Long An - “Địa chỉ đỏ” thu hút đầu tư

Với chiến lược đầu tư hạ tầng và chính sách hợp lý trong thời gian qua đã giúp tỉnh Long An trở thành điểm sáng, “địa chỉ đỏ” thu hút đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài. Đồng thời, Long An cũng biết cách khai thác các tiềm năng, lợi thế của địa phương mình để vươn lên phát triển trong tốp đầu của khu vực ĐBSCL. 
Cảng biển quốc tế Long An được xem là lợi thế quan trọng của tỉnh Long An so với các địa phương khác trong vùng. Ảnh: CÔNG TOẠI
Cảng biển quốc tế Long An được xem là lợi thế quan trọng của tỉnh Long An so với các địa phương khác trong vùng. Ảnh: CÔNG TOẠI

Đất lành 

Ông Huỳnh Văn Sơn, Giám đốc Sở KH-ĐT Long An, cho biết năm 1992, Long An được Bộ KH-ĐT cấp giấy phép cho dự án đầu tư nước ngoài đầu tiên. Đến nay sau 28 năm, Long An được ghi nhận là “địa chỉ đỏ” trong thu hút đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài.  Năm 2001, nhà đầu tư nước ngoài mới bắt đầu chú ý đến Long An, nhưng chỉ 5 năm sau, Long An đã thu hút được 97 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với vốn đăng ký 400 triệu USD - một con số “nằm mơ” đối với tỉnh lúc này. Từ 2006 đến 2010, FDI tăng lên 355 dự án, tổng vốn đăng ký 3,2 tỷ USD (tăng 3,7 lần về số dự án và tăng 8,1 lần về vốn so với giai đoạn 2001-2005). Và 10 năm sau (năm 2020), FDI toàn tỉnh là 1.059 dự án, với vốn đăng ký 6,496 tỉ USD, trong đó, 585 dự án đi vào hoạt động với tổng vốn thực hiện khoảng 3,624 tỉ USD. Các dự án FDI đến từ 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó Đài Loan đứng đầu cả về số dự án và vốn đầu tư, tiếp theo là Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Thái Lan, Hoa Kỳ… 

Để phát huy những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, ông Trần Văn Cần, Chủ tịch UBND tỉnh Long An, nhấn mạnh: "Với phương châm luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư, chính quyền tỉnh Long An sẽ tiếp tục làm hết sức mình vì một môi trường đầu tư thông thoáng nhằm đưa tỉnh Long An trở thành một điểm đến đầu tư hấp dẫn, một thương hiệu mạnh trong thu hút đầu tư tại Việt Nam".

Hiện nay, toàn tỉnh có 32 khu công nghiệp (KCN) đã được quy hoạch đồng bộ, diện tích 11.523,14ha và 62 cụm công nghiệp (CCN) diện tích 3.106ha, trong đó 16 KCN và 21 CCN đang hoạt động với tỷ lệ lấp đầy lần lượt đạt 87,4% và 89,7%. Trong 1.059 dự án FDI, có 678 dự án nằm trong KCN, CCN, tổng vốn đăng ký 3,9 tỷ USD. Các lĩnh vực thu hút vốn đầu tư nước ngoài lớn là ngành dệt may, da giày, công nghiệp chế biến thức ăn gia súc, gia cầm, thủy sản, chế biến thực phẩm, đồ uống, công nghiệp chế tạo… Dự án FDI tập trung tại các huyện vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh, giáp ranh với TPHCM, như Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc và thành phố Tân An. Có thể kể những dự án FDI với vốn đăng ký tương đối lớn là Vina Eco Board, Sapporo, Kyodo Sojitz, Songwol Vina, Japfa Comfeed, ANOVA, CJ Agri, FORMOSA TAFFETA, PUMA, Greenfeed, 4 Oranges, LAVIE…

Với kết quả trên, nhiều năm qua, Long An luôn là một trong những tỉnh dẫn đầu khu vực ĐBSCL và là địa phương thu hút nhiều nguồn vốn FDI trên cả nước. Qua đó, Long An đang chuyển mình mạnh mẽ, là minh chứng về một địa phương năng động, tích cực, chủ động trong các hoạt động giao lưu, hợp tác quốc tế và tìm kiếm cơ hội phát triển. Ngay sau khi dịch Covid-19 được đẩy lùi tại Việt Nam, Long An đã sẵn sàng với dự án trọng điểm KCN Việt Phát (diện tích hơn 1.800ha); CCN Hải Sơn (gần 300ha) nhằm đón đầu “làn sóng” dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu hậu Covid-19.

Khai thác tiềm năng, lợi thế

Có được kết quả này, Long An đã biết khai thác, phát huy các tiềm năng, lợi thế để kêu gọi, thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Nổi bật nhất là địa phương luôn chú trọng cải thiện môi trường đầu tư, cải cách hành chính và đầu tư lớn cho cơ sở hạ tầng, kết nối các trục giao thông chính với TPHCM, các KCN và cảng biển. Đồng thời, tỉnh luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp (DN) các nước đến hợp tác kinh doanh, thương mại. Long An cam kết luôn đồng hành cùng với các DN, xem khó khăn của DN là khó khăn của tỉnh, thành công của DN là thành công của địa phương.

Bên cạnh đó, Long An có vị trí địa lý chiến lược, quỹ đất công nghiệp dồi dào, hạ tầng giao thông đồng bộ, chính sách pháp lý rõ ràng, chính quyền rất năng động. Quả thật, nhìn trên bản đồ sẽ thấy rõ lợi thế vị trí địa lý của Long An: Giáp ranh với TPHCM, Tây Ninh, Đồng Tháp, Tiền Giang và vương quốc Campuchia; là cửa ngõ nối liền TPHCM, vùng Đông Nam bộ với các tỉnh, thành vùng ĐBSCL và là một trong 8 tỉnh thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Điều này giúp các nhà đầu tư tại Long An dễ dàng tiếp cận những tiện ích về cơ sở hạ tầng kinh tế - kỹ thuật, thị trường của TPHCM, một trung tâm kinh tế lớn; đồng thời thuận lợi trong việc tiếp cận nguồn nguyên liệu dồi dào phục vụ ngành công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm tại ĐBSCL - vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp của Việt Nam. 

Đó là chưa nói, từ rất sớm, Long An đã chú trọng quy hoạch xây dựng KCN, CCN để thu hút đầu tư. Với gần 15.000ha đất công nghiệp được quy hoạch, bố trí giáp ranh với TPHCM trong bán kính 30-40km, Long An luôn đáp ứng yêu cầu về mặt bằng, địa điểm, hạ tầng để triển khai dự án nhanh chóng, thuận lợi. Ngoài ra, hạ tầng giao thông đồng bộ là một lợi thế lớn của Long An. Về giao thông đường bộ, tỉnh có các tuyến Quốc lộ 1, Quốc lộ N2, Quốc lộ 50, đường cao tốc TPHCM - Trung Lương, cao tốc Bến Lức - Long Thành đi qua. Về giao thông thủy, thì có Cảng biển quốc tế Long An trên cửa sông Soài Rạp, đã tiếp nhận tàu 30.000 DWT và tương lai có thể tiếp nhận tàu 50.000 - 70.000 DWT.

Cảng biển quốc tế Long An là một trong những cảng biển có quy mô lớn nhất miền Nam, không chỉ giảm tải cho cụm cảng tại TPHCM mà còn giảm chi phí vận chuyển cho DN tại khu vực ĐBSCL. Đây là lợi thế quan trọng của Long An so với các địa phương trong vùng. Hiện, tỉnh đang đẩy nhanh đầu tư các trục động lực kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông tại các huyện vùng kinh tế trọng điểm, như các trục nội tỉnh, liên tỉnh và liên vùng, đặc biệt là các trục giao thông kết nối với TPHCM. 

Mở rộng giao thương 

Ông Lê Minh Đức, Giám đốc Sở Công thương Long An, cho biết, song hành với khai thác tiềm năng, lợi thế để thu hút đầu tư, tỉnh cũng chủ trương đẩy mạnh phát triển thương mại - dịch vụ, duy trì tăng trưởng ổn định, giai đoạn 2016 - 2019 tăng trưởng 7,05%/năm. Mạng lưới cơ sở phân phối, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích, chợ ngày càng mở rộng, phục vụ nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao trong nhân dân, thúc đẩy sản xuất và thay đổi diện mạo thương mại - dịch vụ theo hướng hiện đại. Dịch vụ logistics được chú trọng, công tác xúc tiến thương mại, phát triển thị trường được quan tâm, đặc biệt là kết nối tiêu thụ nông sản với các DN tại TPHCM. 

Kim ngạch xuất khẩu năm 2019 đạt khoảng 5,9 tỉ USD, thị trường không ngừng mở rộng. Ngoài ra, Long An luôn quan tâm, tăng cường đẩy mạnh hợp tác hữu nghị với các nước trên thế giới và khu vực. Đến nay, địa phương đã thiết lập quan hệ hợp tác với 8 địa phương từ các quốc gia: Campuchia, Lào, Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Đức. Tuy nhiên, vấn đề mà lãnh đạo tỉnh còn trăn trở là hiệu quả hợp tác, nhất là việc thu hút đầu tư từ khu vực ASEAN chưa tương xứng với tiềm năng của địa phương. Đây sẽ là vấn đề trọng tâm trong thời gian tới nhằm tăng cường kết nối, thu hút đầu tư từ các nước ASEAN vào tỉnh Long An. 

Ông Trần Văn Cần, Chủ tịch UBND tỉnh Long An, chia sẻ: “Những yếu tố trên chỉ là điều kiện cần nhưng chưa đủ. Điều quan trọng để các nhà đầu tư đến với Long An còn ở sự thông thoáng của môi trường đầu tư, sự nhiệt tình, năng động của địa phương trong hỗ trợ DN, luôn sát cánh với DN khi cần”. Ông Cần nói thêm, thời gian qua, môi trường đầu tư ở Long An đã có nhiều chuyển biến tích cực với nhiều nét nổi bật và đột phá, là nhờ đẩy mạnh cải cách hành chính với việc đưa vào vận hành Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và cấp huyện. Trong đó tập trung vào minh bạch, đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xử lý, nâng cao đạo đức công vụ. Việc đối thoại giữa lãnh đạo với các DN được tổ chức định kỳ nhằm giải đáp cơ chế, chính sách của tỉnh và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN. Nhờ những nỗ lực không mệt mỏi đó, Long An đạt được bước tiến quan trọng, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh luôn nằm trong nhóm “tốt” (đứng vị trí thứ 8/63 tỉnh, thành).

Tin cùng chuyên mục