Vẫn là bài toán khó!

Trong cuộc họp giao ban cán bộ công tác y tế trường học 24 quận/huyện mới đây do Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức, nhiều bất cập tuy không mới nhưng lại tiếp tục được các đại biểu đưa ra mổ xẻ. Nói như một vị có mặt tại khán phòng hôm đó: “Năm nào y tế trường học cũng có bấy nhiêu đó vấn đề, bàn đi bàn lại, đến hẹn lại đưa ra đề xuất, giải pháp nhưng làm thế nào khắc phục vẫn còn là bài toán chưa tìm ra lời giải”. Bằng chứng là hiện nay các trường vẫn gặp nhiều khó khăn trong công tác tổ chức y tế học đường, diện tích phòng y tế, trang thiết bị theo quy định không phải trường nào cũng làm được.

Căn cứ nội dung của bảng kiểm tra đánh giá công tác y tế trường học do liên Sở GD-ĐT và Sở Y tế thống nhất ban hành tháng 2-2012, áp dụng từ năm học 2011 - 2012 đến nay vẫn có nhiều tiêu chuẩn các trường chưa thể hoàn thành. Tập trung chủ yếu là các nội dung đánh giá về vệ sinh môi trường học tập, trong đó có các yêu cầu “Trường học đảm bảo có sân chơi, sân tập và cây xanh. Diện tích để trồng cây xanh đảm bảo từ 20% - 40%, diện tích để làm sân chơi, sân tập từ 40% - 50% so với tổng diện tích của nhà trường” (tiêu chuẩn 22) hoặc “Phòng y tế đảm bảo diện tích từ 12m² trở lên” (tiêu chuẩn 39), “Đảm bảo số lượng nhà tiêu, hố tiểu theo quy định bình quân từ 100 - 200 học sinh trong một ca học có 1 hố tiêu (nam riêng, nữ riêng)” (tiêu chuẩn 37) và “Diện tích lớp học tối thiểu 1 học sinh/m2” (tiêu chuẩn 64)…

Về sân tập và cây xanh, người viết bài đã nhiều lần chứng kiến hình ảnh hàng trăm học sinh trường tiểu học, THCS và THPT trên địa bàn TP xếp hàng rồng rắn đi bộ ra công viên hoặc một đơn vị trường bạn trên cùng địa bàn thuê sân tập vào các giờ tập thể dục. Rất nhiều trường sân chơi được trưng dụng làm bãi gởi xe, bàn ghế của căn tin. Vấn đề cây xanh cũng khiến nhiều hiệu trưởng đau đầu. Nguyên hiệu trưởng một trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn quận 11 cho biết, chi phí nuôi trồng, mua phân bón, thuê người cắt tỉa cây xanh không phải đơn vị nào cũng “co kéo” được. Điều này dẫn đến tình trạng tiết giảm tối đa mọi chi phí không thuộc về chuyên môn, bầu sữa ngân sách chủ yếu được dành chi cho các hoạt động bồi dưỡng giáo viên, đào tạo học sinh giỏi. Do đó không khó để nhận ra rằng rất nhiều trường mẫu giáo, tiểu học hiện nay khéo léo trang bị mảng xanh cho đơn vị mình bằng hoa giả hoặc những loài hoa dại rẻ tiền. Riêng về các quy định diện tích phòng y tế, số lượng nhà vệ sinh và diện tích lớp học bình quân trên đầu học sinh, không phải trường nào cũng hoàn thành được.

Đó là chưa kể theo quy định của ngành giáo dục, “nhân viên làm công tác y tế trường học có trình độ từ trung cấp y trở lên và thuộc biên chế chính thức của nhà trường” (tiêu chuẩn 54 của bảng kiểm tra đánh giá). Tuy nhiên trên thực tế, vẫn còn không ít trường hợp nhân viên y tế chỉ ký hợp đồng thời vụ với các trường hoặc kiêm nhiệm thêm nhiều công việc khác nhằm kiếm thêm thu nhập. Một vị trong Ban giám hiệu Trường Tiểu học Bình Hòa (quận Bình Thạnh) chia sẻ, thu nhập theo quy định hiện nay của nhân viên y tế trường học quá thấp khiến nhân viên này thường xuyên nhảy việc, nhà trường gặp khó khăn trong vấn đề tìm người mới. Do đó, quy định về mặt lý thuyết là vậy song trên thực tế các trường phải linh động tìm thêm nguồn thu nhằm chi trả lương cho lực lượng này, làm thế nào để giữ chân họ bám trụ lâu với nghề luôn là bài toán khó.

Qua đó cho thấy mặc dù ngành giáo dục đã có nhiều cố gắng, bản thân các trường cũng từng bước nâng cao chất lượng công tác tổ chức y tế trường học, song thực tế vẫn còn nhiều khó khăn. Hàng loạt bất cập như thiếu kinh phí, diện tích quỹ đất có hạn, không có chính sách thu hút người tài đã, đang và sẽ là bài toán khó đặt ra cho những nhà quản lý.

THANH THU

Tin cùng chuyên mục