Để giữ chân doanh nghiệp

Tại các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn TPHCM, tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân của doanh nghiệp thuộc các ngành công nghiệp trọng yếu đang có xu hướng giảm.

Ngành công nghiệp trọng yếu được xác định của thành phố là ngành chế biến lương thực - thực phẩm, điện - điện tử, hóa chất - dược phẩm và cơ khí. Lý giải về sự sụt giảm này, các chuyên gia kinh tế cho rằng, yếu tố đầu tiên thuộc về công nghệ sản xuất.

Hiện có đến 60%-70% doanh nghiệp có trình độ công nghệ trung bình, nhiều doanh nghiệp đổi mới công nghệ sản xuất mang tính thụ động. Trên thực tế, tỷ lệ doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu chế xuất đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ giảm từ 35% (giai đoạn 2006-2010), xuống còn 25% (giai đoạn 2011-2016).

Riêng từ năm 2017 đến nay, các khu công nghiệp, khu chế xuất đã chuyển hướng sang thu hút đầu tư vào những ngành có hàm lượng tri thức và công nghệ cao, có lợi thế cạnh tranh như ngành điện tử - viễn thông - tin học, hóa chất - dược phẩm, cơ khí chế tạo, chế biến lương thực - thực phẩm và các ngành công nghiệp hỗ trợ theo chủ trương của Thành ủy và UBND TPHCM. Tuy nhiên, kết quả chưa đột phá mạnh mẽ, chưa thu hút được dự án đầu tư lớn có tính chất lan tỏa. Đa số dự án đầu tư có quy mô vốn nhỏ.

Ở chiều ngược lại, nhiều doanh nghiệp cho rằng, sở dĩ họ giảm đầu tư hoặc chậm cải thiện quy mô sản xuất, nói chung là do đầu tư vào khu công nghiệp, khu chế xuất hiệu quả không cao. Doanh nghiệp không còn được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (trừ đầu tư vào các dự án công nghệ cao).

Mặt khác, giá thuê đất ở một số khu công nghiệp, khu chế xuất tại TPHCM cao hơn nhiều so với các tỉnh thành lân cận. Không những thế, các khu công nghiệp, khu chế xuất dù thu hút được nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ, nhưng sản phẩm của các doanh nghiệp FDI này, chủ yếu được xuất khẩu ra nước ngoài, dẫn đến tỷ trọng nội địa hoá công nghiệp hỗ trợ cho các ngành sản xuất trong nước thấp. Chưa hết, doanh nghiệp không tuyển được lao động tại chỗ nên phải tuyển dụng từ các tỉnh thành khác, đa số là lao động phổ thông nên không đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp có trình độ công nghệ cao…, gây khó cho hoạt động của doanh nghiệp.

Để cải thiện thực tế trên, nhiều doanh nghiệp đề nghị UBND TPHCM cần xác định lại các sản phẩm trọng yếu, thay vì nhóm ngành như 4 ngành công nghiệp trọng yếu hiện nay. Về chương trình hỗ trợ vốn, UBND TPHCM cần thay đổi theo hướng tiếp cận gần hơn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, vì đây mới là đối tượng cần vay được vốn để đổi mới công nghệ, sản xuất sản phẩm thay thế hàng nhập khẩu. Kế đến là xác định lại giá thuê đất cho phù hợp, kết hợp ban hành những chính sách ưu đãi như miễn giảm thuế để khuyến khích thu hút những dự án đầu tư có công nghệ tiên tiến, giá trị gia tăng cao, ít thâm dụng lao động, thân thiện với môi trường.

Riêng về nguồn nhân lực, thành phố cần tính đến phương án hợp tác với các tỉnh có liên quan để đào tạo nguồn nhân lực cung cấp cho TPHCM theo yêu cầu phát triển các ngành công nghiệp trọng yếu. Cách tốt nhất là phải thực hiện mô hình liên kết mẫu về hợp tác đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực giữa TPHCM và một tỉnh có điều kiện trước, sau đó mới rút kinh nghiệm và nhân rộng. Có như vậy, thành phố mới có khả năng duy trì đà tăng trưởng bền vững trong thời gian tới.

Tin cùng chuyên mục