Gặp lại lão nông viết văn Ngô Phan Lưu

Nhà văn Ngô Phan Lưu (ảnh) được biết đến với biệt danh “lão nông viết văn”, từng đoạt giải nhất cuộc thi truyện ngắn Báo Văn Nghệ năm 2006-2007, tác giả những truyện ngắn và tản văn đặc sắc viết về làng quê giàu tính nhân văn và triết lý sâu xa.

Ông vừa trải qua cơn bạo bệnh tưởng chừng sẽ “biến mất” như cái buổi sáng của nhân vật Thuấn trong truyện ngắn “Buổi sáng biến mất” nổi tiếng của ông…

Mỗi lần có dịp về quê tôi hay tranh thủ gặp gỡ, thăm hỏi các nhà văn đi trước, trong đó có lão nông đa năng Ngô Phan Lưu. Dù đã nhiều năm chuyển đến sinh sống ở thành phố và có một thời gian ngắn theo con trai định cư ở nước ngoài nhưng phong thái Ngô Phan Lưu trước sau vẫn là nông dân, một nông-dân-trí-thức uyên thâm, phúc hậu và tài hoa được minh chứng bằng sự nghiệp văn chương muộn màng nhưng độc đáo và đáng nể của ông.

Gặp lại lão nông viết văn Ngô Phan Lưu ảnh 1
Vốn là người lạc quan và vô thường với mọi hỉ nộ ái ố của đời sống lẫn văn nghệ, nhưng trước bệnh tình biến chuyển khác thường, nhà văn Ngô Phan Lưu cũng tỏ ra khá lo lắng. Căn bệnh mà ông đang đối mặt là viêm phế quản mãn tính.

Sau một tuần vào bệnh viện cấp cứu và điều trị ở TPHCM, ông đã xuất viện trở về điều dưỡng ở thành phố Tuy Hòa. Khí hậu miền biển tốt hơn cho căn bệnh hô hấp của ông. Dù vậy, ông vẫn gặp tình trạng khó thở, phải thường xuyên nhờ máy oxy và người thân trợ giúp.

Nhà văn Ngô Phan Lưu sinh trưởng trên vựa lúa Tuy Hòa lớn nhất miền Trung. Giấy khai sinh ông đề năm 1946 nhưng thực chất là tuổi Thân, sinh năm 1943. Dòng họ Ngô của ông ở làng Phú Thuận có nhiều người học giỏi, đỗ đạt, trong đó có nhà cách mạng Ngô Thượng Ẩn, tức nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Ngô Sao Kim sau này. Ngô Phan Lưu từng học triết tại Đại học Văn khoa Sài Gòn, sau ngày đất nước thống nhất ông về quê nuôi bò, làm ruộng, chụp ảnh dạo, kinh doanh trượt patin và có lúc học nghề thuốc - dự định làm thầy lang nhưng bất thành.

Ngôi nhà của nhà văn Ngô Phan Lưu với nhà tôi cùng ở cạnh một con suối nhưng cách nhau gần 2 cây số và khác xã. Ông ở xã Hòa Mỹ Đông, còn tôi ở xã Hòa Đồng giáp ranh, thuộc huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên. Nhà ông gần phía đầu dòng suối bắt nguồn từ bầu Hương dưới chân núi Hương, có ngôi cổ tự Hương Tích. Đây là nơi phong cảnh đẹp hiếm có mà người xưa thường gọi chốn “sơn thủy hữu tình”.

Đặc biệt, chùa cổ Hương Tích cũng như tổ đình Long Tường gần đó đã để lại trong ký ức Ngô Phan Lưu nhiều kỷ niệm khó quên. Thời bao cấp khó khăn, ông tình nguyện dạy tiếng Anh miễn phí cho trẻ em tại chùa, nhưng rồi gặp phiền phức không đáng có vì cách nhìn thiển cận của một vài cá nhân.

Nhà văn Ngô Phan Lưu là một trong những cây bút đồng hương mà tôi cảm phục và tự hào. Ông lớn hơn tôi gần 25 tuổi, thuộc thế hệ cha chú, nhưng vì tình bạn văn chương tôi hay gọi ông bằng anh. Cuối thập niên 1980 đầu 90 khi tôi đi học ở Nha Trang, TPHCM và bước vào làng cầm bút thì ông còn mải mê chụp ảnh dạo, chăn bò, làm ruộng ở quê.

Có thể sáng tác sớm nhưng đến ngoài 50 tuổi Ngô Phan Lưu mới chính thức xuất hiện. Ông khởi nghiệp văn chương bằng thơ mà kết quả là tập thơ “Bếp lửa chiều Đông” được xuất bản năm 1997 nhờ tiền… bán bò. Thơ in ra chủ yếu tặng. Không thu lại được phí tổn. Bò mất mà thơ… mang. Và dù có một số bài, một số câu hay nhưng đây không phải là một tập thơ ấn tượng.

Kiến thức uyên thâm và sự từng trải giúp Ngô Phan Lưu tự phát hiện lại năng lực chính mình. Ông thừa biết đâu là sở đoản, sở trường. Và ông can đảm rời nàng thơ chuyển hẳn sang viết văn xuôi, để rồi nhanh chóng gặt hái thành công vang dội, trình làng các tập truyện ngắn và tản văn: “Người không giăng câu Kiều” (2004), “Cơm chiều” (2008), “Xoa tay và cười” (2009), “Con lươn chép miệng” (2010), “Tờ lịch gỡ mỗi ngày” (2012). Đặc biệt, ông được trao giải nhất cuộc thi truyện ngắn Báo Văn Nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2006-2007 với 2 truyện ngắn “Buổi sáng biến mất” và “Cơm chiều”.

“Tôi viết văn không phải để làm vừa lòng mọi người. Tôi chỉ viết trung thực những gì mình nghĩ, mình cảm, mình thương, mình ghét. Cũng như để giải tỏa lòng mình” nhà văn Ngô Phan Lưu tâm sự khi trò chuyện với tôi. Ông còn nói: “Nghề nào nghiệp nấy. Đường văn mỗi nhà văn mỗi khác, như thế mới gọi là nhà văn. Còn giống nhau cả, như xuất từ một lò… thì đấy là chòi văn. Dĩ nhiên, tôi phải khác những người khác. Khác đến nỗi, tôi phải tự tập mình chấp nhận mình nữa kìa”.

Do tuổi cao, bệnh tật và suy giảm bút lực nên vài năm nay nhà văn Ngô Phan Lưu hiếm khi xuất hiện trên văn đàn. Ông cũng lảng tránh chuyện văn chương khi tiếp xúc trò chuyện với bạn bè. Tuy nhiên, tôi biết dòng chảy văn chương vẫn luôn nóng trong huyết quản ông. Làm sao chữ nghĩa có thể rời xa một tài năng thiên phú, một trí giả thâm hậu, một nhân cách khiêm nhường, một tình yêu cháy bỏng với trang văn như ông.

Viết tới đây, trong tôi lại vang lên lời tự sự của nhà văn Ngô Phan Lưu: “Tôi là một nông dân được học hành tử tế, đã mê văn chương từ nhỏ, nhưng chưa coi văn chương như mục đích cuộc sống. Gần cuối đời, sức khỏe yếu dần, cầm cày không nổi nên chuyển sang cầm bút. Đã quen cày, nên không cày ruộng thì cày văn. Tránh nhàn cư vi bất thiện. Còn nhớ, thầy giáo hồi thơ ấu rất mừng khi biết học trò mình cày văn.

Thầy hỏi tôi: “Anh biết cày văn khác với cày ruộng chỗ nào không?”. Tôi do dự... Thầy cười, vỗ vai: “Có quái gì mà suy với nghĩ. Cày văn là cày vào chính mình. Còn cày bên ngoài mình, việc ấy là cày ruộng”. Tôi đã nghe lời thầy và gặt hái một số thành công về mặt truyện ngắn. Tôi không nhảy vào làng văn. Đấy là làng văn chấp nhận tôi. Thế nên, tôi cũng tự nhủ phải cố gắng, cố gắng hơn nữa… để không phụ lòng ưu ái của làng văn”.

Ngọn gió mạnh mẽ vẫn dọc ngang thổi trên quê hương chúng tôi. Ngọn gió Tuy Hòa, ngọn gió Phú Yên tràn đầy năng lượng. Sinh từ gió, nhà văn Ngô Phan Lưu cũng là một ngọn gió. Mới ở giữa tuổi thất thập, quỹ thời gian của ông vẫn còn nhiều. Tôi tin ông sẽ sớm vượt qua bệnh tình, phục hồi sức khỏe và bút lực, trở lại với trang văn “để không phụ lòng ưu ái của làng văn” như chính lời tâm huyết của ông!

Tin cùng chuyên mục