu tư và người bị thu hồi đất” - ông Huỳnh Minh Hoàng nói.

Định giá đất theo thị trường bằng cơ sở nào?

Liên quan đến vấn đề giá đất, ông Nguyễn Văn Giàu cho biết, tiếp thu ý kiến của đại biểu, UBTVQH đề nghị quy định theo hướng nguyên tắc định giá đất là phải theo mục đích sử dụng đất hợp pháp tại thời điểm định giá; theo thời hạn sử dụng đất; phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường của loại đất có cùng mục đích sử dụng đã chuyển nhượng hoặc thu nhập từ việc sử dụng đất hoặc giá trúng đấu giá quyền sử dụng đất đối với những nơi có đấu giá quyền sử dụng đất; cùng một thời điểm các thửa đất liền kề nhau có cùng mục đích sử dụng, khả năng sinh lợi, thu nhập từ việc sử dụng đất tương tự như nhau thì có mức giá như nhau. Về ý kiến đề nghị bổ sung quy định rõ tỷ lệ khi giá đất thị trường biến động từ 15% - 20% thì phải điều chỉnh khung giá đất, bảng giá đất, ông Giàu cho biết dự thảo luật chỉ quy định nguyên tắc chung khi giá đất thị trường có biến động lớn thì điều chỉnh khung giá đất, bảng giá đất cho phù hợp. Để bảo đảm tính ổn định lâu dài của luật, mức biến động cụ thể về giá đất thị trường không nên quy định trong luật mà quy định trong Nghị định của Chính phủ nhằm đảm bảo phù hợp với từng loại đất, từng vùng, theo từng thời gian.

Cho rằng nguyên tắc xác định giá đất như vậy là chưa rõ ràng và cụ thể, ĐB Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội) cho rằng, để làm rõ “thế nào là phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường?” là một câu hỏi khó. “Chính quyền dựa vào đâu để nói với người dân là giá bồi thường đã được tính đúng, tính đủ, người dân căn cứ vào đâu để thấy rằng quyền lợi của mình đã được đảm bảo? Đối với nơi không có các giao dịch thì căn cứ vào đâu để tính?” - bà Nguyễn Thị Hồng Hà đặt vấn đề và đề nghị dự thảo cần thể hiện rõ vai trò của các tổ chức tư vấn định giá đất, đồng thời nhà nước cũng cần có cơ quan theo dõi diễn biến thị trường và công bố giá đất định kỳ để làm cơ sở tham chiếu trong xác định giá đất. Trong khi đó, ĐB Huỳnh Minh Hoàng kiến nghị cần làm rõ trong luật “giá thị trường” được xác định như thế nào? Ông cho rằng, thị trường là phải để thị trường quyết định, giá đất qua đấu giá chính là giá thị trường chứ không phải giá đất nhà nước công bố hàng năm là giá thị trường. Trong quá trình đấu giá đại diện người dân cần được tham gia, giám sát. Hướng làm minh bạch như vậy sẽ giảm bớt tình trạng khiếu nại, tố cáo, đền bù giải phóng mặt bằng mà đa phần do chưa hài lòng về giá đền bù.

Làm rõ về suất tái định cư tối thiểu

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu, về bồi thường khi nhà nước thu hồi đất, có ý kiến đề nghị việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm người sử dụng đất được bồi thường theo mục đích đang sử dụng hợp pháp, người có đất khi nhà nước thu hồi được hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm, tổ chức lại sản xuất, bảo đảm đời sống. Tiếp thu ý kiến đại biểu, UBTVQH đề nghị bổ sung các quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo hướng phân biệt rõ việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Theo đó, bồi thường là bù đắp những thiệt hại cho người có đất do việc thu hồi đất gây ra như thiếu đất sản xuất, nhà ở, sản xuất bị gián đoạn, lợi nhuận bị giảm sút, cuộc sống, sinh hoạt bị ảnh hưởng. Việc bồi thường có thể bằng đất, bằng tiền. Đối với hỗ trợ không phải là để bù đắp phần bồi thường chưa thỏa đáng mà xác định đây là việc nhà nước tạo điều kiện cho người có đất thu hồi có cuộc sống tốt hơn. Tái định cư được thực hiện theo nguyên tắc bảo đảm khi thu hồi đất ở mà phải di chuyển chỗ ở thì phải bố trí chỗ ở cho người có đất thu hồi, nếu tiền bồi thường không đủ mua suất tái định cư tối thiểu thì được nhà nước hỗ trợ đủ để mua suất tái định cư tối thiểu. Cho rằng đây là quy định mang tính nhân văn, nhưng ĐB Đặng Thuần Phong (Bến Tre) lại lo ngại nếu không làm rõ thì sẽ dẫn tới hệ lụy là mỗi tỉnh có quy định về suất tái định cư tối thiểu khác nhau. Vì thế, đại biểu đề nghị nên giao Chính phủ quy định rõ hơn, đừng để vấn đề này giống lương tối thiểu và mức sống tối thiểu, quy định ra nhưng thực tế có nhiều bất cập. Thẳng thắn hơn, ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam) cho rằng nhiều vấn đề dứt khoát cần được làm rõ trong dự luật. Chẳng hạn quy định bồi thường hỗ trợ tái định cư cho người dân bị thu hồi đất, dự luật tiếp tục quy định theo nguyên tắc công khai, dân chủ, khách quan. “Khi chúng ta thảo luận dự thảo Hiến pháp những vấn đề này phải do luật định. Luật còn định theo kiểu đấy thì hỏi làm sao đáp ứng được kỳ vọng của nhân dân và đại biểu Quốc hội” - ông Ngô Văn Minh trăn trở.

Kết thúc phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, UBTVQH sẽ chỉ đạo tổng hợp, nghiên cứu tiếp thu các ý kiến xác đáng, hợp lý của đại biểu Quốc hội và sẽ báo cáo Quốc hội trước khi trình Quốc hội xem xét thông qua dự thảo luật tại kỳ họp này.

  • Ông NGUYỄN VĂN GIÀU, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội:

"Có ý kiến đề nghị nhà nước có chính sách điều tiết chênh lệch giá đất do quy hoạch cho người dân. Về vấn đề này, UBTVQH cho rằng, giá đất tăng lên sau khi có quy hoạch là do đất đó được chuyển mục đích sử dụng hoặc đã được đầu tư hạ tầng. Phần giá trị tăng lên này không phải do công sức đầu tư của người sử dụng đất nên nhà nước cần điều tiết và bổ sung vào ngân sách địa phương để đầu tư cơ sở hạ tầng và hỗ trợ cho người có đất thu hồi nhằm ổn định đời sống và chuyển đổi nghề nghiệp, tìm kiếm việc làm"

BẢO MINH


Chính phủ trình 4 dự án luật

Chiều 6-11, 4 dự án luật đã được trình Quốc hội gồm các dự án Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi); Luật Hôn nhân và gia đình và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT). Đây là các dự án luật được Quốc hội cho ý kiến lần đầu.

Minh bạch quy trình cấp phép xây dựng

Theo tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Xây dựng do Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng trình bày tại phiên họp, dự thảo luật trình Quốc hội tại kỳ họp này gồm có 11 chương, 168 điều; số lượng các điều, khoản giao cho Chính phủ hướng dẫn giảm từ 25 nội dung xuống còn 13 nội dung; số lượng nghị định hướng dẫn giảm từ 8 nghị định xuống còn 5 nghị định.

Theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, phương thức và nội dung quản lý dự án đã được chỉnh lý theo hướng quy định nguyên tắc dự án sử dụng nguồn vốn khác nhau được quản lý theo các phương thức khác nhau; tăng cường kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước và của cộng đồng đối với dự án; bổ sung quy định hình thức ban quản lý dự án chuyên ngành, ban quản lý dự án khu vực. Quy hoạch xây dựng cũng có nhiều nội dung mới nhằm khắc phục tình trạng xây dựng tự phát, bảo đảm công khai, minh bạch đối với quy hoạch xây dựng được duyệt. Đáng lưu ý, dự thảo luật chú trọng tăng cường kiểm soát, quản lý chất lượng xây dựng ở tất cả các khâu của quá trình đầu tư xây dựng. Liên quan đến công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng thông qua việc cấp giấy phép xây dựng, các nội dung được sửa đổi, bổ sung trong dự thảo bao gồm quy định đối tượng cấp giấy phép xây dựng; điều kiện cấp giấy phép xây dựng tạm; công khai, minh bạch quy trình, thủ tục cấp, điều chỉnh giấy phép xây dựng... Qua thẩm tra, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cơ bản tán thành với những nội dung được đề nghị sửa đổi, bổ sung.

Xem xét khả năng chịu tải của lưu vực sông

Đó là một quy định mới được bổ sung vào dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi). Bộ trưởng Bộ TN-MT Nguyễn Minh Quang cho biết, dự thảo luật đã bổ sung quy định về việc định kỳ quan trắc và đánh giá chất lượng nước và trầm tích của các lưu vực sông; vấn đề bảo vệ môi trường các lưu vực sông xuyên biên giới. “Việc xây dựng các cơ sở phát sinh chất thải vào các lưu vực sông phải xem xét tới khả năng chịu tải của các lưu vực sông. Dự thảo luật cũng bổ sung quy định về trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ trong chỉ đạo bảo vệ môi trường lưu vực sông; trách nhiệm của Bộ TN-MT trong ban hành, hướng dẫn các quy chuẩn, tiêu chuẩn môi trường nước, trầm tích các lưu vực sông; trong quan trắc, đánh giá môi trường các lưu vực sông liên tỉnh; bổ sung trách nhiệm của UBND cấp tỉnh đối với bảo vệ môi trường lưu vực sông nội tỉnh”, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang nhấn mạnh.

Đáng lưu ý, liên quan đến việc bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, dự luật đã bổ sung và cụ thể hóa trách nhiệm của các hộ gia đình, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tại các làng nghề; các điều kiện về bảo vệ môi trường tại các làng nghề; trách nhiệm của UBND cấp xã, cấp huyện và cấp tỉnh đối với bảo vệ môi trường làng nghề.

Không cấm, nhưng không thừa nhận hôn nhân đồng giới

Cũng trong chiều 6-11, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, từ Điều 8 đến Điều 16 dự thảo Luật Hôn nhân và gia đình (sửa đổi) quy định về điều kiện kết hôn và đường lối giải quyết đối với các trường hợp kết hôn trái pháp luật. Theo đó, nam, nữ đủ 18 tuổi trở lên thì được kết hôn; sửa đổi quy định về cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính được quy định tại Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 thành quy định “Nhà nước không thừa nhận quan hệ hôn nhân giữa những người cùng giới tính”; đồng thời quy định nguyên tắc giải quyết quan hệ chung sống giữa họ.

Vẫn ông Hà Hùng Cường cho biết, tuy còn một số ý kiến khác nhau, song từ Điều 94 đến Điều 98 dự thảo luật này đã bổ sung và quy định về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Cụ thể là các nội dung: xác định cha, mẹ trong trường hợp mang thai hộ; điều kiện mang thai hộ; quyền, nghĩa vụ của các bên trong quan hệ mang thai hộ; giải quyết tranh chấp liên quan đến việc sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.

Hưởng BHYT theo thời gian tham gia

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT sửa đổi quy định các đối tượng “có trách nhiệm tham gia BHYT” thành “BHYT là hình thức bảo hiểm bắt buộc” nhằm khẳng định mọi đối tượng bắt buộc phải tham gia BHYT. Đây là trách nhiệm xã hội để thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân. Bổ sung quy định mức hưởng BHYT theo thời gian tham gia BHYT.

Cụ thể, dự thảo luật đã sắp xếp lại 25 nhóm đối tượng thành 5 nhóm theo trách nhiệm đóng BHYT gồm: nhóm do người lao động và người sử dụng lao động đóng; nhóm do tổ chức bảo hiểm xã hội đóng; nhóm do ngân sách nhà nước đóng; nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần mức đóng; nhóm tự đóng BHYT. Luật cũng bổ sung quy định giảm dần mức đóng BHYT khi toàn bộ các thành viên trong hộ gia đình tham gia BHYT, cụ thể: người thứ nhất đóng bằng mức quy định; người thứ hai, thứ ba, thứ tư, thứ năm đóng lần lượt bằng 80%, 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất; từ người thứ sáu trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.

Luật cũng sửa đổi quy định đối tượng được thanh toán chi phí vận chuyển thống nhất với đối tượng được hưởng 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT, bao gồm: người có công với cách mạng; trẻ em dưới 6 tuổi; người thuộc diện hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng theo quy định của pháp luật; người thuộc hộ gia đình nghèo; người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn. Sửa đổi quy định quỹ BHYT thanh toán đối với trường hợp người có thẻ BHYT đi khám bệnh, chữa bệnh vượt tuyến chuyên môn kỹ thuật trong phạm vi quyền lợi và theo mức hưởng do Chính phủ quy định khi khám bệnh, chữa bệnh nội trú và một số bệnh do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định khi khám bệnh, chữa bệnh ngoại trú.

Thẩm tra dự án luật này, Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, việc sửa luật là cần thiết, tuy nhiên dự thảo luật cần nghiên cứu các vấn đề: quy định trường hợp được khám sàng lọc hưởng BHYT (sàng lọc khám phụ khoa, sức khỏe khi phụ nữ có thai, sức khỏe thai nhi, trẻ sơ sinh); không nên quy định về tuyến khám chữa bệnh đối với phụ nữ khi sinh đẻ...

ANH THƯ – PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục