Đâu là “mũi nhọn”cho Olympic?

Theo công bố của Tổng cục TDTT, sẽ có 27 HLV và 66 VĐV thuộc 18 môn trọng điểm được đầu tư theo chương trình kéo dài gần 9 tháng để tham dự SEA Games 30, đồng thời tranh các suất dự Olympic 2020 tại Nhật Bản vào mùa hè năm sau. Tuy nhiên, tính đến thời điểm này, vẫn chưa có VĐV Việt Nam nào đạt chuẩn dự Thế vận hội, rất nhiều hy vọng sẽ được dồn vào các cuộc đấu ở SEA Games 30. Trong bối cảnh vẫn còn khó khăn về kinh phí, các nhà quản lý thể thao Việt Nam thường gom kế hoạch chuẩn bị cho SEA Games vào chung mục tiêu giành vé hay chuẩn bị cho Asiad/Olympic.

Trên thực tế, 2 công tác chuẩn bị rất khác nhau do đặc thù bất ổn định của SEA Games. Ví dụ như tại SEA Games 30 ở Philippines sắp tới có số môn thi đấu nhiều hơn gấp rưỡi so với 2 kỳ SEA Games trước. Điều này dẫn đến tổng ngân sách cũng được phân bổ không đồng đều. Những nhà quản lý vừa phải bảo đảm chất lượng thi đấu, nhưng cũng phải cố gắng để duy trì tổng thành tích về huy chương nhằm tránh sự sa sút về vị trí trong bảng xếp hạng.

Điều đáng tiếc là cho đến nay, thể thao Việt Nam vẫn chưa thể tách bạch 2 mục tiêu giữa hòa nhập và vươn tầm, mặc dù đã xác định sẽ đầu tư trọng tâm chứ không dàn trải. Chúng ta hiện nay vẫn đang dự SEA Games, một sự kiện dần mang nhiều ý nghĩa cộng đồng, bằng lực lượng tốt nhất, tốn kém nhất. Nghĩa là công tác đầu tư gần như tương đương giữa môn chính và môn phụ, giữa môn có tính phổ cập và các môn không có phong trào.

Đây là hệ quả của quá trình phát triển chuyên nghiệp không đúng thực chất của thể thao Việt Nam khiến cho ngân sách nhà nước bị cào bằng. Ngay như bóng đá, vốn đã là á quân U.23 châu Á, vào tứ kết Asian Cup, nhưng vẫn được đầu tư rất lớn nhằm đoạt HCV SEA Games, trong khi về lý thuyết hoàn toàn có thể cử đội hình phụ tham gia sân chơi này cũng không ảnh hưởng gì.

Trong khi đó, như đã biết, chúng ta đã có thành tích tại Olympic và Asiad ở các nội dung không bị phụ thuộc quá nhiều vào hình thể. Ví dụ như các môn có phân hạng cân thi đấu (taekwondo, cử tạ), môn bắn súng hoặc các môn yêu cầu sức bền như điền kinh, xe đạp…

Đáng tiếc là ở những môn được xem như “mũi nhọn” chinh phục đấu trường thế giới này, lực lượng của chúng ta càng lúc càng mỏng, thiếu tính kế thừa. Lấy ví dụ như xạ thủ Hoàng Xuân Vinh, từ sau HCV Olympic 2016, về sau càng thi đấu càng sa sút ngay ở nội dung sở trường 10m súng ngắn hơi nam, nhưng cũng không có ai thay thế khả dĩ. Hoặc như cử tạ, phía sau Hoàng Anh Tuấn, Thạch Kim Tuấn ở nội dung 56kg vẫn là khoảng trống mênh mông. Vì thế mà thể thao Việt Nam hướng đến Olympic 2020 hầu như không nắm chắc số lượng VĐV có thể góp mặt.

Thực trạng của thể thao Việt Nam hiện nay, ngoài bóng đá, bóng chuyền và một phần nào đó là quần vợt, bơi lội… thì  đa số các môn thể thao đều không có tính phổ biến cao, cũng đồng nghĩa không tồn tại một thế hệ VĐV chuyên nghiệp thực thụ, thường xuyên tham gia thi đấu quốc tế để tích lũy thành tích.

Cho nên, càng phải tập trung nhiều hơn cho hoạt động đầu tư các môn mũi nhọn, bởi nói cho cùng, dù có duy trì 30 - 40 môn tìm kiếm huy chương ở SEA Games cũng chẳng thúc đẩy được hoạt động thể thao phong trào trong nước. Bên cạnh đó, Asiad và Olympic thi đấu xen kẽ 2 năm/1 lần, vừa đủ cho công tác chuẩn bị, tập luyện và đào tạo kế thừa với mức ngân sách nhà nước cấp hàng năm hiện nay. Nói cách khác, thay vì đặt các kỳ SEA Games làm trọng tâm, thì thể thao Việt Nam nên hướng đến thành tích ở Asiad hoặc số suất chính thức dự Olympic làm mục tiêu phấn đấu.
Năm 2018, thể thao Việt Nam tham dự Asiad 18 với số lượng hơn 500 người, thi đấu đến 32 môn nhưng chỉ đoạt huy chương ở 13 môn. Trong đó, tấm HCV ở môn nhảy xa của Bùi Thu Thảo và hạng 4 môn bóng đá nam chính là 2 thành tích ấn tượng nhất bởi mức độ khó khăn mà các VĐV phải chinh phục. Điều này cho thấy, số lượng không nói lên được gì nhiều trong thi đấu đỉnh cao. Bài học này đã được “học” từ SEA Games nhưng cho đến nay, việc đầu tư “mũi nhọn” dường như vẫn còn khá mông lung đối với các nhà chiến lược của thể thao Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục