Cử tri đề nghị mạnh tay hơn nữa trong đấu tranh chống tham nhũng

Cử tri, nhân dân đánh giá cao sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Nhà nước trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, kiện toàn hệ thống chính trị, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức gắn với vị trí việc làm, đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí và đề nghị mạnh tay hơn nữa trong đấu tranh chống tham nhũng.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn trình bày báo cáo
Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn trình bày báo cáo

Ngày 20-5, trong phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam Trần Thanh Mẫn đã trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV.

Báo cáo cho hay, từ sau kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV đến nay, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổng hợp được 3.518 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước.

Về tâm tư, nguyện vọng chung của cử tri và nhân dân, báo cáo cho rằng, cử tri, nhân dân vui mừng, phấn khởi trước những kết quả toàn diện về kinh tế xã hội của đất nước năm 2018 và những tháng đầu năm 2019.

Cử tri, nhân dân đánh giá cao sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Nhà nước trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, kiện toàn hệ thống chính trị, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức gắn với vị trí việc làm, đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí.

Quốc hội tiếp tục tăng cường giám sát chuyên đề, giám sát các bộ, ngành, địa phương về thực hiện ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân. Chính phủ quyết liệt chỉ đạo thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, giải quyết vấn đề nhân dân quan tâm, bức xúc.

Bên cạnh đó, cử tri, nhân dân còn lo lắng về một số vấn đề như: an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường chậm được cải thiện; xuất hiện một số hành vi thiếu chuẩn mực về đạo đức, lối sống trong xã hội; một số vụ án giết người nghiêm trọng gây hoang mang trong nhân dân; tình hình mua bán, vận chuyển ma túy rất phức tạp; xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông, cháy, nổ nghiêm trọng; việc điều chỉnh giá điện, giá xăng trong thời gian qua đã có ảnh hưởng ít nhiều đến cuộc sống của người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh; tình hình khiếu nại, tố cáo còn bức xúc ở một số địa phương…

Trong số các kiến nghị, cử tri, nhân dân rất lo ngại về tình hình tội phạm còn diễn biến phức tạp, tính chất tội phạm ngày càng nguy hiểm, manh động; số vụ bạo lực gia tăng; liên tiếp xảy ra các vụ án giết nhiều người, các vụ xâm hại tình dục, dâm ô với trẻ em; nhiều vụ buôn bán, tàng trữ, vận chuyển ma túy với quy mô, số lượng rất lớn; quản lý đối tượng nghiện ma túy chưa chặt chẽ; hoạt động “tín dụng đen”, đánh bạc qua mạng ngày càng tinh vi.

Cử tri đề nghị Bộ Công an, các ngành chức năng, địa phương có các biện pháp mạnh mẽ, kiên quyết hơn nữa trong đấu tranh, trấn áp tội phạm.

Đặc biệt, trước việc liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, làm chết nhiều người, tình trạng nhiều lái xe sử dụng rượu, bia, ma túy dẫn đến mất kiểm soát hành vi, gây tai nạn nghiêm trọng; việc tổ chức thi và cấp giấy phép lái xe còn lỏng lẻo..., cử tri đề nghị Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an, các bộ, ngành có liên quan và địa phương tăng cường hoạt động tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; chấn chỉnh việc đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe; đề xuất sửa đổi, bổ sung những bất cập trong quy định xử lý vi phạm...

Cử tri hoan nghênh, đánh giá cao việc Đảng, Nhà nước đã lãnh đạo, chỉ đạo tổng rà soát công tác cán bộ từ Trung ương đến địa phương, phát hiện và xử lý nghiêm nhiều trường hợp sai phạm. Công tác cán bộ và quản lý cán bộ, công chức có nhiều tiến bộ.

Tuy nhiên, cử tri, nhân dân lo ngại về tình trạng “chạy chức, chạy quyền”, tiêu cực trong tuyển dụng, chuyển ngạch công chức, viên chức. Cử tri đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Nội vụ, các cơ quan chức năng và các địa phương thường xuyên rà soát, tăng cường công khai, minh bạch trong tuyển dụng, thi tuyển và thi chuyển ngạch đối với công chức, viên chức; kịp thời sửa đổi các quy định chưa hợp lý; phân cấp, phân quyền trong tuyển dụng, bổ nhiệm, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương.

Cử tri, nhân dân hoan nghênh và ủng hộ Đảng, Nhà nước đã quyết liệt chỉ đạo việc điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng; xử lý, kỷ luật nghiêm những cán bộ lãnh đạo có vi phạm, kể cả đương chức hay nghỉ hưu, thực hiện “không có vùng cấm” trong đấu tranh chống tham nhũng. Tuy nhiên, công tác phát hiện, xác minh, điều tra, truy tố, xét xử một số vụ án còn chậm; tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng còn thấp; tình trạng “nhũng nhiễu”, “tham nhũng vặt” của một bộ phận công chức, viên chức chưa được khắc phục.

Cử tri đề nghị Đảng, Nhà nước tiếp tục có những giải pháp quyết liệt, mạnh tay hơn nữa trong đấu tranh chống tham nhũng, xử lý kịp thời, nghiêm khắc những vụ tham nhũng lớn, gây hậu quả nghiêm trọng.

Cùng với những vấn đề nêu trên, cử tri, nhân dân còn phản ánh về nhiều vấn đề như: quản lý đất đai, tài sản công chưa chặt chẽ, gây thất thoát lớn tài sản của Nhà nước; việc tổ chức thực hiện các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm quốc gia thiếu tính đồng bộ; chậm tiến độ trong đầu tư công; một số dự án “treo” gây lãng phí; chưa có giải pháp căn cơ giải quyết tình trạng sạt, lở bờ sông, bờ biển đang diễn ra nghiêm trọng ở nhiều nơi.

Tại kỳ họp này, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ tiếp tục kiến nghị 5 vấn đề.

Thứ nhất, đẩy nhanh tiến độ các dự án, công trình trọng điểm quốc gia, phát triển hạ tầng giao thông, giảm ùn tắc giao thông ở các thành phố lớn, vùng kinh tế trọng điểm.

Thứ hai, đề nghị có giải pháp tối ưu trong phân loại, xử lý rác thải, khuyến khích xã hội hóa việc xử lý rác thải.

Thứ ba, đề nghị có các giải pháp kiên quyết, kịp thời đấu tranh trấn áp tội phạm, nhất là tội phạm liên quan đến ma túy, vi phạm trật tự an toàn giao thông, an ninh mạng, tội phạm công nghệ cao, băng nhóm “xã hội đen”. Các cơ quan tiến hành tố tụng cần khẩn trương xử lý nghiêm minh các vụ việc vi phạm pháp luật đã và đang gây bức xúc trong xã hội.

Thứ tư, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan khẩn trương xây dựng và ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thực hiện các luật, pháp lệnh mới có hiệu lực thi hành; các cơ quan tư pháp có văn bản hướng dẫn và thống nhất áp dụng pháp luật về một số hành vi, tội phạm liên quan đến ma túy, dâm ô với trẻ em, vi phạm trật tự an toàn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng, vi phạm quy định về sử dụng mạng xã hội để xử lý kịp thời, nghiêm minh, đáp ứng yêu cầu đấu tranh, phòng ngừa tội phạm.

Thứ năm, đề nghị Đảng, Nhà nước tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo việc sắp xếp bộ máy đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế về quản lý, giám sát cán bộ; đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT đề xuất giảm chỉ tiêu tăng trưởng ngành

Gửi Báo cáo đến Quốc hội, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đề nghị Quốc hội xem xét, điều chỉnh giảm mục tiêu tăng trưởng ngành giai đoạn 2016 - 2020 xuống còn 2,8% - 3%/năm.

Cử tri đề nghị mạnh tay hơn nữa trong đấu tranh chống tham nhũng ảnh 1 Do tác động của biến đổi khí hậu, dịch bệnh..., tăng trưởng của ngành sản xuất nông nghiệp không đạt như kỳ vọng

Theo Báo cáo của người đứng đầu ngành NN-PTNT, do sản xuất nông nghiệp nước ta còn có những yếu kém nội tại của một nền sản xuất nhỏ, trình độ thấp, khả năng cạnh tranh thấp; biến đổi khí hậu gây nên nhiều hình thái thời tiết cực đoan, dị thường (bão, lũ, lụt, hạn hán, xâm nhập mặn…); dịch bệnh trên cây trồng vật nuôi tiềm ẩn nhiều rủi ro, khó lường; lại xuất hiện những dịch bệnh xuyên biên giới… cạnh trạnh quốc tế trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới ngày càng gay gắt nên tăng trưởng ngành chưa thật vững chắc và còn bộc lộ những hạn chế, yếu kém.

Tuy tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Đảng, Nhà nước với nhiều chính sách ưu tiên đầu tư cho nông nghiệp từ ngân sách nhà nước và thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư cho ngành, song trên thực tế, tốc độ tăng trưởng không đạt như dự kiến.

Cụ thể, trong 3 năm 2016-2018, tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành nông nghiệp đạt bình quân 2,65%/năm; dự kiến năm 2019 phấn đấu đạt trên 3% và trong 2 năm 2019-2020 tốc độ tăng trưởng toàn ngành đạt khoảng 2,9%-3,1%/năm. Như vậy, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân toàn ngành trong 5 năm (2016-2020) ước đạt khoảng 2,8%-3,1%/năm, cao hơn mức 2,41% của năm 2015, nhưng thấp hơn bình quân của 5 năm trước (2011-2015) và thấp hơn mục tiêu tại Nghị quyết số 113/2015/QH13 của Quốc hội.

“Trong bối cảnh có nhiều khó khăn như đã phân tích ở trên và kết quả thực hiện trong 3 năm (2016 - 2018), dự báo trong 2 năm 2019 - 2020, cho thấy khả năng tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành giai đoạn 5 năm (2016 - 2020) đạt 3,5% - 4%/năm là khó khả thi”, Báo cáo nêu rõ.
Mặc dù, toàn ngành đã tích cực triển khai chủ trương cơ cấu lại ngành gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới, thực hiện nhiều giải pháp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh nhưng kết quả tăng trưởng vẫn thấp hơn so với mục tiêu Quốc hội đề ra. Do vậy, Bộ này tiếp tục đề nghị Quốc hội xem xét, điều chỉnh giảm mục tiêu tăng trưởng ngành giai đoạn 2016 - 2020 xuống còn 2,8% - 3%/năm.

Tin cùng chuyên mục