Tiềm năng trung tâm thể thao khu vực ở TPHCM

Tại Hội nghị thảo luận dự thảo đề án sắp xếp Sở Văn hóa - Thể thao TPHCM và Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch hai tỉnh Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, ông Trần Thế Thuận, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TPHCM, khẳng định: Không có tư duy sáp nhập đơn vị này vào đơn vị kia, mà là “hợp nhất” để phát huy tối đa thế mạnh của từng địa phương, bổ sung và bổ khuyết cho nhau, hình thành một siêu trung tâm văn hóa - thể thao hàng đầu quốc gia.

Với lĩnh vực thể thao, sau sát nhập, TPHCM đương nhiên trở thành trung tâm số 1 quốc gia. Điều này dễ nhận thấy khi căn cứ vào kỳ Đại hội TDTT toàn quốc gần nhất (năm 2022), khi TPHCM đứng thứ 2 toàn đoàn, Bình Dương thứ 8 còn Bà Rịa - Vũng Tàu xếp thứ 19 trên tổng số 65 đơn vị được xếp hạng. Riêng số VĐV gộp lại sẽ đông nhất, còn số HCV chỉ thua sít sao so với đoàn Hà Nội. Vì thế, thể thao TPHCM sau sáp nhập được định hướng phát triển ở tầm vóc của một trung tâm thể thao khu vực khi thêm dư địa phát triển, phù hợp với quy mô dân số và tỷ trọng đóng góp kinh tế của thành phố mới. Trên cơ sở đó, mới có sự hợp nhất các đơn vị hiệu quả, khai thác đúng thế mạnh và tận dụng tốt nguồn lực phát sinh sau khi sáp nhập.

Trên bình diện toàn cầu, hoạt động của thể thao thế giới về cơ bản thường xoay quanh các trung tâm hàng đầu, như London (Anh), Tokyo (Nhật Bản), New York (Mỹ), Thượng Hải (Trung Quốc)… Đó là những điểm đến của các sự kiện lớn nhất thế giới, mang tính biểu tượng toàn cầu ở một số môn thể thao đỉnh cao. Mô hình “trung tâm thể thao” cũng đang được Qatar áp dụng nhằm gia tăng “sức mạnh mềm” của mình.

Thể thao TPHCM sau sáp nhập ngoài việc khơi thông được các “điểm nghẽn” như quỹ đất, cơ sở vật chất quy mô lớn, còn giải quyết được bài toán nguồn nhân lực nhờ thế mạnh của tỉnh Bình Dương, vốn giàu tiềm năng về lực lượng thanh thiếu niên nông thôn và ven đô thị, cộng với cơ sở hạ tầng công nghiệp hiện đại có thể trở thành nền tảng cho việc sản xuất trang thiết bị thể thao trong nước. Trong khi đó Bà Rịa - Vũng Tàu có thế mạnh về địa lý biển, là điểm đến lý tưởng cho các sự kiện thể thao quốc tế trong không gian mở.

Dù vậy, có ưu thế là một chuyện, tận dụng như thế nào là tốt nhất mới là điều quan trọng. Thể thao TPHCM không lo về ngắn hạn khi đã có nền tảng vận động viên (VĐV) và thành tích quốc gia tốt, nhưng để xây dựng một chiến lược dài hạn, lại không dễ nếu nhìn lại những bài học của TPHCM trước đây ở các khâu quy hoạch và sử dụng cơ sở vật chất, hoạt động đào tạo tài năng, năng lực vận động tổ chức các sự kiện quốc tế lớn. Đơn cử như khi cùng lúc sân vận động Thống Nhất lẫn Nhà thi đấu Phú Thọ được sửa chữa lớn, mới lộ ra sự thiếu hụt nghiêm trọng về địa điểm thi đấu tầm cỡ quốc tế. Đây là điều không nên xảy ra nếu như TPHCM định hướng trở thành trung tâm thể thao của cả khu vực.

Một thách thức khác của thể thao TPHCM sau sáp nhập, là phải quy hoạch sớm nhất cho việc đăng cai các đại hội thể thao, ít nhất là SEA Games trong vòng 10 năm nữa. Đó không hẳn là việc phải có một khu liên hợp thể thao hàng đầu, mà là làm sao để kết nối cơ sở hạ tầng hiện có của các địa phương, tạo được một hệ sinh thái tập trung với tiêu chuẩn hiện đại để sẵn sàng nhận quyền đăng cai khi đến lượt Việt Nam làm nước chủ nhà. Có như vậy, lộ trình trở thành trung tâm thể thao khu vực, một điểm đến của sự kiện tầm cỡ quốc tế, mới có tính khả thi cao.

Tin cùng chuyên mục