Đột phá tinh giản biên chế, sắp xếp bộ máy

Trong năm 2018, TPHCM sẽ thực hiện quyết liệt, không ngại va chạm trong công tác tổ chức lại bộ máy, tinh giản đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (gọi chung là công chức).
 
 Phóng viên Báo SGGP đã phỏng vấn Phó Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM Lê Văn Làm (ảnh) về những vấn đề đặt ra khi triển khai công tác này.
Đột phá tinh giản biên chế, sắp xếp bộ máy ảnh 1
 Ông Lê Văn Làm chia sẻ: “Song song với việc triển khai Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, TP còn triển khai các nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) về sắp xếp, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn hoạt động hiệu lực (Nghị quyết 18-NQ/TW); về nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập (Nghị quyết 19-NQ/TW). Do đó, Ban Cán sự Đảng UBND TP đã xây dựng kế hoạch thực hiện các nghị quyết trên, trong đó có một số đề án, đầu việc liên quan đến tổ chức bộ máy, liên quan đến công chức rất cụ thể”.

Đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền


° PHÓNG VIÊN: Đó là những đề án cụ thể gì, thưa ông?

° Ông LÊ VĂN LÀM:  UBND TP đã giao Giám đốc Sở Nội vụ làm tổ trưởng đề án phân cấp, ủy quyền. Chánh Văn phòng UBND TP và một số giám đốc sở, ngành là thành viên. Tháng 3-2018, tổ phải hoàn chỉnh đề án để UBND TP xem xét, trình Thành ủy. Như vậy, đối với một số vấn đề mà lâu nay TP muốn phân cấp, ủy quyền nhưng gặp vướng mắc thì với cơ chế, chính sách đặc thù, TP sẽ được phép đẩy mạnh công tác này.

Kế đó là đề án khảo sát, đánh giá hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập trên tất cả các lĩnh vực từ TP đến quận, huyện, được thực hiện theo hướng sắp xếp, giao quyền tự chủ và thực hiện xã hội hóa một số lĩnh vực. Chúng tôi sẽ xây dựng đề án khảo sát khi thực hiện việc sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập, thực hiện theo lộ trình 2021 - 2025 và từ 2025 - 2030. Theo yêu cầu, tháng 4-2018 đề án phải được hoàn chỉnh, báo cáo UBND TP, trình Thành ủy thông qua để tổ chức thực hiện vào tháng 5-2018.

Sở Nội vụ cũng được giao nghiên cứu, đề xuất mô hình cơ quan quản lý sắp xếp doanh nghiệp nhà nước, đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Tháng 4-2018, đề án phải hoàn thành, trình UBND TP để tháng 5-2018 trình Thành ủy. Ngoài ra, Sở Nội vụ còn làm tổ trưởng đề án sắp xếp, tinh gọn lại các ban quản lý dự án theo hướng nếu trùng khớp thì sáp nhập. Nếu không cần thiết thì giải thể hoặc tổ chức lại cho tinh gọn. Tháng 4-2018 phải trình UBND TP đề án để tháng 5-2018 trình Thành ủy.

° Nếu triển khai hiệu quả các đề án này, người dân sẽ được lợi gì, thưa ông?

° Chúng tôi đã hình thành các tổ công tác và xây dựng đề cương để triển khai, hoàn thành các đề án theo kế hoạch. Nếu thực hiện hiệu quả các đề án này, bộ máy sẽ tinh gọn hơn, đội ngũ công chức sẽ được cơ cấu lại phù hợp hơn. Từ đó, bộ máy hành chính cũng sẽ nhẹ gánh hơn và hiệu quả công tác sẽ nâng cao. Ngoài ra, khi thực hiện tốt công tác phân cấp, ủy quyền, thẩm quyền của chính quyền cơ sở được tăng cường, công việc của người dân được giải quyết nhanh hơn…

Điều này có nghĩa là sự hài lòng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp sẽ được nâng cao và điều đó góp phần phát triển TP nhanh hơn, bền vững hơn.

Xem xét tăng thu nhập cho công chức

° Khi thực hiện các đề án này sẽ tác động lớn đến công chức, người lao động làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập. Là cơ quan tham mưu, Sở Nội vụ có đề xuất gì để tránh ảnh hưởng đến tâm tư của công chức, người lao động?

° Sự tác động đến công chức, người lao động chắc chắn là có. Nhưng nếu chúng ta e ngại về sự tác động này rồi không thực hiện là không được. Vì vậy, trong quá trình xây dựng đề án, các tổ công tác sẽ khảo sát, phân tích, kết hợp với các nghị quyết của Đảng, chỉ đạo của Nhà nước để đảm bảo khi triển khai sẽ bài bản, khoa học và không máy móc.

Tôi xin thông tin thêm, bên cạnh việc đẩy mạnh tinh giản biên chế, sắp xếp bộ máy, Sở Nội vụ cũng phối hợp với Sở Tài chính xây dựng đề án thực hiện và sử dụng nguồn cải cách tiền lương, chi trả thu nhập tăng thêm cho công chức khu vực nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội và các đơn vị sự nghiệp công lập chưa tự chủ. Sở Tài chính chủ trì đề án này. Sở Nội vụ là cơ quan phối hợp chính. Tháng 4-2018, tổ phải báo cáo đề án với UBND TP, trình Thành ủy vào tháng 5-2018 và trình HĐND TP vào tháng 6-2018. Như vậy, bên cạnh việc sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế, TPHCM cũng sẽ chi trả thu nhập tăng thêm đối với những công chức có năng lực, làm việc hiệu quả.

° Trong thực tế, công tác tinh giản biên chế, sắp xếp bộ máy đã được đề cập lâu nay song hiệu quả đạt được rất thấp. Vậy điều gì để có thể tin rằng, sắp tới công tác này sẽ đạt kết quả theo yêu cầu?

° Đã có nhiều ý kiến nhận xét hiện nay bộ máy chúng ta cồng kềnh. Tình trạng công chức sáng cắp cặp đi, tối cắp cặp về diễn ra phổ biến. Do đó, việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế là yêu cầu cấp bách. Nghị quyết 39-NQ/TW (năm 2015) về tinh giản biên chế cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, Nghị định 108/2014 về chính sách tinh giản biên chế đã xác định rõ lộ trình 2015-2021 phải giảm 10% biên chế. Nghị quyết của Quốc hội cho phép TP thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù chỉ trong một thời gian ngắn. Kế hoạch của UBND TP triển khai nghị quyết của Quốc hội cũng phân định rõ thời gian thực hiện với yêu cầu thực hiện có hiệu quả. Do đó, chúng ta cũng không thể và hô hào suông mà phải thực hiện quyết liệt, không ngại va chạm.
Để đảm bảo thực hiện có hiệu quả công tác này, lãnh đạo TPHCM còn nêu rõ biện pháp chế tài đối với người đứng đầu không triển khai thực hiện nghiêm túc. Theo đó, đơn vị nào không làm tốt thì cuối năm khi đánh giá người đứng đầu không thể nào hoàn thành nhiệm vụ.

° Xin cám ơn ông

Tin cùng chuyên mục