Duy trì những giá trị văn hóa của sách

Những ngày cuối cùng của năm 2017, một đơn vị văn hóa chuyên kinh doanh mảng sách đã đề ra chương trình bán sách “độc đáo” - bán sách cân ký! Sẽ có khoảng 25 tấn sách do đơn vị thực hiện được bán theo hình thức cân ký với mức giá 88.000 đồng/kg.
Bạn đọc trẻ chọn sách trong quầy sách giảm giá được sắp xếp ngay ngắn
Bạn đọc trẻ chọn sách trong quầy sách giảm giá được sắp xếp ngay ngắn

Thông tin này nhanh chóng gây phản ứng tiêu cực trong dư luận, đặc biệt là đối với những bạn đọc yêu sách. Kết quả, đơn vị này đã gần như ngay lập tức phải xin lỗi và rút lại chương trình.

Của cho không bằng cách cho

Lý giải ý nghĩa của việc tổ chức chương trình bán sách theo ký, đơn vị tổ chức là Công ty Alpha Books cho rằng, việc bán như vậy không nhằm mục tiêu lợi nhuận mà mục đích đơn vị muốn là tri ân khách hàng. Xét về mặt kinh tế, việc bán hàng như trên không có gì bất thường, hầu hết các đơn vị kinh doanh sách vào một thời điểm trong năm đều tổ chức hình thức bán sách giảm giá nhằm thanh lý hàng tồn kho, tri ân bạn đọc đã ủng hộ đơn vị trong suốt một năm… Mức giảm giá trung bình từ 20% - 50%, thậm chí có thể hơn. Sách giấy là sản phẩm tương đối nặng, nếu không dùng giấy đặc biệt xốp, nhẹ thì khoảng 2-3 cuốn sách là xấp xỉ 1kg, với mức giá 88.000 đồng, trung bình một cuốn sách có giá trên dưới 100.000 đồng sẽ tương đương mức giảm giá khoảng 50%, nên về mặt vật chất, bán sách theo ký như kiểu của Alpha Books cũng là một hình thức khác của giảm giá sách.

Thế nhưng, vấn đề gây bức xúc dư luận không phải là mức giảm giá sách mà là ở cách thực hiện hình thức giảm giá đó. Theo thói quen, hình thức bán cân ký chỉ dùng cho việc bán giấy vụn, giấy thải các loại. Một số trường hợp, người thu mua ve chai thanh lý các tủ sách cũ cũng dùng hình thức này, nhưng khi đó, họ xem đó là mua giấy vụn chứ không phải mua sách. Việc mua sách từ xưa đến nay mặc định là mua theo cuốn, dù số lượng nhiều hay ít, giá trị cao hay thấp. Chính vì thế, không mấy ngạc nhiên khi hình thức tri ân khách hàng thông qua việc bán sách cân ký đã gây phản ứng mạnh mẽ đối với bạn đọc yêu sách. Đó bị xem là xúc phạm đến sách và thậm chí nhiều người quá khích còn kêu gọi tẩy chay đơn vị bán sách. 

Đây không phải là lần đầu các đơn vị kinh doanh để xảy ra việc thiếu tế nhị trong ứng xử với các sản phẩm văn hóa. Cách đây không lâu, một sự kiện không vui liên quan đến sách cũng đã gây xôn xao. Một đơn vị kinh doanh sách điện tử (ebook) tổ chức một chương trình khuyến mãi nhằm thu hút bạn đọc mua sách điện tử, trong đó có hoạt động “bán sách giá 0 đồng”. Mô hình bán hàng giá 0 đồng khá quen thuộc đối với các mặt hàng khác, nhưng với sách mọi việc lại không đơn giản. Những nhà văn có tác phẩm được đưa vào chương trình này đã phản ứng mạnh, bởi trong văn chương, người sáng tác tối kỵ việc tác phẩm của mình bị đánh giá là không có giá trị. Với mức giá 0 đồng lại là một chuyện hoàn toàn khác, dù rằng ý muốn của những người thực hiện chỉ đơn giản là hình thức kích thích mua sách. Kết quả là tác giả phản ứng, rút lại hợp đồng ủy quyền bán sách, bạn đọc phê phán và đơn vị bán sách cũng đành phải hủy bỏ chương trình. 

Trong khi đó, ở một NXB khác, cũng thực hiện chương trình khuyến mãi ebook, nhưng thay vì “bán 0 đồng” họ chuyển thành tặng ebook cho mọi bạn đọc. Xét về mặt kinh tế, bán 0 đồng hay tặng trong trường hợp này không khác gì nhau, nhưng rõ ràng “tặng” khiến cho cả tác giả lẫn bạn đọc cảm thấy thoải mái hơn rất nhiều so với việc bán… 0 đồng. Kết quả là trong khi chương trình bán giá 0 đồng đã phải nhanh chóng kết thúc, thì chương trình tặng sách đến nay vẫn được tổ chức đều đặn.

Cần sự đối xử đặc biệt

Sách trong kinh doanh được xem là một loại hàng hóa đặc biệt - loại hàng hóa văn hóa. Do đó, việc đối xử với sách bên cạnh những yếu tố kinh doanh còn cần có văn hóa. Tại Hội sách TPHCM lần thứ 7, vào những ngày cuối, khi các gian hàng sách được bán giảm giá tự do, một số gian hàng ở khu vực cuối hội sách đã đổ đống sách ngay trên sàn xi măng để bán. Hình ảnh này được ghi lại khiến rất nhiều người bất bình, còn ban tổ chức hội sách đã phải nhanh chóng giải quyết sự cố. Ở các hội sách sau đó, việc đảm bảo hình ảnh văn hóa trong bán sách đã được ban tổ chức xếp vào một trong những hoạt động được chú ý nhất. 

Câu chuyện tương tự cũng đã từng xảy ra tại hệ thống nhà sách Phương Nam trước đây. Vào dịp cuối năm, hệ thống này thường có chương trình bán sách giảm giá ở hầu hết các nhà sách của đơn vị. Sách được đổ thành đống trên những chiếc bàn dài, bạn đọc tự do bới tìm, chọn lựa trong đống sách đó. Hình ảnh này cũng nhanh chóng gây bức xúc trong dư luận. Ở các lần bán sách giảm giá sau, sách đã được chú ý sắp xếp ngay ngắn, tạo nên một hình ảnh đẹp, dù rằng bản chất việc giảm giá vẫn không có gì thay đổi.

Những nhà văn, người sáng tác vốn là những nghệ sĩ với tâm hồn đầy nhạy cảm, những người đọc sách, yêu sách cũng là những người có trình độ văn hóa, dù hiểu rõ sách cũng phải chịu những quy luật của hàng hóa trong kinh tế thị trường, nhưng ai cũng mong muốn sách - đứa con tinh thần và là biểu tượng của văn hóa phải được đối xử một cách đặc biệt. Với những người kinh doanh sách, ứng xử với sách làm sao để vừa đảm bảo yếu tố kinh doanh, lại vừa bảo vệ và duy trì những giá trị văn hóa của sách, luôn là điều được quan tâm nhất để tránh những cú sốc, những vấn đề nhạy cảm đối với tác giả, độc giả.

Ông Nguyễn Minh Nhựt, Giám đốc NXB Trẻ, cho biết: Việc giải quyết sách tồn kho là nỗi lo không của riêng ai đối với những người làm sách. Sách tồn kho chưa chắc là sách không hay. Quyển sách như đời người. Theo tôi, mỗi quyển sách đều có một số phận riêng của nó, có quyển trở thành sách bán chạy (best seller) nhưng cũng có những quyển vì những lý do khác nhau, trở thành sách tồn kho, chịu cho bụi bám. Việc thanh lý sách tồn kho, đảm bảo dòng tiền, tăng tính thanh khoản là việc bình thường và phải làm của mỗi doanh nghiệp làm sách hay kinh doanh sách. Mọi sáng kiến đều đáng suy nghĩ và thử nghiệm. Nhưng cá nhân tôi cho rằng, nên cẩn trọng hơn với việc sử dụng những từ ngữ trong việc bán sách giảm giá, sách tồn kho để tránh gây tổn thương đến tác giả hay bạn đọc. Đó cũng là cách làm của NXB Trẻ thời gian qua.

Tin cùng chuyên mục