Game show: Chết vì ăn xổi!

Có thể nói, game show hiện đã rơi vào tình trạng thoái trào. Rất nhiều chương trình thu hẹp quy mô sản xuất, rất ít chương trình truyền hình trực tiếp, mà thay vào đó là ghi hình phát sóng. 

Nhà tài trợ ngày càng thờ ơ, giá quảng cáo giảm, hiệu ứng khán giả cũng ngày càng kém. Tất cả đang cho thấy bức tranh khá u ám của game show.

Buồn từ những con số

Tình hình chung của hầu hết game show hiện nay là hầu như không có nhà tài trợ đồng hành, doanh thu quảng cáo trồi sụt không ổn định và ngày càng giảm sút. Đã qua rồi thời các nhãn hàng, thương hiệu luôn gắn tên cùng các game show, chương trình truyền hình thực tế.

Từ khoảng 2 năm trở lại đây, hầu như các thương hiệu bắt đầu không mấy mặn mà trong việc đồng hành với các game show hoặc nếu có cũng “ép” giá xuống rất nhiều.

Một game show dài khoảng 13 - 15 tập phát sóng ở một đài tỉnh thuộc dạng hot nhất nhì cả nước, mức tài trợ đôi khi chỉ còn trên dưới 3 tỷ đồng trong khi ở thời hoàng kim con số đó có thể gấp đôi hoặc hơn. Trên sóng giờ vàng VTV3, một số nhãn hàng vẫn còn đồng hành nhưng mục đích chỉ để giữ sóng giờ vàng chứ không phải vì hiệu quả từ chương trình mang lại.

Tài trợ bị cắt, thậm chí không có tài trợ nên doanh thu của các game show chủ yếu phụ thuộc vào quảng cáo. Thế nhưng để thu hút quảng cáo và bán được quảng cáo giá cao, các đơn vị sản xuất phải chạy đua về rating (lượng theo dõi) nhưng giữa thời buổi game show tràn lan thì rating các chương trình cũng giảm sút nghiêm trọng. Kết quả, dù là chương trình nằm trong top có lượng khán giả xem cao đi nữa thì hầu hết cũng chỉ ở mức hòa vốn hay lãi chút đỉnh, không lỗ đã là may mắn.

Đó là chưa kể, trong khi chi phí sản xuất game show mỗi năm mỗi tăng, doanh thu quảng cáo trên truyền hình lại có xu hướng ngày càng giảm. Theo một dự báo, với tốc độ tăng trưởng như hiện tại thì quảng cáo di động có triển vọng vượt qua quảng cáo truyền hình vào năm 2021, trong khi quảng cáo truyền hình còn chia sẻ cho hàng trăm chương trình khác như tin tức, du lịch, phim truyện, âm nhạc, thể thao...

Doanh thu lại không ổn định vì còn tùy theo mùa, thời điểm phát sóng và độ ăn khách của chương trình càng khiến bức tranh game show Việt thêm u tối.

Nếu như trước đây những game show như Gương mặt thân quen, Giọng hát Việt, Tìm kiếm tài năng Việt, Ơn giời, cậu đây rồi... từng thu được trung bình từ 5 - 12 tỷ đồng quảng cáo/tập, thậm chí Gương mặt thân quen 2014 từng lập kỷ lục với 370 triệu đồng/block quảng cáo 30 giây trong đêm chung kết, hay chung kết Ơn giời, cậu đây rồi 2014 có giá 700 triệu đồng/phút quảng cáo, thì nay những con số đó chỉ còn được nhắc nhớ trong tiếc nuối.

Game show: Chết vì ăn xổi! ảnh 1 Gương mặt thân quen bị chê nhạt
Thử phân tích số liệu bảng giá quảng cáo của VTV trong năm 2018 và đầu năm 2019 sẽ dễ dàng nhận ra bức tranh toàn cảnh của vấn đề. Năm 2018, theo như báo giá từ Trung tâm Quảng cáo và dịch vụ truyền hình của VTV, giá quảng cáo trong thời gian phát sóng chương trình The Debut là 210 triệu đồng/30 giây, Gương mặt thân quen là 200 triệu đồng/30 giây, The Voice là 220 triệu đồng/30 giây.

Trong khi Ơn giời, cậu đây rồi là 220 triệu đồng/30 giây ở nhiều tập đầu, những tập cuối, giá quảng cáo có nhỉnh lên ở mức 280 triệu đồng/30 giây. Mức giá này đã giảm so với những năm trước đó chứ chưa nói đến những mức giá kỷ lục như đã nhắc ở trên.

Đến những tháng đầu năm 2019, tình hình cũng không khởi sắc mấy, thậm chí giá game show vẫn tiếp tục giảm. Hiện có một số game show gây chú ý trên VTV là Ký ức vui vẻ, Ban nhạc ViệtGiọng hát Việt. Các game show này đều có giá quảng cáo 180 triệu đồng cho 30 giây. Như vậy, không chỉ giảm so với các game show phát sóng năm ngoái, Ban nhạc Việt mùa 2 năm nay còn giảm giá quảng cáo so với với mùa 1. Mùa 1 chương trình này có giá quảng cáo là 200 triệu đồng/30 giây.

Như vậy, năm nay đã giảm 20 triệu đồng/block. Tương tự, Giọng hát Việt 2019 có giá quảng cáo là 180 triệu đồng/30 giây, trong khi năm ngoái là 220 triệu đồng/30 giây, tính ra giảm đến 40 triệu đồng/block.

Nhiều chuyên gia nhận định game show đã chính thức rơi vào giai đoạn bão hòa trên sóng truyền hình, không chỉ game show âm nhạc mà cả game show hài. Do vậy, việc giá quảng cáo giảm cũng là tất yếu.

Vì đâu nên nỗi?

Có lẽ, thời kỳ vàng son của game show Việt bắt đầu từ những năm 2011 cho đến 2016, khi những format nước ngoài bắt đầu được mua bản quyền để sản xuất tại Việt Nam. Từ Vietnam Idol cho tới Vietnam got Talent, từ The Voice cho tới X-Factor, từ Gương mặt thân quen đến Ơn giời, cậu đây rồi…

Mua bản quyền cho những chương trình này không hề rẻ nhưng các nhà sản xuất vẫn mạnh dạn vung tay bởi đơn giản nguồn thu sẽ còn lớn hơn rất nhiều. Thời cao điểm, có lúc giá quảng cáo lên tới gần nửa tỷ đồng cho 30 giây trong một game show. Nhà đài hể hả, nhà sản xuất càng vui mừng vì lợi nhuận khủng.

Miếng bánh ngày càng ngon ăn nên hàng loạt đơn vị nhảy vào cạnh tranh. Thị trường ngày càng nhộn nhịp, từ việc săn lùng, mua các format của nước ngoài đem về sản xuất cho tới việc tự xây dựng các format thuần Việt…

Song song đó, để đáp ứng số lượng game show ra đời ngày càng nhiều, các nhà đài quyết định tăng thời lượng khai thác khung giờ dành cho game show lên đến mức tối đa, từ việc chỉ phát sóng những ngày cuối tuần, tăng lên ngày nào trong tuần cũng có, thậm chí vào những ngày cuối tuần có thời điểm phát sóng cả hai chương trình.

Cùng với việc bùng nổ khung giờ phát sóng là việc bùng nổ số lượng game show ra đời. Hệ lụy có lẽ bắt đầu từ đây. Game show thay phiên nhau ra đời trong khi khán giả cũng chỉ chừng ấy nên thị phần ngày càng bị chia nhỏ. Chưa kể, quá nhiều game show trong khi tài năng không phải là cái mỏ vô tận nên ngày càng cạn kiệt nhân tố mới. Tương tự, nghệ sĩ nổi tiếng ngoảnh đi ngoảnh lại cũng chỉ từng ấy, vô hình trung hình ảnh bị khai thác đến nhàm chán trong cơn cuồng quay của game show.

Thị trường bị chia nhỏ ảnh hưởng đến doanh thu dẫn đến tình trạng “ăn xổi ở thì”. Hễ thấy có gì thu hút khán giả một chút là lập tức được khai thác đến ngán ngẩm. Sau khi ngán ngẩm với các chương trình thi hát lập tức chuyển qua hài, mệt mỏi với hài thấy bolero ngon ăn, hàng loạt chương trình liên quan đến bolero ra đời, bolero “xong đời” thì chuyển qua game hẹn hò… Rồi phiên bản của các game show người lớn, phiên bản game show trẻ em. Hết quay cuồng với các chương trình mua bản quyền nước ngoài, các đơn vị quay trở lại với các game show thuần Việt, nhưng khổ nỗi, các game show này tính sáng tạo gần như rất ít, thậm chí chẳng khác mấy các game show thời mới bắt đầu có mặt ở Việt Nam hơn chục năm trước.

Rõ ràng, đúng như quy luật “bạo phát bạo tàn”, sau thời gian phát triển mạnh mẽ, game show đã có những dấu hiệu đi vào sự suy tàn. Nhiều chương trình một thời rất ăn khách như Vietnam Idol, Vietnam got Talent, X-Factor… đã phải ngừng sản xuất. The Voice, The Face, Gương mặt thân quen, Ơn giời, cậu đây rồi… ngày càng nhạt nhẽo và có lẽ cũng khó trụ lâu thêm nữa. Thời vàng son game show Việt xem ra đã cáo chung.

Tin cùng chuyên mục