Gỡ khó cho kinh tế tư nhân

Diễn đàn dành thời lượng lớn cho các cuộc đối thoại công – tư trong các phiên và đặc biệt dành không gian cho khu vực tư nhân hiến kế, đề xuất giải pháp phát triển kinh tế. Lãnh đạo các bộ, ngành liên quan sẽ tham gia đối thoại, giải đáp xung quanh các phản ánh, kiến nghị của doanh nhân tư nhân cũng như lắng nghe các hiến kế, giải pháp của khu vực tư nhân đóng góp cho các bài toán lớn của nền kinh tế.

Quang cảnh buổi họp báo
Quang cảnh buổi họp báo

Tại cuộc họp báo sáng ngày 5-4, đồng chí Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, ngày 2 và 3-5 tới, Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương đồng chủ trì và chỉ đạo tổ chức Diễn đàn Kinh tế tư nhân (KTTN) năm 2019 với chủ đề “Phát triển KTTN Việt Nam trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa theo Nghị quyết 10-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 5 khóa XII và Nghị quyết 98-NQ/CP của Chính phủ”.

Diễn đàn được tổ chức nhằm hướng tới 3 mục tiêu lớn:

Một là đánh giá quá trình tổ chức thực hiện, những kết quả đạt được, hạn chế, yếu kém, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm sau gần 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW và Nghị quyết 98-NQ/CP (về chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW).

Hai là quảng bá về các thành tựu phát triển và những đóng góp của KTTN Việt Nam, góp phần nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của KTTN trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ba là tạo cơ hội cho các cơ quan, tổ chức và doanh nhân tư nhân trong cả nước được đề xuất, kiến nghị với Đảng, Quốc hội, Chính phủ về hoàn thiện các cơ chế, chính sách để KTTN phát triển hơn.

Đồng thời, diễn đàn cũng là dịp để các doanh nhân tư nhân kết nối, chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình sản xuất - kinh doanh.

Cũng theo đồng chí Nguyễn Hữu Nghĩa, Diễn đàn KTTN 2019 bao gồm 1 phiên toàn thể và 6 hội thảo chuyên đề, 1 tọa đàm, 1 triển lãm về thành tựu phát triển của các doanh nghiệp tư nhân tiêu biểu.

Mỗi phiên hội thảo thu hút sự có mặt của 250 – 300 đại biểu bao gồm: đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành trung ương, địa phương, các tổ chức quốc tế; đại diện các doanh nghiệp của tư nhân trong cả nước; các tập đoàn, tổng công ty và doanh nghiệp nước ngoài; các hiệp hội, trường đại học, viện nghiên cứu…

Ngoài ra, diễn đàn dành thời lượng lớn cho các cuộc đối thoại công – tư trong các phiên và đặc biệt dành không gian cho khu vực tư nhân hiến kế, đề xuất giải pháp phát triển kinh tế. Lãnh đạo các bộ, ngành liên quan sẽ tham gia đối thoại, giải đáp xung quanh các phản ánh, kiến nghị của doanh nhân tư nhân cũng như lắng nghe các hiến kế, giải pháp của khu vực tư nhân đóng góp cho các bài toán lớn của nền kinh tế.

Phiên toàn thể của diễn đàn diễn ra vào buổi chiều ngày 2-5 do đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; đại diện lãnh đạo Quốc hội đồng chủ trì và có sự tham dự của gần 2.500 đại biểu trong nước và quốc tế.

Trước thềm diễn đàn, ban tổ chức sẽ triển khai thu thập, lấy ý kiến của khoảng 500 doanh nghiệp tư nhân tiêu biểu trong cả nước kết hợp với báo cáo của các bộ, ngành và báo cáo chuyên đề sau các kỳ diễn đàn đối thoại công - tư do Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng (Ban IV) tổ chức nhằm xây dựng báo cáo về phát triển KTTN Việt Nam sau 2 năm thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TW.

Trên cơ sở báo cáo do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, tổng hợp, ban tổ chức sẽ tổng hợp thành các nhóm vấn đề lớn để chuyển các bộ, ngành xem xét, có ý kiến trả lời. Một số nội dung quan trọng sẽ được Ban Kinh tế Trung ương tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ để sau đó Thủ tướng Chính phủ có thể chỉ đạo giải quyết ngay tại diễn đàn.

7 phiên hội thảo chuyên đề/tọa đàm của diễn đàn sẽ diễn ra vào buổi sáng ngày 2-5.

Hội thảo chuyên đề 1 là “Thu hút có chọn lọc các phân đoạn thị trường khách du lịch có khả năng chi trả cao và lưu trú dài ngày tới Việt Nam”.

Hội thảo chuyên đề 2 về “Hoàn thiện thể chế và các điều kiện nền tảng để phát triển kinh tế số tại Việt Nam”.

Hội thảo chuyên đề 3 về “Chủ động và khai thác có hiệu quả CPTPP để phát triển bứt phá”.

Hội thảo chuyên đề 4 là “Khơi thông dòng vốn trung - dài hạn cho phát triển kinh tế - xã hội”.

Hội thảo chuyên đề 5 là “Tạo lập và phát triển bền vững các chuỗi giá trị nông, lâm, thủy sản hội nhập quốc tế”.

Hội thảo chuyên đề 6 là “Các mô hình kinh doanh mới và khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam: Nút thắt và các khuyến nghị”.

Toạ đàm: “Nữ doanh nhân và khát vọng “vì một Việt Nam hùng cường”.

Trong ngày 3-5 sẽ diễn ra hoạt động kết nối kinh doanh, kết nối đầu tư cho các doanh nghiệp tư nhân và các doanh nghiệp tham gia sự kiện.

Tin cùng chuyên mục