Đề xuất nhiều chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ

Bộ Công thương cho biết, để đạt mục tiêu đến năm 2020, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ (CNHT) của Việt Nam có khả năng cạnh tranh cao, đáp ứng 45% nhu cầu thiết yếu và tiêu dùng nội địa, chiếm 25% giá trị xuất khẩu; đến năm 2030, đáp ứng được 70% nhu cầu, đơn vị vừa đề xuất nhiều giải pháp về chính sách và phát triển thị trường.

Trong đó, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện chính sách, thúc đẩy một số ngành công nghiệp ưu tiên phát triển; có chính sách ràng buộc và khuyến khích địa phương trong bố trí ngân sách cho CNHT; thúc đẩy thị trường cho ngành hạ nguồn, chú trọng ngành ô tô, điện tử, dệt may, da giày, công nghiệp vật liệu, thu hút đầu tư. Bên cạnh đó, nâng cao năng lực doanh nghiệp trên cơ sở triển khai hiệu quả chương trình, bố trí vốn đầu tư xây dựng trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp; hỗ trợ tín dụng, xử lý môi trường, tháo gỡ vướng mắc thuế... Đặc biệt, trong giải pháp tài chính, đề xuất hình thành gói tín dụng ưu đãi khoảng 100.000 tỷ đồng - với cơ chế tương tự như gói tín dụng dành cho ngành nông nghiệp công nghệ cao - để thúc đẩy các ngành công nghiệp phát triển theo định hướng chiến lược của Đảng và Chính phủ; trong đó ưu tiên về tín dụng cho CNHT. Liên quan đến vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ cũng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Tài chính bố trí nguồn vốn đầu tư để xây dựng 3 trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp; Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, đề xuất các ưu đãi, hỗ trợ về vốn, tín dụng để phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên phát triển, trong thời hạn từ 5 - 10 năm. Bộ Khoa học và Công nghệ xem xét điều chỉnh cơ chế tiếp cận Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia theo hướng thông thoáng và nhanh gọn, đơn giản hơn đối với doanh nghiệp CNHT. Bên cạnh đó, với sự hướng dẫn của Bộ Công thương, một số địa phương cần có chương trình hành động để phát triển CNHT.

Tin cùng chuyên mục