Có chấn chỉnh được kinh doanh hàng đa cấp?

Trong khi mô hình bán hàng dưới hình thức đa cấp được không ít quốc gia áp dụng hiệu quả (vì đã đưa các chi phí mặt bằng, quảng cáo vào để giảm giá trực tiếp cho người tiêu dùng - hình thức tiếp thị trực tiếp), thế nhưng mô hình này khi vào Việt Nam đã bị biến tướng.
Cả nước có chưa đầy 100 doanh nghiệp kinh doanh bán hàng theo hình thức đa cấp, nhưng đã trở thành nỗi ám ảnh của nhiều gia đình. Kiểu kinh doanh dụ dỗ, chụp giựt khiến không ít sinh viên, gia đình phải điêu đứng. Liệu với việc siết chặt quản lý, xử phạt có đưa mô hình này vào nề nếp?
Có chấn chỉnh được kinh doanh hàng đa cấp? ảnh 1 Bảng hiệu văn phòng công ty kinh doanh đa cấp tại TPHCM. Ảnh: THÀNH TRÍ
Xử lý mạnh tay Trong 2 năm nay, các ngành chức năng đã liên tục vào cuộc xử lý các công ty bán hàng đa cấp sai phạm. Đến nay, số lượng doanh nghiệp bán hàng đa cấp bị đình chỉ hoạt động, rút giấy phép chiếm khoảng 50% tổng số doanh nghiệp kinh doanh đa cấp. Hiện cả nước chỉ còn hơn 30 doanh nghiệp kinh doanh đa cấp, bằng khoảng 1/2 so với năm 2015. Không những thế, một số công ty phải chịu mức phạt khá cao như Công ty Everrichs (quận 3, TPHCM) vừa bị thu hồi giấy phép và bị phạt 620 triệu đồng. Công ty này kinh doanh các sản phẩm chức năng với quảng cáo là đem lại sức khỏe, sắc đẹp và sinh lý cho người dùng, như tổ yến chưng Nrid’s Nest Plus, sản phẩm uống TheoMax (ca cao, nhân sâm, linh chi), thực phẩm hỗ trợ tăng - giảm cân Pridi Gold… Công ty đăng thông tin tuyển dụng nhân sự tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp với tên gọi “Khát vọng Việt” và hướng tới đối tượng chủ yếu là sinh viên. Dù đã bị cảnh báo nhiều lần nhưng công ty này vẫn vi phạm, dẫn tới việc xử lý khá mạnh tay của cơ quan chức năng. Ngay cả khi đã thu hồi giấy chứng nhận kinh doanh nhưng vẫn buộc doanh nghiệp phải thực hiện các nghĩa vụ của mình trước pháp luật; trong đó có cả nghĩa vụ bảo đảm quyền lợi chính đáng của các nhà phân phối và người tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp khi yêu cầu người tham gia bán hàng đa cấp đến giải quyết quyền lợi, nếu gặp khó khăn thì liên hệ với cơ quan có thẩm quyền để được hỗ trợ giải quyết. Trước đó, Công ty Thiên Ngọc Minh Uy cũng bị phạt 215 triệu đồng và bị rút giấy phép hoạt động. Cùng lúc đó, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) cũng rút phép hoạt động của Công ty TNHH Kangzen - Kenko Việt Nam và Công ty TNHH Tupperware Việt Nam. Sau 90 ngày kể từ ngày Cục Quản lý cạnh tranh ban hành văn bản xác nhận tiếp nhận hồ sơ thông báo chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp, 2 công ty trên đã nộp hồ sơ đề nghị rút tiền ký quỹ theo quy định. Sau đó, các công ty cũng đã thực hiện nghĩa vụ đối với người tham gia bán hàng đa cấp theo đúng quy định pháp luật.  Tuy nhiên, nhiều người vẫn cho rằng, hiện nay một số doanh nghiệp bán hàng đa cấp vẫn lén lút tổ chức các hội nghị khách hàng, cung cấp thông tin không đầy đủ, không chính xác, khơi dậy lòng tham của những người thiếu hiểu biết để họ tham gia vào mạng lưới bán hàng đa cấp, rồi sự thật không đúng nhưng quảng cáo và người tham gia mạng lưới không có lối thoát.Thêm quy định, điều kiện chặt chẽ    Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 40/2018/NĐ-CP ngày 12-3-2018 về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, quy định rõ điều kiện cụ thể khi thành lập doanh nghiệp bán hàng đa cấp, với mong muốn đưa hình thức kinh doanh này vào nề nếp. Cụ thể, doanh nghiệp kinh doanh theo hình thức bán hàng đa cấp phải đáp ứng đủ 7 điều kiện sau: Một là, doanh nghiệp được thành lập tại Việt Nam theo quy định của pháp luật và chưa từng bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp. Hai là, có vốn điều lệ từ 10 tỷ đồng trở lên. Ba là, thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh, chủ sở hữu đối với doanh nghiệp tư nhân hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên; thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn có từ hai thành viên trở lên; cổ đông sáng lập đối với công ty cổ phần, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp không bao gồm tổ chức hoặc cá nhân từng giữ một trong các chức vụ nêu trên tại doanh nghiệp bán hàng đa cấp đã bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động theo quy định của Nghị định 42/2014/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp và nghị định mới này. Bốn là, ký quỹ tại một ngân hàng thương mại hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam. Năm là, có mẫu hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp, quy tắc hoạt động, kế hoạch trả thưởng, chương trình đào tạo cơ bản rõ ràng, minh bạch và phù hợp với quy định của nghị định này. Sáu là, có hệ thống công nghệ thông tin quản lý mạng lưới người tham gia bán hàng đa cấp, trang thông tin điện tử để cung cấp thông tin về doanh nghiệp và hoạt động bán hàng đa cấp của doanh nghiệp. Bảy là, có hệ thống thông tin liên lạc để tiếp nhận, giải quyết thắc mắc, khiếu nại của người tham gia bán hàng đa cấp. Như vậy, Nghị định 40/2018/NĐ-CP đã loại bỏ những người trước đây tham gia thành lập, điều hành doanh nghiệp bán hàng đa cấp có vi phạm, đã bị giải thể sẽ không được quay lại thành lập doanh nghiệp mới. Tuy nhiên, dù quy định khá chặt, nhưng để hoạt động bán hàng đa cấp đi vào nề nếp, theo các chuyên gia, đó chính là sự kiểm tra, giám sát và xử lý kịp thời vi phạm của cơ quan chức năng.

Tin cùng chuyên mục