Trung Quốc - Mỹ Latinh: Hợp tác sâu rộng trong lĩnh vực không gian

Theo báo Global Times (Trung Quốc), tại diễn đàn hợp tác không gian giữa Trung Quốc và các quốc gia Mỹ Latinh và Caribe, tổ chức tại TP Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, miền Trung Trung Quốc, các bên đã nhất trí thúc đẩy hơn nữa việc xây dựng một cộng đồng chia sẻ tương lai vì tiến bộ chung thông qua hợp tác không gian.

Quang cảnh diễn đàn hợp tác không gian giữa Trung Quốc và các quốc gia Mỹ Latinh và Caribe tại TP Vũ Hán, Trung Quốc. Ảnh: Global Times
Quang cảnh diễn đàn hợp tác không gian giữa Trung Quốc và các quốc gia Mỹ Latinh và Caribe tại TP Vũ Hán, Trung Quốc. Ảnh: Global Times

Tiềm năng hợp tác lớn

Tuyên bố được thông qua tại diễn đàn nêu rõ, các bên đã duy trì hợp tác không gian lâu dài, toàn diện và thực tiễn, bao gồm nhiều lĩnh vực như xây dựng cơ sở hạ tầng, khám phá không gian và khoa học vũ trụ, chuỗi công nghiệp vũ trụ và quản trị toàn cầu về không gian vũ trụ. Ông Zhang Kejian, người đứng đầu Cơ quan Vũ trụ quốc gia Trung Quốc, cho biết, Bắc Kinh cùng các nước Mỹ Latinh và Caribe đã triển khai nhiều dự án trọng điểm, đạt nhiều kết quả và thể hiện tiềm năng hợp tác lớn trong tương lai. Các bên sẽ thiết lập cơ chế hợp tác và đối thoại lâu dài, tăng cường trao đổi cấp cao trong lĩnh vực hàng không vũ trụ, cùng hoạch định các cơ hội hợp tác trong tương lai và tiếp tục thực hiện các dự án hợp tác chất lượng cao có lợi cho khu vực và thế giới.

Trong thông điệp gửi tới diễn đàn, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro nêu bật quá trình hợp tác chặt chẽ và tình hữu nghị sâu sắc giữa quốc gia Nam Mỹ và Trung Quốc trong lĩnh vực hàng không vũ trụ. Trong khi đó, Tổng thống Honduras Iris Xiomara Castro Sarmiento khẳng định, hợp tác không gian Trung Quốc - Mỹ Latinh đã trở thành động lực không thể thiếu cho hợp tác Nam - Nam. Theo Chủ tịch Cơ quan Vũ trụ Brazil Marco Antonio Chamon, trong 30 năm qua, Trung Quốc và Brazil đã cùng nhau phát triển 6 vệ tinh tài nguyên Trái đất. Dữ liệu vệ tinh không chỉ được ứng dụng rộng rãi trong lĩnh vực nông nghiệp, bảo tồn nguồn nước và giám sát môi trường mà còn cung cấp dịch vụ vệ tinh viễn thám phong phú cho các nước đang phát triển ở Mỹ Latinh, châu Phi, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á và các khu vực khác…

Nỗi lo của Mỹ

Tuy nhiên, báo Washington Post từng dẫn nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Mỹ cho rằng những trạm mặt đất trao đổi dữ liệu với vệ tinh được đặt tại các quốc gia Mỹ Latinh không chỉ phục vụ cho mục tiêu dân sự mà còn cả quân sự. Năm 2023, truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin về sự kiện 67 vệ tinh được phóng lên quỹ đạo chỉ trong 9 ngày vào tháng 6. Trong khi đó, vào đầu năm này, các chuyên gia nghiên cứu quân sự Trung Quốc thông báo về dự án phóng chùm vệ tinh khổng lồ gồm 13.000 vệ tinh lên quỹ đạo thấp của Trái đất để cạnh tranh với dịch vụ vệ tinh Starlink của Công ty SpaceX của tỷ phú Elon Musk.

Tướng Gregory J. Gagnon, Phó Giám đốc điều hành về tình báo tại Lực lượng không gian Mỹ, nói: “Các vệ tinh trên quỹ đạo của họ (Trung Quốc) có thể theo dõi chúng ta và đặt chúng ta vào tình huống nguy hiểm về an ninh theo cách mà chúng ta chưa từng phải đối mặt”. Tướng Gagnon cho biết thêm, một nửa trong số 700 vệ tinh của Trung Quốc được sử dụng cho mục đích viễn thám và tình báo, giám sát và trinh sát.

Báo Washington Post cũng cho hay, các nhà thầu phát triển công nghệ vũ trụ của Trung Quốc, gồm hầu hết các cơ sở ở Mỹ Latinh, đều là những “ông lớn” đứng đằng sau các chương trình phát triển tên lửa, chiến tranh mạng và phòng thủ không gian của quân đội Trung Quốc.

Tin cùng chuyên mục