Đổi mới công nghệ để tăng năng suất lao động

Năng suất lao động của Việt Nam giảm xa so với các nước trong khu vực, đang ở mức báo động, chỉ bằng 7,2% so với Singapore, khoảng 37,4% so với Thái Lan… 
Sản xuất thuốc trên máy công nghệ tiên tiến tại Công ty Euvipharm Ảnh: CAO THĂNG
Sản xuất thuốc trên máy công nghệ tiên tiến tại Công ty Euvipharm Ảnh: CAO THĂNG
Thế nhưng, theo một nghiên cứu thực tế, lao động người Việt Nam làm việc ở nước ngoài lại có năng suất cao. Nguyên nhân, các nước áp dụng khoa học công nghệ hỗ trợ, lọc bỏ những thao tác dư thừa nên góp phần tăng năng suất lao động…
Khoảng cách lùi 
So sánh năng suất lao động của Việt Nam với một số nước khu vực Đông Nam Á trong năm 2017 cho thấy, năng suất lao động của Việt Nam chỉ bằng 7,2% so với Singapore, 18,4% so với Malaysia, 37,4% so với Thái Lan, 43,1% so với Indonesia, 57,2% so với Philippines và thậm chí với quốc gia Lào, chúng ta chỉ bằng 89,1%. Với con số này, khoảng cách năng suất lao động của người Việt là một bước lùi xa so với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Vào thời điểm 30 năm trước, năng suất lao động của Việt Nam đứng bằng với Hàn Quốc, Trung Quốc thì nay Hàn Quốc và Trung Quốc đã vượt xa. Và cũng theo các so sánh, đánh giá của các chuyên gia, ngoài thái độ lao động thì ở các quốc gia có năng suất lao động cao là nhờ họ có nhiều sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ vào quá trình sản xuất. Ví dụ, nếu dây chuyền sản xuất, máy móc chuẩn mực thì con người tham gia dây chuyền, dù có thái độ lao động lười biếng, cũng không thể được. Ngoài ra, máy móc sẽ hỗ trợ người lao động trong những khâu chuẩn xác, góp phần tạo nên năng suất lao động cao hơn. Không chỉ trong các ngành công nghiệp, ngày nay ở ngành nông nghiệp cũng có hệ thống tưới tiêu, bón phân tự động, giúp giảm lực lượng lao động và tăng năng suất lao động.
Việc ứng dụng khoa học công nghệ để tăng năng suất lao động là quy luật phát triển tất yếu trong thời đại công nghiệp 4.0. Ở Việt Nam nhiều doanh nghiệp tạo ra được các sản phẩm có giá trị kinh tế cao cũng nhờ ứng dụng khoa học công nghệ mới. Cụ thể, đề tài “Nghiên cứu chiết tách dầu dừa tinh khiết bằng công nghệ không gia nhiệt” với kinh phí 7 tỷ đồng từ Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đã giúp Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới (tỉnh Bến Tre) nghiên cứu thành công quy trình chiết tách tinh dầu dừa tinh khiết với năng suất cao, đến 3.000 lít/lô sản xuất. Quy trình sản xuất này đạt tiêu chuẩn quốc tế của Hiệp hội Dừa châu Á - Thái Bình Dương. Dầu dừa tinh khiết được sản xuất theo quy trình mới có giá trị thương mại gấp 4 lần so với sản phẩm sản xuất theo công nghệ tinh luyện cũ, góp phần nâng cao chuỗi giá trị cây dừa tại địa phương. Hay Công ty Bóng đèn phích nước Rạng Đông (Hà Nội) chế tạo thành công hệ thống chiếu sáng chuyên dụng tiết kiệm năng lượng, phù hợp với chu kỳ phát triển sinh học của một số loại cây hoa và cây ăn trái nhằm điều khiển thời gian ra hoa, kết trái, ngay cả những cây ra hoa, ra trái trái mùa. 
Đẩy nhanh ứng dụng khoa học - công nghệ
Nhìn lại ở Việt Nam, thời gian qua, việc đổi mới công nghệ chưa được các doanh nghiệp quan tâm nhiều. Vấn đề chính yếu là doanh nghiệp thường gặp khó khăn về nguồn vốn khi muốn đổi mới công nghệ. Thế nhưng những năm gần đây, các chương trình quốc gia, các quỹ phát triển khoa học và công nghệ đã tập trung nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ, giúp doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tiếp cận với công nghệ mới. Nhà nước cũng tạo nhiều nguồn vốn hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, tăng năng suất sản xuất, sẵn sàng trong tiến trình hội nhập quốc tế.  
Đến nay, đã có nhiều chương trình khoa học và công nghệ quốc gia được Chính phủ phê duyệt nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ như: Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020, Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020, Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2020, Chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp khoa học - công nghệ, Chương trình tìm kiếm và chuyển giao công nghệ nước ngoài đến năm 2020… 
Ngoài ra, còn có Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia với khoản ngân sách hàng ngàn tỷ đồng. Quỹ có chức năng cho vay với lãi suất ưu đãi, bảo lãnh vay vốn, hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp nghiên cứu, chuyển giao, đổi mới công nghệ. Quỹ đã tiếp nhận trên 1.000 ý tưởng đổi mới công nghệ, chủ yếu từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ thuộc nhóm công nghiệp hỗ trợ, khởi nghiệp, công nghệ cao, nông nghiệp công nghệ cao. Quỹ còn tư vấn cho các doanh nghiệp bước đầu xây dựng thành công gần 300 nhiệm vụ; tuyển chọn được 85 đề tài, dự án với tổng vốn đầu tư khoảng 3.674 tỷ đồng. Trong đó, vốn do doanh nghiệp đầu tư khoảng 2.639 tỷ đồng (chiếm 72%), hỗ trợ từ ngân sách nhà nước khoảng 1.035 tỷ đồng (chiếm 28%). Theo đánh giá ban đầu, mức tăng trưởng của các doanh nghiệp sẽ đạt 12% - 18%/năm sau khi thực hiện đổi mới công nghệ. 
Bộ Tài chính cũng cho biết, ngoài nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước và Quỹ Phát triển khoa học - công nghệ, các doanh nghiệp cũng tự trích lập các quỹ phát triển khoa học - công nghệ cho riêng mình. Năm 2017, có 31 tập đoàn, tổng công ty nhà nước lập quỹ khoa học - công nghệ với số tiền khoảng 2.276 tỷ đồng, số tiền đã sử dụng trong năm gần 1.500 tỷ đồng. Đây là tín hiệu cho thấy các doanh nghiệp đang ngày càng quan tâm đến việc đổi mới công nghệ để nâng cao sức cạnh tranh, đặc biệt trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Tin cùng chuyên mục