Cơ hội vàng

Từ ngày 25 đến 27-10, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte thăm chính thức Nhật Bản. Theo Bloomberg, chuyến công du của ông Duterte diễn ra trong bối cảnh khá đặc biệt: vừa tuyên bố “đoạn tuyệt” quan hệ với Mỹ và ngay sau đó đi thăm một nước đồng minh của Mỹ.

Từ ngày 25 đến 27-10, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte thăm chính thức Nhật Bản. Theo Bloomberg, chuyến công du của ông Duterte diễn ra trong bối cảnh khá đặc biệt: vừa tuyên bố “đoạn tuyệt” quan hệ với Mỹ và ngay sau đó đi thăm một nước đồng minh của Mỹ.

Trước khi lên đường đến Nhật Bản, Tổng thống Philippines đã có buổi trả lời phỏng vấn với báo chí xứ Phù Tang. Ở đó, ông Duterte đã nhấn mạnh đến quan hệ tốt đẹp giữa hai nước khi mô tả là “sâu sắc và đặc biệt”. Đây không chỉ là những ngôn từ xã giao mà thực sự phản ánh phần nào sự phát triển trong quan hệ hai nước thời gian qua. Về hợp tác quốc phòng, có thể kể đến việc Nhật Bản đã cho Philippines vay 300 triệu USD để trang bị các tàu tuần tra. Trong khi đó, về kinh tế, trong chuyến thăm lần này, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe dự kiến sẽ công bố một khoản cho vay trị giá gần 48 triệu USD dành để phát triển nông nghiệp cho quê nhà ông Duterte ở Mindanao, miền Nam Philippines.

Kunihiko Miyake, giáo sư thỉnh giảng tại Trường ĐH Ritsumeikan ở Kyoto (Nhật Bản), nhận định với mối quan hệ hữu hảo giữa hai nước, đây là cơ hội vàng để Tokyo thuyết phục Tổng thống Philippines rằng nếu ông Duterte tiếp tục theo đuổi chính sách ngoại giao ngả về Trung Quốc, xa rời Mỹ thì sẽ không có lợi cho Philippines. “Ông Duterte không lắng nghe Mỹ nhưng Nhật Bản thì có thể”, giáo sư Miyake nói. Một động thái được xem là có sự thay đổi về quan điểm của ông Duterte được tờ Nikkei ghi lại rằng: Tổng thống Philippines cho biết quan hệ đồng minh quân sự với Mỹ vẫn được duy trì và ông không có kế hoạch tăng cường hợp tác quốc phòng với Trung Quốc. Điều này khác hẳn so với những tuyên bố được mô tả là tổn thương mối quan hệ Mỹ-Philippines trong chuyến thăm Trung Quốc hồi tuần trước.

Một trong những lý do Tokyo thắt chặt quan hệ hợp tác với Manila thời gian qua là bởi hai nước cùng có mối quan tâm chung liên quan đến tranh chấp trên biển. Nhật Bản rất muốn cùng Philippines kiềm chế một Trung Quốc ngày càng hung hăng trên biển Hoa Đông và biển Đông. Bản thân Tổng thống Philippines cũng xác nhận ngoài vấn đề kinh tế, ông sẽ thảo luận với Thủ tướng Abe về vấn đề biển Đông. Trả lời báo giới, ông Duterte nêu rõ quan điểm rằng: một giải pháp cho vấn đề tranh chấp trên biển có thể từ đàm phán song phương với Trung Quốc hoặc từ đàm phán đa phương với các quốc gia, trong đó có Nhật Bản.

Yuki Tatsumi, chuyên gia cấp cao của chương trình Đông Á thuộc Trung tâm nghiên cứu Stimson ở Washington, Mỹ cho rằng trong lúc quan hệ Mỹ - Philippines đang căng thẳng như hiện nay, Nhật Bản càng cần thúc đẩy quan hệ giữa Tokyo và Manila. Việc Nhật Bản tăng cường khả năng tuần tra biển cho Philippines là thực sự cần thiết bởi trong trường hợp Bắc Kinh và Manila căng thẳng trở lại, Philippines sẽ nhận thấy giá trị về việc “có Nhật Bản ở bên”. Trong khi đó, Joseph Nye, giáo sư của Trường John F.Kennedy thuộc Đại học Harvard cho rằng nếu chuyến thăm Nhật Bản của ông Duterte kết thúc tốt đẹp sẽ là tin mừng cho Mỹ. Theo vị giáo sư này, Mỹ không hề muốn Manila xa lánh Washington. Mỹ luôn muốn hợp tác với Philippines bởi hai bên có nhiều lợi ích chung trong khu vực. Tạm thời, trong lúc Washington và Manila căng thẳng, Mỹ hoan nghênh sự thắt chặt trong quan hệ Nhật Bản - Philippines bởi điều đó sẽ góp phần giúp Mỹ có được thế cân bằng với Trung Quốc tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

ĐỖ CAO

Tin cùng chuyên mục