An Giang

Đê bao khép kín làm nông dân thèm… lũ

Đê bao khép kín làm nông dân thèm… lũ

Năm 1995, đê bao chống lũ được hình thành đầu tiên ở huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Từ đó, các địa phương khác như Đồng Tháp, Hậu Giang, Cần Thơ cũng đua nhau làm đê bao. Từ vài ngàn hécta đê bao chống lũ của Chợ Mới đến nay đê bao đã khép kín ở ĐBSCL và đã vọt lên khoảng 300.000 ha. Cũng từ đây, chuyện đê bao khép kín bộc lộ nhiều vấn đề bất cập…

  • Khi nông dân nhớ... lũ?
Đê bao khép kín làm nông dân thèm… lũ ảnh 1

Nông dân vùng đê bao  không vui vì năng suất lúa giảm.

Trung tuần tháng 7-2005, trong khi giá lúa đang tụt giảm, nhiều nông dân Chợ Mới lại thêm lo lắng vì năng suất lúa giảm nghiêm trọng. Ông Út Được, một nông dân cố cựu ở xã Mỹ Hội Đông, Chợ Mới vừa thu hoạch xong lúa hè thu, phơi đầy ngoài sân mà mặt buồn rười rượi: “Hồi trước có lúc làm lúa đông xuân, năng suất 50 giạ một công, giờ kiếm đỏ cả mắt cũng khó gặp ai làm được như vậy. Đáng buồn hơn, vụ hè thu này, năng suất lúa chỉ có 21-23 giạ/công, hồi chưa làm đê bao phải đạt ngưỡng 30-35 giạ/công”. Ông Mười Được, bà Út Tươi ở Mỹ Hội Đông đều nhớ lũ. Ông than phiền, cá đồng giờ cũng biệt tích… Nhưng đau đầu nhứt là lúa cứ bị chết hoài, nghe mấy nhà khoa học gọi đó là ngộ độc hữu cơ.

Phân bón cứ quăng vô ruộng, nhưng năng suất lúa cứ thấp tè!? Không chỉ có nông dân bức xúc vì đấât bạc màu, năng suất lúa giảm, nhiều nhà khoa học ở An Giang cũng đã chỉ ra rằng: việc sản xuất lúa liên tiếp đã đẩy tình trạng lúa ngộ độc hữu cơ tăng nhanh, không cắt được mầm bệnh do không xả lũ. Và hệ lụy của vấn đề này đã lộ diện, chi phí sản xuất lúa của nông dân tăng nhanh: phải cày xới đất liên tục, phân bón dùng tăng lên rất nhiều, lượng thuốc bảo vệ thực vật được nông dân sử dụng cũng gia tăng để đối phó với sâu bệnh ngày càng nở rộ.

  • “Ngủ quên” trong đê bao!

Không chỉ nông dân vùng Chợ Mới, mà ở nhiều điạ phương khác cũng đâm ra nhớ lũ. Nhưng muốn xả lũ cũng không phải dễ dàng. Hiện nay, ở nhiều nơi, không chỉ có vườn cây ăn trái mọc lên, mà nhà cửa chi chít được dựng lên với mức ngập lũ rất sâu, nếu xả lũ!  Chỉ riêng tại Châu Phú đã có 4.500 ha đến thời gian xả lũ nhưng đành bó tay trong vụ này. Lý do được đưa ra là trước đó không có “giao kèo” với nông dân xả lũ. Còn ở Chợ Mới thì có đến gần 20.000 ha đã quá hạn xả lũ 5-7 năm nhưng cũng… im thinh.

Ông Trần Văn Đảo, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Tân nhìn nhận: “Vấn đề xả lũ chỉ mới đặt ra từ năm 2004 ở huyện. Hiện nay, trong vùng đê bao này nhiều cơ sở hạ tầng của địa phương như: trường học, trạm y tế cũng xây dựng rất thấp so với mực nước ngập lũ nếu xả lũ!”. Nghe chuyện này, một lãnh đạo UBND tỉnh An Giang đã giật mình, nên tại một hội nghị mới đây đã lưu ý “các địa phương phải cấm cất nhà và trồng cây ăn trái trong vùng đê bao”!?

  • Muốn xả lũ nhưng...

Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và phát triển tỉnh An Giang, toàn tỉnh hiện có 335 tiểu vùng có đê bao. Trong đó, đê bao kiểm soát lũ triệt để là 186 tiểu vùng với 80.000 ha, nằm trong chiều dài 1.627 km đê bao. Ông Huỳnh Thế Năng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh An Giang cho biết: “Năm ngoái lũ không lớn, nhưng một số nơi và một số đoạn đường ở TP Cần Thơ và Vĩnh Long đã bị ngập. Có ý kiến cho rằng nguyên nhân do ở đầu nguồn làm đê bao! Tuy nhiên, để kết luận việc này, không thể xét ở phạm vi từng tỉnh mà phải do cấp bộ”. Cũng theo ông Năng: “Nói thế chứ nếu làm thêm vài chục ngàn héc ta đê bao nữa thì tôi rất quan ngại”.

Vậy xả lũ theo kiểu nào? Ông Huỳnh Thế Năng, phân tích: “Thực tế đã xảy ra rồi, không phải chỉ vì có nhiều nông dân đã làm vườn và cất nhà ở dưới thân đê. Xả lũ có 3 dạng: dạng 1 là 3 năm 8 vụ; hai năm 5 vụ; và 1 năm xả một lần. Có thể nói kinh nghiệm xả lủ 1 năm 1 lần là rất hay. Phương pháp này là cắt ngang mầm sâu bệnh, diệt trừ mầm sâu bệnh; ngậm lũ từ 20 ngày đến 2 tháng đủ điều kiện để phân hủy gốc rạ…”. Nhưng huyện nào sẽ chịu xả lũ theo hướng 1 năm 1 lần!? Tại huyện Chợ Mới đã có nhiều vùng khép kín triệt để 6-8 năm nhưng chưa xả lũ lần nào.

Khi đề cập đến chuyện xả lũ, ông Huỳnh Ngọc Tấn, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Chợ Mới cho rằng: “Hệ thống cống hiện nay của huyện rất yếu, nếu xả lũ thì không lường được các sự cố xảy ra. Muốn xả lũ thì phải đầu tư cống mới”. Theo cách tính của ông Tấn, thì toàn huyện có 76 tiểu vùng đê bao, cần 2 cái cống/vùng. Nếu tính mỗi cống chỉ đầu tư 500 triệu đồng x 76 x 2 = 76 tỉ đồng!?? Dường như điều kiện tiên quyết để huyện Chợ Mới xả lũ là phải có 76 tỉ đồng làm cống!?

Bài toán cho An Giang không chỉ là tiền đầu tư nâng cấp cống bọng phục vụ cho xả lũ, mà còn phải ngăn chặn và xử lý các trường hợp cất nhà, trạm y tế, trường học trong đê bao!? Đó là hệ lụy từ việc phát triển đê bao ồ ạt.

CAO PHONG

Tin cùng chuyên mục