Cử tri đề nghị TPHCM tham khảo mô hình cải cách hành chính của tỉnh Đồng Nai

Tỉnh Đồng Nai thực hiện nhiều cách thức thông tin quá trình giải quyết hồ sơ hành chính, tiếp thu góp ý của người dân về cải cách hành chính nên cử tri đề nghị TPHCM tham khảo cách làm của tỉnh này

Đồng chí Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TPHCM trả lời ý kiến cử tri. Ảnh: KIỀU PHONG
Đồng chí Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TPHCM trả lời ý kiến cử tri. Ảnh: KIỀU PHONG

Chiều 25-11, các Đại biểu (ĐB) Quốc hội gồm các đồng chí: Nguyễn Thị Quyết Tâm (Chủ tịch HĐND TPHCM), Phan Nguyễn Như Khuê (Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM), Trịnh Ngọc Thúy (Phó Chánh án TAND TPHCM) cùng các ĐB HĐND TPHCM đã có buổi tiếp xúc cử tri quận 9.

Tại buổi tiếp xúc, cử tri Nguyễn Thị Dung (phường Tăng Nhơn Phú A), nhận xét lâu nay việc công khai tài sản của cán bộ chỉ mang tính chất nội bộ, không tạo hiệu quả thực chất. Trong tổng số 1,1 triệu người kê khai tài sản song chỉ có 3 trường hợp bị phát hiện kê khai không trung thực là chưa phản ánh đúng thực tế tình trạng quan chức có số tài sản “khủng” phổ biến hiện nay. Vì vậy, cử tri Dung đề nghị cần thực hiện việc công khai tài sản của các cán bộ tại địa bàn cư trú, thậm chí công khai trên mạng để người dân giám sát.

“Có ý kiến cho rằng, việc công khai như thế là vi phạm quyền riêng tư của cán bộ. Tuy nhiên, nếu đã là cán bộ thì phải chấp nhận việc công khai rộng rãi như các nước đã áp dụng”, cử tri Nguyễn Thị Dung bày tỏ và đề nghị việc xác minh nguồn gốc bất minh của các cán bộ phải làm đến nơi đến chốn.

Ngoài ra, cử tri Nguyễn Thị Dung cũng phản ánh tình trạng tham nhũng nhỏ làm trì trệ bộ máy công quyền, gây ảnh hưởng cuộc sống người dân, cản trở việc làm ăn của doanh nghiệp. Thế nhưng, những cán bộ, công chức vi phạm bị xử lý ở mức quá nhẹ nên cử tri Dung đề nghị cách chức hoặc buộc thôi việc, chứ không chỉ xử lý bằng hình thức khiển trách hoặc cảnh cáo.

Cử tri Trương Thế Trần (phường Phước Long B), bày tỏ người dân rất mừng với chủ trương chống tham nhũng song cũng đặt vấn đề về hiệu quả của công tác phòng chống tham nhũng. Từ đó, cử tri này đề nghị tham khảo kinh nghiệm chống tham nhũng của Trung Quốc với các chiến dịch “đả hổ, diệt ruồi, săn cáo”, tập trung xử lý những cán bộ tham những từ cấp nhỏ đến cấp cao.

Các cử tri cũng phản ánh nhiều tồn tại trong công tác cải cách hành chính và đề nghị TPHCM tham khảo mô hình cải cách hành chính mà tỉnh Đồng Nai đang thực hiện. Theo cử tri, tỉnh này thực hiện nhiều cách thức thông tin cho người dân về quy trình xử lý, tiến độ hồ sơ qua tin nhắn điện thoại, qua zalo; đồng thời thường xuyên tiếp nhận ý kiến góp ý từ người dân…

Thay mặt tổ đại biểu, đồng chí Nguyễn Thị Quyết Tâm ghi nhận những ý kiến phản ánh, góp ý của các cử tri.

Liên quan đến công tác phòng chống tham nhũng, đồng chí Nguyễn Thị Quyết Tâm cho biết Quốc hội rất quan tâm đến dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Do đó, dự án luật này sẽ cho ý kiến, thông qua 3 kỳ họp nhằm đảm bảo khi sửa đổi có chất lượng, đảm bảo tính khả thi và cụ thể hóa được quan điểm, chủ trương của Đảng trong công tác phòng chống tham nhũng vào các điều luật.

Đối với công tác cải cách hành chính, đồng chí Nguyễn Thị Quyết Tâm nhìn nhận mặc dù TPHCM có nhiều quyết tâm cải cách song chưa có sự chuyển động đồng bộ, chưa đáp ứng được kỳ vọng của người dân, cũng như chưa xứng tầm với một đô thị phát triển như TPHCM.

“Việc thực hiện cải cách hành chính ở một đô thị trên 10 triệu dân là không dễ như các địa phương khác. Nhưng không có nghĩa là TPHCM không làm được”, đồng chí Nguyễn Thị Quyết Tâm nhấn mạnh và cho biết Ban Thường vụ Thành ủy, lãnh đạo Thành ủy và HĐND TP đã yêu cầu UBND TP phải thực hiện cải cách hành chính mạnh mẽ để phục vụ người dân tốt hơn.

Theo đồng chí Nguyễn Thị Quyết Tâm, một số địa phương có tham khảo công tác cải cách hành chính ở TPHCM. Song, TPHCM cũng đi học hỏi kinh nghiệm ở một số địa phương thực hiện tốt công tác cải cách hành chính nhằm tham khảo các mô hình, cách làm hay nhằm phục vụ người dân tốt hơn.

Đồng chí cũng đặc biệt lưu ý đến việc công khai, minh bạch; thông tin phải đến được người dân để người dân thực hiện quyền giám sát quá trình giải quyết thủ tục hành chính.

Tin cùng chuyên mục