Thống nhất xóa tiền phạt và chậm nộp, không xóa nợ gốc

Báo SGGP đã từng có bài phản ánh về đề xuất xóa toàn bộ tiền nợ thuế cho những khoản nợ không có khả năng thu hồi, tạo nguy cơ nhiều doanh nghiệp “ma” ra đời, báo lỗ rồi được xóa nợ thuế, sau đó lại thành lập doanh nghiệp mới (vì thời gian thành lập doanh nghiệp mới chỉ 1 - 3 ngày). 

Mới đây, Quốc hội thông qua nghị quyết về khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách (như người nộp thuế đã chết, mất tích, giải thể, phá sản, không còn sản xuất kinh doanh…).

Theo đó, những người nộp thuế không còn khả năng thanh toán trên, được khoanh tiền nợ thuế và chỉ xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp, chứ không xóa tiền nợ thuế gốc. Đồng thời, cũng không xóa nợ tiền thuê đất, tiền sử dụng đất phải nộp một lần hoặc tiền đấu giá quyền sử dụng đất.

Ngoài ra, nhiều ý kiến đề nghị rà soát kỹ các đối tượng đã làm thủ tục giải thể, phá sản nhưng vẫn còn doanh nghiệp khác đang hoạt động hoặc thành lập doanh nghiệp mới do người khác đứng tên để bảo đảm nguyên tắc người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước. Trường hợp đã xóa nợ mà phát hiện người nộp thuế vẫn đang hoạt động sản xuất, kinh doanh ở địa phương khác hoặc góp vốn thành lập pháp nhân mới, thì phải thu hồi số tiền đã được xóa trước đó.

Theo Bộ Tài chính, tổng số tiền thuế nợ tính đến hết tháng 8-2019 là 88.250 tỷ đồng; trong đó tiền thuế nợ không có khả năng thu hồi vì người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, liên quan đến trách nhiệm hình sự, đã tự giải thể, phá sản, ngừng, nghỉ và bỏ địa chỉ kinh doanh… là gần 43.000 tỷ đồng. Nếu áp dụng xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp theo quy định mới này thì sẽ xóa hơn 16.350 tỷ đồng.

Tin cùng chuyên mục