Kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3

Đại tá, Anh hùng LLVTND Nguyễn Thị Minh Hiền: Cả đời “Giữ nếp nhà”

Đại tá, Anh hùng LLVTND Nguyễn Thị Minh Hiền: Cả đời “Giữ nếp nhà”

Những người yêu thích vở cải lương Khách sạn Hào Hoa (soạn giả Trần Hà) đều yêu quý “Hiếu bán bar”. Nhất là khi biết đó là kịch bản từ trận đánh thật của Đội An ninh vũ trang T30 tại khách sạn Caravelle năm 1970, người ta tò mò muốn biết “Hiếu bán bar” ngoài đời thế nào? “Hiếu bán bar” ngoài đời là Đại tá an ninh Nguyễn Thị Minh Hiền, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, tên thật Phan Thị Hồng Châu, quê ở Bến Tre.

Đồng chí Minh Hiền và chồng khi nhận danh hiệu Anh hùng LLVTND.

Đồng chí Minh Hiền và chồng khi nhận danh hiệu Anh hùng LLVTND.

1- 15 tuổi, cha của Hồng Châu, một cán bộ quân sự của tỉnh Bến Tre bắt đầu hướng dẫn cô tham gia hoạt động cách mạng. Bài học cách mạng nhập môn của Hồng Châu là học tháo ráp và sử dụng nhiều loại vũ khí, mỗi ngày rảo một vòng quan sát các điểm hỏa lực của địch trong huyện về báo cáo lại cho ba, và phải trả lời “cho ngon” các câu hỏi ứng xử tình huống “nếu như…” của bà Sáu Lực, mẹ Châu, cán bộ binh vận trong Đội quân tóc dài của nữ tướng Nguyễn Thị Định. Năm 1968, tròn 15 tuổi, Châu chính thức thoát ly với tên mới - Nguyễn Thị Minh Hiền và được đưa vào giúp việc nhà cho thiếu tá Hai, người được Tổng nha Cảnh sát cắt cử quản lý địa bàn Bến Tre và Tiền Giang. Hai năm trong nhà thiếu tá Hai, Minh Hiền thu thập được rất nhiều tin tức giá trị trong các bữa ăn nhậu giữa ông Hai với bạn bè giúp quân cách mạng tránh được những trận càn nguy hiểm và có cách phản công rất “trúng khía”.

Khi đám bạn của thiếu tá Hai bắt đầu nghi ngờ cô hầu gái xinh đẹp Minh Hiền thì ông ta bị thương. Theo lệnh của tổ chức, Minh Hiền xin đi theo lên Sài Gòn chăm sóc ông ta trong bệnh viện riêng của lực lượng cảnh sát. Những ngày ở bệnh viện được Hiền chăm sóc chu đáo, ông Hai cảm động và đem lòng yêu mến cô. Từ đó, thiếu tá Hai trở thành vỏ bọc an toàn cho Hiền. Nhiều thông tin “động trời” được Hiền thu thập chuyển về cứ từ những cuộc thăm viếng của khách đến thăm thiếu tá Hai. Trong thời gian nuôi bệnh, Hiền được một cán bộ nữ của T30 tiếp xúc và huấn luyện phương thức hoạt động tại nội đô. 17 tuổi, Minh Hiền xinh như mộng lại thông minh, dịu dàng nên ông Hai càng say mê, tin cẩn Hiền. Thỉnh thoảng Hiền xin về quê vài ngày, thật ra là để thực hiện nhiệm vụ đặc biệt, như lần đánh vào Hội trường công chức tỉnh Bến Tre.

Năm 1970, vợ ông Hai mở quầy bán rượu trong khách sạn Caravelle. Hiền xin bà chủ cho lên Sài Gòn bán rượu. Với Hiền đây thật sự là lối đi “lưỡng toàn kỳ mỹ”, vừa thoát khỏi tay ông chủ vừa “danh chính ngôn thuận” nhận địa bàn mới của tổ chức giao. Hiền vào vai gái bán bar “rất ngọt”, bà chủ vừa ý nên đưa Hiền lên hàng “vơ đét” chuyên tiếp khách cao cấp và sĩ quan Mỹ. Trong số những người “say Hiền” có một thiếu tá Mỹ. Và Đội T30 đã lên kế hoạch đánh vào hang ổ của lính viễn chinh Mỹ ở giữa Sài Gòn từ thông tin, Hiền thu thập được từ tay thiếu tá Mỹ ấy - khi y sẽ tổ chức sinh nhật tại nhà hàng Caravelle.

2- Xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, Năm Phú và Hai Chiến, 2 lãnh đạo từ Trung ương cục miền Nam vào tham gia chỉ đạo. Sau khi điều nghiên hiện trường, 2 chú đã ngần ngừ nhiều lần vì Minh Hiền có thể sẽ hy sinh; bởi lối thoát thân cho cô, gần như không có. Anh Bảy Cường, người lãnh đạo trực tiếp của Hiền, đã nói với cô về “con đường chết” sau tiếng nổ. Hiền cười nhẹ nhàng: “Em chuẩn bị tinh thần rồi, đây là dịp tốt nhất”. Theo kịch bản, một chiến sĩ biệt động tinh nhuệ nhất, tên Trung, dưới vỏ bọc sĩ quan biệt kích 81 của Mỹ sẽ đưa Hiền thoát ra ngoài khi xong việc; chị bếp Năm là người chuyển mìn để trong thùng rượu vào cho Hiền. Có rất đông sĩ quan Mỹ, ngụy đến dự tiệc sinh nhật ấy nên bất cứ ai vào phòng tiệc đều bị khám xét nghiêm ngặt. Đêm ấy, Minh Hiền diện rất đẹp cặp tay “nhân vật chính” ôm trên tay thùng rượu, quà tặng đặc biệt của Hiền đi vào tiệc. Theo kế hoạch, khi “sĩ quan biệt kích Trung” xuất hiện, Hiền sẽ tìm cách kích mìn, đặt giờ và cùng thoát thân. Tay thiếu tá Mỹ đòi mở thùng rượu của Hiền đãi khách mà Trung vẫn chưa đến. Chị Năm bếp và một hầu bàn nội ứng nhắc Hiền phải tự thoát nhanh kẻo lộ, kẻo nổ. Minh Hiền cười, lắc đầu. Chị chuẩn bị tinh thần “đi chung xuồng” rồi. Tự nhiên bỏ đi ra khỏi phòng sẽ khiến địch nghi ngờ và kết quả sẽ rất tai hại. Hiền vui vẻ mở thùng lấy rượu và nhanh tay đặt giờ kích nổ rồi đẩy thùng rượu vào chỗ khuất. Hiền cười nói mời rượu và chờ mìn nổ. 20 phút, mìn sẽ nổ. 15 phút nữa... 10 phút, mìn sẽ nổ… Chợt “sĩ quan Trung” bước vào bắt tay chủ tiệc. Tay thiếu tá Mỹ ngỡ ngàng: “Anh là… tôi chưa nhớ ra anh…”. Hiền bước nhanh đến bảo y để Hiền giúp y tiếp khách lạ. Chớp mắt cả hai biến ra khỏi bữa tiệc. Xe chạy qua mặt Nhà hát Lớn thì khách sạn Carevelle rung chuyển bởi tiếng nổ to.

Đó là trận đánh thứ 17 của nữ biệt động thành 17 tuổi, bí danh Tư Hiền.

Sau trận đánh chấn động ấy, “Hiền bán bar” được rút về R. Tư Hiền được kết nạp Đảng tại R, trước khi được đưa ra Bắc đi học văn hóa và Đại học An ninh.

Năm 1974, cô sinh viên Nguyễn Thị Minh Hiền, 21 tuổi, được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

3- Năm 1993, chị Hiền là Phó Trưởng Công an quận 5, phụ trách Quản lý hành chính và trật tự xã hội. Những năm ấy, chuyện nhập hộ khẩu vào thành phố vẫn còn nhiều trục trặc, chỗ này chỗ khác. Với trái tim nhạy cảm của mình, chị đã mở lối ra cho nhiều hoàn cảnh tưởng chừng như bế tắc. Một gia đình có 3 chị em, lục đục nhau suốt vì “ai cũng muốn mình làm chủ hộ”. Gia đình khác có 3 đứa nhỏ không hộ khẩu không được đi học trường công lập. Sau đó, cả hai trường hợp trên và nhiều trường hợp khác nữa được chị giải quyết hợp pháp, hợp lý. Hãy đặt mình vào hoàn cảnh của dân khi tham vấn thủ tục cho bà con và phải cải tiến thủ tục hành chính để những trường hợp thủ tục đã đủ, phải trả hồ sơ cho bà con sau 3 ngày làm việc. Đó là 2 việc chị đề ra và cùng thuộc cấp kiên trì làm và làm hiệu quả, để lại dấu ấn đẹp trong lòng người dân.

Cuộc nói chuyện của chúng tôi bị ngắt quãng vì những cuộc điện thoại, trong đó hai chữ Tường Chi, được nhắc nhiều lần “Tường Chi là ai vậy chị?”, chị cười buồn, kể: Năm 1974, T30 phân công tổ của Tường Chi đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất. Đến điểm đánh, khi cài giờ kích nổ mìn định hướng, trong ánh sáng nhập nhoạng của đèn cao áp, Tường Chi kịp phát hiện ra một lỗi chết người trong khối thuốc nổ TNT trên tay. Quay lại sau, Tường Chi hét lớn “đừng lên, thoát đi”. Đồng đội gần nhất chỉ kịp nhìn thấy cô gái trẻ tung khối thuốc nổ vào trong rồi áp người ôm kín cửa công sự. Tiếng nổ long trời, cô gái tên Tường Chi mất dấu hoàn toàn trên cõi đời. Mắt chị đỏ hoe: “Mẹ Chi là Mẹ VNAH, nhà tình nghĩa của mẹ xây đã hơn 20 năm, nay xuống cấp rồi, đồng đội T30 đang cùng nhau xây nhà mới cho mẹ”.

Là người có thể cười với cái chết nhưng chị lại dễ khóc khi nhắc đến những bà mẹ liệt sĩ. Giọng chị sũng nước: “8-3 này là thất của mẹ chị. Bà mất hôm 20 Tết, mẹ không chờ được ngày nhận danh hiệu Mẹ VNAH rồi”. Gia đình chị có ba và anh là liệt sĩ, chị và cô em út tên Phan Thị Ngọc Tươi (nữ biệt động thành của T30) được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND. Và, mẹ chị, bà Sáu Lực, đã được đề nghị phong tặng Bà mẹ VNAH.

Giọng chị trở nên ấm áp ngọt ngào hơn khi nói về những bữa cơm sum họp gia đình. Bởi, hòa bình rất lâu rồi nhưng những bữa cơm tối có đủ 4 thành viên của gia đình vẫn là điều chị mơ ước. Chồng chị, đại tá Nguyễn Thế Bình, một sĩ quan điều tra kinh nghiệm từng chỉ đạo và tham gia nhiều chuyên án nổi tiếng: Năm Cam, Trần Đàm, Trần Văn Khánh (Bộ NN-PTNT), Mạc Kim Tôn (nguyên ĐBQH)… hiện là Vụ trưởng Vụ 3 của Ban Nội chính Trung ương, công tác tại Hà Nội. Chị bảo: “Phụ nữ dù làm công việc gì, chức vụ gì thì gia đình vẫn quan trọng nhất và giữ cho được nếp nhà vẫn là mục tiêu phấn đấu cả đời”.

Phạm Thục

Tin cùng chuyên mục