Xử lý tham nhũng chưa phản ánh đúng tình hình

Không có tham nhũng trong ngành tài nguyên - môi trường, nội vụ?

Ngày 18-7, Ủy ban Tư pháp Quốc hội đã tổ chức phiên điều trần về việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng thuộc trách nhiệm của các cơ quan hành chính nhà nước. Tham dự phiên họp có Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và nhiều vị lãnh đạo bộ ngành.

Không có tham nhũng trong ngành tài nguyên - môi trường, nội vụ?

Theo báo cáo của Tổng Thanh tra Chính phủ, thống kê của Bộ Tài nguyên - Môi trường và Bộ Nội vụ về công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng cho thấy, đã không có sai phạm cụ thể nào được phát hiện. Còn theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Phạm Sĩ Danh, từ năm 2009 đến hết quý 1-2013, Tổng cục Thuế có 3 trường hợp người đứng đầu bị kết luận là thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng. Trong đó, có 1 trường hợp phát hiện qua công tác thanh tra, kiểm tra nội bộ đã bị kỷ luật giáng chức. Có 2 trường hợp bị xử lý khiển trách. Cũng trong ngành thuế đã phát hiện 10 vụ việc tham nhũng; đã xử lý kỷ luật hành chính 12 người, xử lý hình sự 4 người. Ngành hải quan đã phát hiện 8 vụ, xử lý hình sự 24 người. Cùng kỳ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cảnh cáo và giải quyết nghỉ hưu đối với Cục trưởng Cục Thống kê Lào Cai; cảnh cáo và điều chuyển cục phó cũng của địa phương này. Cục trưởng các Cục Thống kê Kon Tum, Sóc Trăng… cũng bị kỷ luật cảnh cáo.

Tổng cộng, theo Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh, riêng năm 2012, ngành thanh tra đã kiến nghị xử lý trách nhiệm 20 người đứng đầu. Ngoài ra còn kiến nghị xử lý hành chính 2 tập thể, 56 cá nhân, chuyển cơ quan điều tra 24 vụ, 42 người. “Số vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện xử lý chưa phản ánh đúng tình hình tham nhũng; chủ yếu chỉ ở cấp cơ sở và thường chỉ vạch mặt chỉ tên được đối tượng trực tiếp thực hiện” - người đứng đầu cơ quan Thanh tra Chính phủ thẳng thắn thừa nhận. Trong khi đó, quy mô các vụ tham nhũng ngày càng lớn, thể hiện ở số đối tượng có liên quan, lượng tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát, xu hướng liên kết, hình thành tổ chức phạm tội trong các khu vực, lĩnh vực kinh tế ngày càng tăng; tính chất của vụ việc ngày càng tinh vi, phức tạp. Đáng lưu ý, có những ngành, lĩnh vực trong nhiều năm không phát hiện được hành vi tham nhũng (tài nguyên - môi trường, công tác cán bộ).

Phải kiểm tra chính các đoàn thanh tra!

Thẳng thừng bày tỏ hoài nghi về nhận định “không phát hiện tham nhũng trong lĩnh vực tài nguyên - môi trường, nội vụ”, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Đỗ Văn Đương đặt câu hỏi: “Qua các cuộc thanh tra lớn về đất đai thì gặp khó khăn lớn gì trong xác định tham nhũng? Trong 3 năm qua, kiểm toán kiến nghị xử lý tài chính lớn, lên tới 68.000 tỷ đồng, với hàng ngàn sai phạm. Tại sao số vụ việc chuyển sang cơ quan điều tra lại ít ỏi như vậy? Cụ thể, năm 2012 chỉ chuyển có 5 vụ (!?)”. ĐB Trần Thị Dung, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật cũng nhận xét rằng, nếu 2 ngành vô cùng nhạy cảm là tài nguyên - môi trường và công tác cán bộ thật sự không có vi phạm thì “nhân dân sẽ vô cùng phấn khởi”. Bà Dung đề nghị Tổng Thanh tra Chính phủ bình luận về báo cáo của 2 ngành này.

Với cương vị Phó Chánh án TAND TPHCM, ĐBQH Huỳnh Ngọc Ánh nhận xét: “Ngay báo cáo cũng cho thấy, thanh tra xong hầu hết kiến nghị xử lý hành chính. Cần giám sát việc xử lý hành chính như vậy đúng hay sai”. ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh đặt vấn đề xem lại chất lượng cán bộ, khi mà người dân và báo chí tuy không có chuyên môn nghiệp vụ nhưng lại phát hiện được tham nhũng, trong khi các cơ quan chức năng thì không... ĐBQH Lê Thị Nga, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, đặc biệt quan tâm đến thiết chế “Tổng Kiểm toán Nhà nước”. Bà Nga nói: “Quốc hội đã giao nhiệm vụ và dân cũng kỳ vọng vào Tổng Kiểm toán, vì thiết chế này độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; nhưng qua kiểm toán gần 700 đầu mối trong 4 năm đã không có kiến nghị về vụ việc nào có dấu hiệu tham nhũng”. Đó là chưa kể tình trạng vòi vĩnh trong đội ngũ kiểm toán viên vẫn còn tồn tại. Nữ phó chủ nhiệm này đề nghị xác định rõ trách nhiệm của Kiểm toán Nhà nước trong việc không phát hiện ra tham nhũng.

Đây cũng là quan điểm của Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện. Ông Hiện đề nghị, đồng thời với việc “trám” lại những lỗ hổng trong cơ chế chính sách, cần có sự rà soát, xử lý nghiêm minh những hành vi tiêu cực ngay trong lực lượng thanh tra, kiểm toán.

Giải trình tại phiên họp, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh nhìn nhận, dù đã có những cố gắng rất lớn, cũng như những kết quả nhất định nhưng “chúng tôi thấy vẫn chưa hài lòng”. Ngành thanh tra quán triệt quan điểm trong quá trình thanh tra phải quan tâm, phát hiện xử lý hành vi tham nhũng bên cạnh những hành vi khác. Ngành đã có nhiều quy định để ngăn ngừa, kiểm soát tiêu cực, tham nhũng trong ngành và đã xử lý một số trường hợp, trong đó có những trường hợp xử lý hình sự.

Về phần mình, Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Hữu Vạn cho biết, trình độ của đội ngũ kiểm toán hiện nay không đồng đều, trong đó có gần 30% kiểm toán viên dự bị. Đây là một nguyên nhân dẫn đến chất lượng kiểm toán chưa được như mong muốn. Ông bày tỏ mong muốn các cơ quan lập pháp tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý và khẳng định quyết tâm làm trong sạch đội ngũ.

Trong giai đoạn 2006 - 2011 tuy phát hiện, xử lý nhiều cá nhân, tập thể song số tiền thu về cho ngân sách không được là bao. Tỷ lệ xử lý hành chính chiếm khá cao… Trong lĩnh vực ngân hàng, cơ quan công an đã bắt giam 167 người, trong đó có 45 người đã bị xử lý hình sự và 122 người bị xử lý hành chính. Ngành tài chính đã xử lý hành chính 11 người. Trong lĩnh vực giao thông vận tải có 17 vụ, 43 người bị phát hiện tham nhũng, gây thiệt hại 3,9 tỷ đồng. Riêng năm 2012 đã phát hiện 4 vụ, 6 người có hành vi tham nhũng. Ngành kế hoạch và đầu tư trong 5 năm cũng đã thu hồi về ngân sách 1,2 tỷ đồng, xử lý trách nhiệm 8 người. Ngành công thương đã phát hiện 18 vụ, 29 người liên quan; xử lý kỷ luật hành chính 29 người. Số tiền thiệt hại lên tới 7,9 tỷ đồng.

(Trích Báo cáo của Thanh tra Chính phủ)

ANH THƯ

Tin cùng chuyên mục