Giải thưởng Tôn Đức Thắng lần thứ XIV năm 2014: Sáng kiến từ tâm

Nhìn chiếc kềm ép thủy lực 12T dùng pin phải nằm trong kho vì hư mà không có linh kiện thay thế, trong khi việc thi công sửa chữa lưới điện rất cần chiếc kềm ép này, anh Trương Thái Sơn (Tổ phó Tổ quản lý lưới điện 1, Công ty Điện lực Chợ Lớn - Tổng Công ty Điện lực TPHCM) suy nghĩ mãi. Giá mỗi chiếc kềm khoảng 100 triệu đồng, có thể thay thế bằng linh kiện nào rẻ mà xài tốt? Và anh mày mò, tìm kiếm...
Giải thưởng Tôn Đức Thắng lần thứ XIV năm 2014: Sáng kiến từ tâm

Nhìn chiếc kềm ép thủy lực 12T dùng pin phải nằm trong kho vì hư mà không có linh kiện thay thế, trong khi việc thi công sửa chữa lưới điện rất cần chiếc kềm ép này, anh Trương Thái Sơn (Tổ phó Tổ quản lý lưới điện 1, Công ty Điện lực Chợ Lớn - Tổng Công ty Điện lực TPHCM) suy nghĩ mãi. Giá mỗi chiếc kềm khoảng 100 triệu đồng, có thể thay thế bằng linh kiện nào rẻ mà xài tốt? Và anh mày mò, tìm kiếm...

Anh Trương Thái Sơn sửa chữa cầu dao hạ thế.

Để ý thấy 3 nhông truyền động chuyển lực của kềm ép thủy lực 12T dùng pin có kết cấu bằng nhựa rất dễ gãy, anh Trương Thái Sơn gia công cải tiến lại với vật liệu làm bằng thép. Với mạch bảo vệ, sau một thời gian sử dụng, mạch dán của các IC so sánh bị hư nhưng không có cái mới để thay. Bao đêm nghiên cứu, anh Sơn tự hỏi: “Phải tạo lại mạch bảo vệ của kềm bằng chì ống cho đơn giản và sửa lại kết cấu của hệ thống công tắc cho phù hợp”. Anh làm thử, vậy mà thành công thật.

Cải tiến thêm vài chi tiết nữa, chiếc kềm ép tưởng chừng đã vô dụng lại trở nên hữu ích, thời gian sử dụng cũng lâu hơn nhiều so với trước đây. Với chiếc kềm ép thủy lực, thời gian các công nhân sửa chữa lưới điện chỉ còn khoảng 20 phút, thay vì mất đến cả tiếng đồng hồ nếu dùng kềm ép tay, “trả” điện sớm cho người dân.

Vào năm 2013, một số nắp đậy hầm cáp trung thế bằng gang trên đường Võ Văn Kiệt (đoạn khu vực quận 8) bị kẻ gian lấy trộm. Tấm đan bê tông mua tạm ở bên ngoài có hình vuông chứ không phải hình tròn như miệng hầm, thế nên khi đậy lên thì không vừa, tạo gờ cao trên mặt đường, dễ khiến cho người điều khiển phương tiện lưu thông té ngã, dẫn đến tai nạn giao thông. Còn nếu muốn có nắp đậy vừa vặn, cần phải nhập từ nước ngoài về, thời gian chờ lâu.

Trằn trọc suy nghĩ, anh Sơn nảy ra sáng kiến sử dụng sắt uốn tròn đúng theo đường kính nắp hầm, đan vĩ sắt hàn dính chắc chắn vào vành tròn rồi đổ bê tông vào. Những tấm đan tròn bằng bê tông khung sắt đậy vừa khít nắp hầm, vừa có thể thay thế nắp đậy đã mất vừa tạo sự an toàn cho người đi đường.

Đó chỉ là 2 trong số 14 sáng kiến cải tiến kỹ thuật của anh Trương Thái Sơn từ năm 2006 đến nay. Ra công trường làm việc, thấy điểm gì cần khắc phục, sửa chữa, anh Sơn liền ghi vào sổ tay để khi rảnh nghiên cứu. Những sáng kiến của anh tuy làm lợi cho Nhà nước số tiền không lớn (giảm chi phí mua sắm thiết bị, linh kiện khoảng 1,1 tỷ đồng) nhưng lại giúp lưới điện vận hành an toàn, tránh tai nạn lao động cho công nhân sửa điện, ngăn ngừa tai nạn điện trong nhân dân, thời gian sửa chữa lưới điện khi có sự cố nhanh hơn.

Chưa kể trong năm 2014 anh Sơn còn 3 sáng kiến đang chờ được duyệt. Miệt mài với nhiều sáng kiến là thế, vậy nhưng khi nhắc về mình, anh chỉ nói đơn giản: “Nếu để hết cái tâm vào thì công việc sẽ tốt thôi. Tôi chưa bao giờ nghĩ mình làm chuyện này chuyện kia là để được giải thưởng mà chỉ muốn góp sức mình bảo vệ an toàn cho anh em khi làm việc, bảo vệ lưới điện, hoàn thành nhiệm vụ ở mức tốt nhất. Tôi chỉ làm việc mình cần làm”.

ÁI CHÂN

Tin cùng chuyên mục