Góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp Năm 1992

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu: Phải phản ánh được ý chí, nguyện vọng của nhân dân

Ngày 7-3, bên lề hội nghị do HĐND TP Hà Nội tổ chức để lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo Hiến pháp sửa đổi Hiến pháp năm 1992, ông Uông Chu Lưu (ảnh), Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đã có cuộc trao đổi với báo giới về một số nội dung được dư luận đặc biệt quan tâm trong bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu: Phải phản ánh được ý chí, nguyện vọng của nhân dân

Ngày 7-3, bên lề hội nghị do HĐND TP Hà Nội tổ chức để lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo Hiến pháp sửa đổi Hiến pháp năm 1992, ông Uông Chu Lưu (ảnh), Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đã có cuộc trao đổi với báo giới về một số nội dung được dư luận đặc biệt quan tâm trong bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp.

* Phóng viên: Thưa Phó Chủ tịch Quốc hội, trong quá trình góp ý về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, có một số ý kiến đề nghị xây dựng luật về Đảng. Ông có bình luận gì?

* Phó Chủ tịch Quốc hội UÔNG CHU LƯU: Điều 4 Dự thảo Hiến pháp sửa đổi đã xác định rõ là Đảng hoạt động trong khung khổ Hiến pháp, pháp luật. Đảng không đứng trên, không đứng ngoài pháp luật. Đồng thời, là một tổ chức chính trị, Đảng phải hoạt động theo điều lệ, nghị quyết, quy chế của Đảng, nếu đòi hỏi Nhà nước đi làm luật cho Đảng thì không hợp lý. Tương tự, đã là đảng viên ngoài việc phải thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ công dân ra, còn phải tuân thủ điều lệ, nghị quyết, quy chế của Đảng về đảng viên nữa.

* Công thư của Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 ngày 6-3 đặc biệt nhấn mạnh việc lấy ý kiến từng hộ dân, đảm bảo quá trình lấy ý kiến thật sự công khai dân chủ, phát huy trí tuệ của toàn dân. Có phải vì vậy thời gian lấy ý kiến nhân dân về dự thảo được kéo dài?

* Đây là việc Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 rất quan tâm, nhằm đảm bảo mọi người dân đều tiếp cận được dự thảo và có điều kiện tham gia góp ý vào dự thảo. Vì vậy, ủy ban đã chỉ đạo các tỉnh thành phố in, sao chụp tài liệu gửi đến từng hộ dân để có điều kiện so sánh giữa Hiến pháp hiện hành và Dự thảo sửa đổi, từ đó có cơ sở đóng góp ý kiến. Ủy ban cũng hết sức lưu ý việc tập hợp, tổng hợp ý kiến phải đầy đủ, khách quan, tránh xuôi chiều; nghĩa là phải phản ánh được mọi ý kiến đồng thuận, chưa đồng thuận và kiến nghị sửa đổi bổ sung vào những điều khoản cụ thể, phản ánh với ủy ban để tiếp thu đầy đủ, giải trình thấu đáo; nhằm đảm bảo Hiến pháp sửa đổi phản ánh chính xác ý chí, nguyện vọng của nhân dân.

* Hiện tại, Luật Đất đai 2003 cũng đang được sửa đổi với những nội dung có liên quan đến Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Một số ý kiến đề nghị 2 văn bản pháp lý quan trọng này thống nhất quy định đa sở hữu đất đai. Xin ông cho biết quan điểm về vấn đề này?

* Đây là vấn đề rất lớn, ý kiến hiện nay còn khác nhau. Tuy nhiên, đa số ý kiến của nhân dân, các cơ quan tổ chức đều khẳng định, sở hữu toàn dân về đất đai là phương án hợp lý nhất, phù hợp với điều kiện lịch sử, hoàn cảnh của chúng ta. Bởi đất đai không chỉ thuần túy là vấn đề kinh tế, mà còn là vấn đề chính trị xã hội. Trải qua các cuộc đấu tranh giành độc lập, bảo vệ Tổ quốc, qua nhiều thời kỳ lịch sử, nếu bây giờ quy định “tư hữu hóa đất đai” hay đa dạng hóa hình thức sở hữu đất đai sẽ làm nảy sinh những vấn đề phức tạp về mặt chính trị, xã hội.

Tôi cho rằng quan trọng nhất, đồng thời cũng là điểm mới đáng lưu ý ở Dự thảo sửa đổi lần này là việc Hiến định pháp luật bảo hộ, bảo vệ quyền tài sản của người dân về đất đai; từ đó xử lý được những bất cập, hạn chế của pháp luật hiện nay trong vấn đề thu hồi đất, đền bù giải phóng mặt bằng, giá đền bù, chính sách tài chính về đất đai, cũng như cơ chế quản lý quy hoạch, kế hoạch đất đai.

* Như vậy có thể hiểu tinh thần sửa đổi Hiến pháp là vẫn tiếp tục duy trì hình thức sở hữu toàn dân về đất đai và nhà nước là đại diện chủ sở hữu, nhưng quyền lợi của người dân có được đảm bảo tốt hơn?

* Chắc chắn tốt hơn. Dự thảo làm rõ hơn quyền của người sử dụng đất; khẳng định đây là quyền tài sản được ghi nhận vào Hiến pháp, đây là sự bảo đảm hết sức chắc chắn cho người dân.

* Một số ý kiến cho rằng, nếu quy định trong Hiến pháp việc Nhà nước thu hồi đất để phục vụ mục tiêu kinh tế xã hội thì rất dễ dẫn đến tùy tiện, lạm quyền; mâu thuẫn với việc bảo hộ quyền tài sản của người dân về đất đai như ông vừa nói? Hướng xử lý vấn đề này như thế nào?

* Ngoài việc dễ có sự tùy tiện, lạm quyền, các ý kiến này cho rằng, Dự thảo Hiến pháp sửa đổi đã xác định thu hồi đất vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng; mà trong lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng đã bao gồm cả vấn đề thu hồi đất để phát triển các dự án kinh tế xã hội rồi. Cho nên không cần thiết phải bổ sung thêm vế đó. Đây cũng là một ý kiến hợp lý mà chúng ta cần phải ghi nhận để xem xét khi trình ra Quốc hội quyết định.

* Cảm ơn ông. 

ANH THƯ ghi


Cần một chương độc lập về văn hóa, xã hội

(SGGP).- Ngày 7-3, HĐND TP Hà Nội khai mạc hội nghị lấy ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đến dự.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đánh giá cao sự tích cực và hiệu quả của các ngành, các cấp và sự quan tâm của các tầng lớp nhân dân Hà Nội, tích cực đóng góp ý kiến Dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu nhấn mạnh, vừa qua, bên cạnh những ý kiến tâm huyết, sâu sắc, cụ thể đóng góp vào dự thảo, cũng xuất hiện những trường hợp lợi dụng chủ trương lấy ý kiến nhân dân để tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước, cố tình nêu các ý kiến ngược lại với Cương lĩnh xây dựng đất nước của Đảng. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cấp, ngành TP cần có biện pháp đấu tranh, ngăn chặn kịp thời. Đặc biệt, cần tuyên truyền làm rõ, Hiến pháp mới được xây dựng trên cơ sở tổng kết thực tiễn thực hiện Hiến pháp 1992, căn cứ Cương lĩnh xây dựng đất nước của Đảng (bổ sung và phát triển năm 2011), kế thừa phát huy Hiến pháp năm 1992 và các bản hiến pháp trước đó, đồng thời tiếp thu kinh nghiệm lập hiến của các nước trên thế giới nhưng phải phù hợp với hoàn cảnh đất nước ta.

Các đại biểu tham dự hội nghị đã đóng góp ý kiến nhiều nội dung trong Dự thảo Hiến pháp sửa đổi liên quan đến kiều bào Việt Nam ở nước ngoài; đất đai do các cơ sở tôn giáo quản lý, sử dụng; vai trò của Công đoàn Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; các quyền con người, quyền công dân... Đại biểu Nguyễn Hữu Thắng đề nghị bổ sung Điều 19 của dự thảo theo hướng làm rõ ý Nhà nước chăm lo, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài đóng góp xây dựng quê hương để thể hiện đúng mức sự ghi nhận và quan tâm đến kiều bào ta ở nước ngoài. Đại biểu Đặng Văn Chính đề nghị bỏ quy định vai trò “thanh tra, kiểm tra” của tổ chức Công đoàn vì đó là “chức trách, nhiệm vụ của cơ quan nhà nước, Công đoàn chỉ có nhiệm vụ giám sát”.

Cùng ngày, Bộ VH-TT-DL tổ chức hội nghị trực tuyến để lấy ý kiến đóng góp Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tại 3 điểm cầu: Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM. Các đại biểu đã dành nhiều thời gian góp ý vào lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và cho rằng, cần có một chương độc lập về văn hóa, xã hội. Theo đại diện cơ quan Bộ VH-TT-DL tại TPHCM, trong xu hướng hội nhập thế giới ngày nay thì lĩnh vực thể dục thể thao vẫn tiếp tục phát triển, không chỉ bao hàm việc phát triển sức khỏe mà cả vấn đề hội nhập, quan hệ đối ngoại và đó là một nhu cầu hưởng thụ giá trị văn hóa thể chất. Phát triển du lịch không những là sự phát triển kinh tế mà đó còn là nhu cầu giao lưu hợp tác giữa các nước, các dân tộc.

Theo NSƯT Lê Chức, nhiều từ ngữ định tính, ít định lượng như: thuần phong mỹ tục, vi phạm đạo lý được sử dụng tại điều khoản này sẽ gây ra không ít khó khăn trong xử lý vi phạm thực tế.  

B.AN - V.XUÂN

Tin cùng chuyên mục