Kiểm định chất lượng giáo dục đại học - Vừa làm vừa học

Phải công khai
Kiểm định chất lượng giáo dục đại học - Vừa làm vừa học

Bộ GD-ĐT phải công khai kết quả của 40 trường đại học sau khi được tổ chức bên ngoài đánh giá, có chính sách rõ ràng về kinh phí cho hoạt động kiểm định, nên thành lập ngay tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục quốc gia… Đó là những vấn đề nóng được nhiều đại biểu của hơn 70 trường ĐH liên tục xới lên tại hội nghị sơ kết công tác kiểm định chất lượng giáo dục đại học được Bộ GD-ĐT tổ chức tại TPHCM ngày 30-11.

TS Đỗ Văn Xê, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ phát biểu tại hội nghị.

TS Đỗ Văn Xê, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ phát biểu tại hội nghị.

Phải công khai

Tính đến tháng 11-2010, có 100 trường ĐH hoàn thành báo cáo tự đánh giá chất lượng đào tạo. Trong đó, 40 trường ĐH đã thực hiện đánh giá ngoài và đã có báo cáo gửi về Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng Bộ GD-ĐT. Tuy nhiên, nhiều đại biểu quan tâm là tại sao danh sách 40 trường này vẫn chưa được công bố, cũng như những trường chưa thực hiện tự đánh giá vẫn không công khai rõ ràng.

Nổ phát pháo đầu tiên cho thắc mắc này là TS Đỗ Văn Xê, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ: Bộ GD-ĐT cũng nên giải thích rõ vì sao danh sách 40 trường ĐH đã được đánh giá ngoài nhưng chưa được công bố rộng rãi. Trong đó, Trường ĐH Cần Thơ là một trong 10 trường đầu tiên của cả nước đã nộp báo cáo về đánh giá chất lượng nhưng đến nay trường vẫn ngóng thông tin từ bộ.

* Tại hội nghị, Bộ GD-ĐT đặt ra mục tiêu đến năm 2015 có trên 90% số trường ĐH hoàn thành báo cáo tự đánh giá và đăng ký đánh giá ngoài, khuyến khích các trường ĐH đăng ký kiểm định chất lượng bởi các tổ chức quốc tế để hướng tới việc công nhận lẫn nhau về tín chỉ, chương trình, bằng cấp giữa các trường trong và ngoài nước. Đến năm 2020, 95% số trường và 600 chương trình đào tạo đại học triển khai đánh giá ngoài.

Tham gia công tác đánh giá chất lượng của Trường ĐH Đà Lạt ngay từ những ngày đầu tiên, ông Đào Trọng Phương, Trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng nhà trường, chia sẻ: Thành công của công tác đánh giá chính là xây dựng được văn hóa chất lượng trong nhà trường.

Tuy nhiên, vấn đề các trường băn khoăn hiện nay là cơ chế, chính sách của cấp quản lý chưa rõ ràng mà lại buộc các trường phải thực hiện hết mục tiêu này đến mục tiêu khác. Đã vậy, khi các trường thực hiện xong việc đánh giá ngoài và gửi về Bộ GD-ĐT thì bộ lại giữ kín... Như thế, vô hình trung, bộ đã đánh đồng giữa trường đã được đánh giá và trường chưa được đánh giá.

Ông Nguyễn Kiêm Hồng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM, nói: Đừng xem việc kiểm định là cái đích để so sánh với trường khác mà phải xem đó là thước đo để các trường tự nhìn lại chính mình. Do đó, Bộ GD-ĐT nên thẳng thắn công khai các trường đã được kiểm định, được đánh giá ngoài và cả những trường chưa thực hiện tự đánh giá cho xã hội cùng biết. Khi thực hiện công khai, các trường chưa thực hiện tự đánh giá sẽ nhận thức được việc phải xây dựng văn hóa chất lượng.

Giải đáp những kiến nghị của các trường, TS Phạm Xuân Thanh, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục Bộ GD-ĐT lý giải: Hiện nay, bộ đang hoàn thiện các hệ thống văn bản pháp lý để phân quyền, trách nhiệm rõ ràng cho các cấp. Sau khi có đầy đủ các văn bản, cục sẽ tiến hành công bố đầy đủ danh sách tất cả các trường đã đánh giá ngoài, tự đánh giá và chưa thực hiện đánh giá.

Không có nguồn chi

Cùng với với đề công khai, nhiều đại biểu cũng kiến nghị vấn đề kinh phí chi cho cán bộ hoạt động đánh giá chất lượng vì hiện nay đa phần cán bộ đều tự nguyện, không lương nên việc chưa toàn tâm toàn ý là chuyện bình thường.

TS Đỗ Văn Xê cho rằng: Bộ cứ tập huấn hết lần này đến lần khác mà các trường vẫn không chịu làm thì cũng chẳng có ích lợi gì. Lãnh đạo các trường phải xem đó là việc làm chung của toàn tập thể chứ không riêng một ngành, một khoa hay một cá nhân nào. Tiền là quan trọng nhưng lãnh đạo trường không nên nghĩ sẽ không thực hiện đánh giá vì thiếu tiền, thiếu người. Hơn nữa, người lãnh đạo phải hiểu được lợi ích của việc làm này và không chỉ nói bằng khẩu hiệu suông mà phải thể hiện bằng văn bản thì cấp dưới mới quyết tâm làm.

Về kinh phí cho công tác kiểm định chất lượng, TS Xê trăn trở: “Hiện nay các trường đang làm theo kiểu lấy túi này nhét túi kia, hoàn toàn chưa có cơ chế, văn bản hướng dẫn. Trong kinh phí gần 99 tỷ đồng cho công tác kiểm định chất lượng giáo dục ĐH-TCCN giai đoạn 2011-2020, có đến 84,56 tỷ đồng dành cho chi trả hoạt động đánh giá ngoài. Bộ GD-ĐT tính như thế, các trường lấy đâu ra tiền để làm? Đơn cử như Trường ĐH Cần Thơ, muốn chi 1 triệu đồng cho công tác kiểm định cũng bị hành lên hành xuống”.

Ông Nguyễn Khánh Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Đảm bảo chất lượng và Khảo thí Trường ĐH Cần Thơ đưa ra dẫn chứng rất cụ thể về vấn đề kinh phí cho công tác tự đánh giá, kiểm định. Trước đây, từ năm 2005-2008, dự án giáo dục Việt Nam - Hà Lan luôn tài trợ kinh phí cho công tác kiểm định. Nhưng từ khi chương trình kết thúc, mỗi năm trường chỉ cấp 150 triệu đồng cho trung tâm làm công tác này. Nguồn kinh phí này không đủ để hoạt động.

Chỉ tính riêng việc đánh giá chương trình đã mất 140 triệu đồng/năm. Phần lớn là từ sự đóng góp của giảng viên các khoa và cán bộ trung tâm. Một chương trình đánh giá phải mất đến 200.000 phiếu. Chỉ tính tiền in, photocopy cũng là quá lớn. Trường có đến 90 chương trình bậc ĐH, 28 chương trình bậc thạc sĩ, 8 chương trình bậc tiến sĩ. Giảng viên phải làm không công vì có cái lợi là hiểu hơn về sinh viên và từ đó giúp họ đổi mới phương pháp giảng dạy.

Cũng trong hoàn cảnh thiếu nguồn chi như đồng nghiệp, ông Đào Trọng Phương, Trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng Trường ĐH Đà Lạt, chia sẻ: Vấn đề tài chính là cực kỳ quan trọng và phải có mới thực hiện được công tác kiểm định chất lượng. Tôi tha thiết đề nghị Bộ GD-ĐT lắng nghe và ghi nhận ý kiến này để có cơ chế rõ ràng cho những người làm công tác kiểm định chất lượng.

* Thống kê của Bộ GD-ĐT cho thấy, đến tháng 11-2010 đã có 237 trường ĐH, CĐ và TCCN hoàn thành tự đánh giá. Trong đó, hệ ĐH có 100 trường (40 trường thực hiện đánh giá ngoài), hệ CĐ có 81 trường và TCCN là 56 trường. Nếu tính luôn các trường CĐ, chỉ có trên 45% số trường ĐH, CĐ hoàn thành tự đánh giá.

* Trả lời những kiến nghị của các trường, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục Bộ GD-ĐT, PGS-TS Bùi Anh Tuấn nhìn nhận: “Công tác kiểm định chất lượng giáo dục đối với nước ta còn khá mới mẻ và chúng ta đang trong giai đoạn vừa học vừa làm. Vì vậy, phải thông cảm và chia sẻ những khó khăn và những việc mà Bộ GD-ĐT chưa thực hiện được để cùng nhau làm tốt hơn”.

Về vấn đề kinh phí cho công tác kiểm định, TS Tuấn cho rằng: Hiện nay, chúng ta chưa có các văn bản hướng dẫn lẫn kinh phí chi cho công tác kiểm định. Trước đề xuất này, chúng tôi sẽ nhanh chóng kiến nghị Bộ GD-ĐT và Bộ Tài chính ra thông tư hướng dẫn các trường dễ dàng thực hiện.

* Theo TS Phạm Xuân Thanh, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục Bộ GD-ĐT, trong năm học 2011-2012 sẽ thành lập 3 tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục. Trong 2 năm 2011, 2012, mỗi năm sẽ đào tạo 350 chuyên gia đánh giá ngoài. Kinh phí dự kiến cho công tác này là gần 99 tỷ đồng.

Thanh Hùng

Tin cùng chuyên mục