Tăng cơ hội kết nối chuỗi cung ứng cho doanh nghiệp

Mặc dù nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao, duy trì ở mức 6,8%-7%/năm, tuy nhiên năng suất lao động (NSLĐ) của Việt Nam hiện đang bị đánh giá là rất thấp trong khu vực ASEAN.
Sản xuất tại Công ty TNHH Sản xuất thương mại nhựa kỹ thuật Vinastar
Sản xuất tại Công ty TNHH Sản xuất thương mại nhựa kỹ thuật Vinastar

Để tránh nguy cơ tụt hậu và vượt qua bẫy thu nhập trung bình, Chính phủ đã và đang khuyến khích các doanh nghiệp (DN) tập trung chuyển sang mô hình tăng trưởng dựa trên năng suất, chất lượng và hiệu quả. Trong đó, trọng tâm là cải thiện NSLĐ để tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế và của từng DN. 

Cải tiến để không bị bỏ lại xa hơn

Ghi nhận thực tế tại một số DN cho thấy, trước và sau khi tham gia dự án cải tiến năng suất đã có sự thay đổi rõ nét, mang lại nhiều lợi ích cho DN. Từ đó giúp DN có thêm động lực để tiếp tục đầu tư cải tiến. Chia sẻ về lĩnh vực này, đại diện Công ty Sản xuất thương mại nhựa kỹ thuật Vinastar (hoạt động trong lĩnh vực gia công, thiết kế sản phẩm, khuôn mẫu nhựa) cho biết, công ty đã tiến hành cải tiến ở 5 lĩnh vực. Cụ thể, cải tiến quản lý và sử dụng thiết bị công nghệ hiệu quả kết hợp với nghiên cứu cải tiến quá trình sản xuất. Từ đó, làm cơ sở để giảm lãng phí trong sản xuất và thực hiện đánh giá KPI (bảng đánh giá nhân viên). Công ty cũng chủ động khảo sát nhu cầu sử dụng của khách hàng về sản phẩm và dịch vụ cung cấp để có những điều chỉnh phù hợp kịp thời. Những cải tiến này đã và đang mang lại rất nhiều hiệu quả cho công ty. 

Trên thực tế, công ty giảm tỷ lệ phế phẩm từ 4% xuống còn 1,1%, tỷ lệ nghỉ việc của nhân viên giảm từ 20% còn 5%. Tỷ lệ trả hàng giảm từ 1% còn 0,5% và đặc biệt là dịch vụ làm thỏa mãn khách hàng đã đạt điểm 9. Trong việc thúc đẩy năng lực của người lao động, bản thân DN rất chú trọng đến việc xây dựng môi trường làm việc để người lao động chủ động nâng cao năng suất, từng bước cải thiện NSLĐ của DN qua từng năm. 

Tương tự, ông Trương Quốc Cường, Giám đốc Công ty Tương Lai (hoạt động trong lĩnh vực sản xuất mặt hàng nhựa, thiết kế khuôn mẫu nhựa) cũng cho biết, bắt tay vào việc cải tiến công ty đã thực hiện 5S, layout... Giải pháp này đã mang lại nhiều thay đổi cho công ty như nhà xưởng gọn gàng, sạch sẽ hơn. Diện tích kho xưởng được ngăn nắp và rộng rãi. Kế tiếp công ty đã đầu tư mạnh cho công nghệ, trang thiết bị máy móc để đáp ứng nhu cầu sản xuất. Những cải tiến này đã giúp công ty giảm được nhiều chi phí, thời gian làm việc. Trước đây, cùng một lô hàng, công nhân phải làm từ 7-17 giờ (thậm chí tăng ca), hiện nay cũng với khối lượng công việc như vậy, công nhân chỉ làm từ 7-15 giờ là xong việc. Từ khi triển khai các hoạt động cải tiến, NSLĐ đã tăng lên khoảng 68%-75%. Theo đánh giá của ông Trương Quốc Cường, khi nhân viên cảm thấy phấn khởi đối với công việc thì chắc chắn NSLĐ sẽ tăng lên. Trong thời gian tới, công ty chủ động xây dựng hệ thống đào tạo nội bộ, gồm đào tạo lý thuyết và thực hành. Trong đó, công ty đã xây dựng chương trình giảng dạy thống nhất. Mỗi vị trí công việc có một lộ trình đào tạo rõ ràng, lộ trình sẽ được điều chỉnh trong quá trình vận hành thực tế. 

DN cần được hỗ trợ nhiều hơn

Các chuyên gia nhìn nhận rằng, sở dĩ NSLĐ của Việt Nam còn thấp là do phần lớn DN có trình độ khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo còn thấp, nhiều DN đang sử dụng công nghệ cũ, lạc hậu, tụt hậu 2-3 thế hệ so với mức trung bình của thế giới. Việt Nam cần tiếp tục kiến tạo môi trường thuận lợi cùng với các thể chế, chính sách mới cho khu vực DN để thúc đẩy quá trình nâng cao công nghệ và sáng tạo. Đây được coi là một trong những nội dung quan trọng của sự chuyển đổi mô hình tăng trưởng ở Việt Nam. 

Để khắc phục tình trạng này, giải pháp duy nhất là chuyên nghiệp hóa từng công đoạn sản xuất, đi đôi với cải tiến công nghệ một cách phù hợp. Cái cần làm nhất là từng bước cải thiện công nghệ, cách thức sản xuất để tạo ra giá trị gia tăng lớn dần lên, ít nhất là xây dựng được ngành công nghiệp phụ trợ. Nếu không, chúng ta sẽ bỏ qua những cơ hội vàng từ các hiệp định lớn vừa ký kết như Hiệp định Thương mại Việt Nam - EU, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương. 

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho biết sở và Bộ Công thương đang phối hợp với các tập đoàn sản xuất sản phẩm đầu cuối như Samsung, Intel… hỗ trợ tập huấn cải tiến quy trình sản xuất, quản lý để nâng cao NSLĐ cho DN. Theo đó, các tập đoàn sẽ cử chuyên gia đến làm việc, hỗ trợ trực tiếp cho DN áp dụng quy trình sản xuất sao cho tiết kiệm thời gian, nguyên liệu sản xuất, giảm tỷ lệ sản phẩm bị lỗi... Từ đó, nâng cao năng lực cạnh tranh để tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng. 

Cùng với chính sách hỗ trợ về kỹ thuật, hiện TPHCM cũng đã bố trí nguồn vốn vay hỗ trợ DN công nghiệp đầu tư trang thiết bị máy móc, dây chuyền sản xuất hoặc mở rộng quy mô nhà xưởng. Cũng theo ông Nguyễn Phương Đông, từ đầu năm 2019 đến nay, Sở Công thương TPHCM đã tổ chức nhiều hoạt động kết nối DN với ngân hàng. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM đã triển khai gói tín dụng hỗ trợ cho nhiều DN thuộc 5 lĩnh vực ưu tiên (có DN công nghiệp hỗ trợ) với tổng số tiền 83.034 tỷ đồng. Bên cạnh đó, DN công nghiệp hỗ trợ có thể nộp hồ sơ để được tiếp cận nguồn vốn với lãi suất ưu đãi (vay tối đa 200 tỷ đồng/dự án) thông qua Quyết định số 15/2017/QĐ-UBND.  

Tiếp xúc với chúng tôi, các DN phản ánh hiện vẫn còn rất nhiều đơn vị khát vốn nhưng khó tiếp cận sự hỗ trợ nào từ các cơ quan chức năng liên quan. Do vậy, các cơ quan chức năng cần chủ động thực hiện cải cách hành chính, đặc biệt có chính sách hỗ trợ DN tạo liên kết chặt chẽ với khu vực FDI, tăng cường chuyển giao công nghệ, tăng tỷ lệ nội địa hóa.

Tin cùng chuyên mục