Cơ hội để doanh nghiệp nâng cao tỷ lệ nội địa hóa

Cùng với sự ra đời của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), các tổ chức quốc tế cũng đang ra sức hỗ trợ nâng cao năng lực kỹ thuật và quản lý… Đây được xem là cơ hội để DN trong nước từng bước nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, thâm nhập sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Lợi ích chưa tương xứng

Theo đánh giá của một số tổ chức chuyên môn quốc tế, Việt Nam đang thụt lùi so với phần lớn các nước khác trong khu vực ASEAN nếu xét về tỷ lệ nội địa hóa. Cụ thể, khảo sát của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) về điều kiện kinh doanh của các công ty Nhật Bản tại khu vực châu Á và châu Đại Dương cho thấy DN Nhật Bản mua sắm khoảng 34,2% nguyên vật liệu thô và phụ tùng đầu vào từ các nhà cung cấp địa phương trong năm 2016.

Con số này thấp hơn nhiều so với DN FDI của Nhật Bản tại các nước ASEAN như Thái Lan (57,1%), Indonesia (40,5%). Mặc dù Việt Nam đã thu hút được lượng lớn vốn đến từ các DN FDI nhưng lợi ích mang lại cho cộng đồng DN trong nước, đặc biệt là DNNVV chưa tương xứng. Trong khi đó, theo số liệu từ cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký DN của Bộ KH-ĐT, hiện cả nước có khoảng 750.000 DN đang hoạt động.

Xét về quy mô, phần lớn DN Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa. DNNVV có vai trò quan trọng trong việc tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, cải thiện thu nhập người lao động, đóng góp cho ngân sách nhà nước và tăng trưởng kinh tế. Khu vực kinh tế ngoài nhà nước, trong đó các DNNVV đóng vai trò chủ đạo đóng góp khoảng 42% GDP và tạo ra hơn 50% việc làm cho xã hội. 

Cơ hội để doanh nghiệp nâng cao tỷ lệ nội địa hóa ảnh 1 Tỷ lệ nội địa hóa trong máy móc thiết bị ngày càng được nâng cao. Ảnh: CAO THĂNG

Tuy tăng mạnh về số lượng, song khu vực DNNVV đang đứng trước những thách thức lớn. Việt Nam đặc biệt thiếu DN quy mô lớn và vừa, là một trong những yếu tố hạn chế khả năng kết nối với khu vực DNNVV để tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu. Trước thực trạng này, Luật Hỗ trợ DNNVV được ban hành vào năm 2018 đã quy định một số chính sách cụ thể để thúc đẩy DNNVV tham gia vào các cụm liên kết ngành và chuỗi giá trị toàn cầu.

Trong đó, yêu cầu nâng cao vai trò của DN trong nước, bao gồm DNNVV với mục tiêu tăng tỷ lệ nội địa hóa từ 20%-25% như hiện nay lên mức 30% vào năm 2025 và 40% vào năm 2030. Đồng thời để góp phần giải quyết những vấn đề nêu trên, Chính phủ cũng đã đề xuất các nước, trong đó có Chính phủ Nhật Bản thực hiện dự án Hợp tác kỹ thuật để thúc đẩy việc thực hiện Luật Hỗ trợ DNNVV và phát triển công nghiệp phụ trợ.

Thông qua các hoạt động của dự án, DNNVV trong nước được kỳ vọng sẽ nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh; qua đó tăng cường kết nối kinh doanh giữa các DNNVV trong nước với doanh nghiệp Nhật Bản và DN nước ngoài, từng bước hỗ trợ DNNVV trong nước tham gia vào các chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.

Cải thiện tính cạnh tranh toàn cầu

Trước đó, Cơ quan Phát triển quốc tế của Hoa Kỳ (USAID) cũng đã quyết định thực hiện dự án liên kế giữa các DNNVV (LinkSME) trong giai đoạn 2018-2023 với tổng ngân sách dự kiến khoảng 22 triệu USD. Dự án có mục tiêu củng cố mối quan hệ nhà cung cấp - bên mua, nhằm giúp các DN tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

“Các DN Việt Nam, đặc biệt là DNNVV có tiềm năng rất lớn và cần được hỗ trợ để tiếp cận thông tin, nguồn đầu tư để có thể tự tin và vững vàng cạnh tranh cùng các đối thủ trong và ngoài nước”, ông Ron Ashkin, Giám đốc dự án USAID LinkSME, nhận định. 

Trên thực tế, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu sẽ giúp Việt Nam từng bước đảm nhận các công đoạn trong mạng lưới sản xuất và tận dụng được lợi thế thương mại, góp phần giúp Việt Nam đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa. Điểm thuận lợi cho các DN Việt Nam khi tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu là độ mở của nền kinh tế Việt Nam ngày càng cao. Việt Nam đã khai thác được thế mạnh của kinh tế trong nước, đồng thời tranh thủ được thị trường thế giới.

Tuy nhiên, để DNNVV Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, song song với việc tận dụng các dự án hỗ trợ vừa nêu, trong thời gian tới cần tập trung vào các giải pháp như cải thiện để tăng tính cạnh tranh toàn cầu bằng cách đạt các tiêu chuẩn quốc tế về chất lượng và theo lĩnh vực; tăng cường năng lực thương mại, quản trị, kết nối. Đồng thời tìm kiếm các cơ hội từ thị trường toàn cầu và cơ hội từ thị trường trong nước. Nghiên cứu, lựa chọn sản phẩm tham gia phát triển chuỗi giá trị phù hợp với năng lực cạnh tranh của Việt Nam, dung lượng thị trường lớn, có tiềm năng và có sự cam kết với định hướng của các công ty đầu chuỗi cung ứng.

Thêm vào đó, để DNNVV tiến sâu vào thị trường quốc tế vẫn rất cần những cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư từ Chính phủ. Cụ thể, Nhà nước cần phải tạo điều kiện thuận lợi hơn về cơ chế chính sách để DNNVV Việt Nam lớn mạnh, đổi mới công nghệ, mẫu mã sản phẩm, đưa DNNVV Việt Nam kết nối vào chuỗi giá trị toàn cầu, thúc đẩy quá trình đổi mới sáng tạo và nâng cao năng suất của DNNVV.

Tin cùng chuyên mục