Hạ tầng cảng hàng không tiếp tục quá tải

Theo Cục Hàng không Việt Nam, đến nay, tổng công suất thiết kế của 21 cảng hàng không thuộc Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) đạt khoảng 96,05 triệu khách/năm, trong khi lượng hành khách thông qua năm 2018 đã đạt 103,5 triệu hành khách. 
Mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất là nhu cầu rất cấp bách. Ảnh: CAO THĂNG
Mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất là nhu cầu rất cấp bách. Ảnh: CAO THĂNG

Dự kiến năm 2019, lượng hành khách thông qua các cảng này sẽ vượt 112 triệu hành khách. Không kể Cảng Hàng không quốc tế Vân Đồn mới đi vào hoạt động (chưa có nhiều khách), nhìn về tổng thể, nhu cầu vận tải bằng đường hàng không đang vượt tổng công suất tiếp nhận của hệ thống sân bay.

Tăng gấp đôi vẫn chưa đủ

“Nên ra sân bay sớm” là khuyến cáo của nhiều hãng hàng không với khách hàng trong những dịp lễ, tết ở sân bay Tân Sơn Nhất. Quá tải cả bên trong lẫn khu vực ngoài sân bay là nguyên nhân chính buộc các hãng hàng không phải thông báo như vậy. Hiện UBND TPHCM, Bộ GTVT và các bộ ngành liên quan đã vào cuộc để giải quyết vấn đề này cho sân bay Tân Sơn Nhất, nhưng kết quả chưa như kỳ vọng. Giao thông ngoài khu vực sân bay tuy có cải thiện nhưng vẫn ùn ứ cục bộ. Còn trong sân bay, việc đầu tư xây dựng nhà ga hành khách T3 vẫn chưa tìm được nhà đầu tư. Trong khi đó, việc xây dựng nhà ga này với công suất thiết kế đón 20 triệu khách/năm, được kỳ vọng sẽ là chìa khóa quan trọng để giải quyết tình trạng quá tải cho sân bay Tân Sơn Nhất và đáp ứng nhu cầu phát triển của sân bay theo quy hoạch phát triển ngành hàng không đã được Thủ tướng phê duyệt.

Tuy nhiên, sự quá tải ở sân bay Tân Sơn Nhất đã khiến cho ngành chức năng không thể cấp thêm “slot” (suất) bay cho các hãng hàng không quốc tế và hãng hàng không trong nước cũng gặp khó khi muốn tăng thêm chuyến bay, đường bay mới. Và không chỉ có sân bay Tân Sơn Nhất, tình trạng quá tải đang lan rộng ra nhiều sân bay như Cam Ranh, Đà Nẵng… Sân bay Đà Nẵng có công suất thiết kế 10 triệu hành khách/năm, nhưng năm 2018 đã đón 13,2 triệu hành khách. Sân bay Cam Ranh có công suất 6,5 triệu hành khách/năm và năm 2018 đã thông qua hơn 8,2 triệu hành khách. Một số sân bay khác đã khai thác đạt hoặc xấp xỉ ngưỡng công suất thiết kế như sân bay Thọ Xuân, Cát Bi, Vinh, Phù Cát, Tuy Hòa...

Trong khi đó, ACV cho biết từ năm 2012 tới nay, nhiều sân bay đã được nâng cấp, tăng công suất đón, đưa khách. Nếu như tổng công suất thiết kế toàn hệ thống sân bay thuộc ACV năm 2012 mới chỉ đạt 50,1 triệu khách/năm thì đến năm 2018 đã đạt 96,05 triệu hành khách/năm. Như vậy, chỉ 6 năm qua, tổng công suất thiết kế toàn hệ thống đã tăng gần gấp đôi. Sân bay Tân Sơn Nhất tăng từ 18 triệu khách/năm lên 28 triệu khách/năm; sân bay Nội Bài từ 6 triệu khách/năm, nâng lên 25 triệu khách/năm; sân bay Đà Nẵng từ 6 triệu khách/năm, lên 10 triệu khách/năm; sân bay Cam Ranh từ 2,5 triệu khách/năm, lên 6,5 triệu khách/năm…

Những việc phải làm ngay

Hiện nay, Việt Nam có 5 hãng hàng không đang khai thác thương mại (không tính hãng hàng không Hải Âu - bay dịch vụ), gồm: Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar, Vasco và mới nhất là Bamboo Airways. Bên cạnh đó còn một số pháp nhân khác đã đăng ký doanh nghiệp và đang thực hiện các thủ tục để được cấp phép khai thác, gồm: Công ty CP Hàng không Thiên Minh, Vietstar, Vietravel Airlines và mới nhất là Vinpearl Air. Điều này khiến thị trường hàng không Việt Nam càng trở nên nhộn nhịp và chính vì vậy, giải quyết tình trạng quá tải ở các sân bay càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Theo nhiều chuyên gia hàng không, công việc đầu tiên là phải tháo nút thắt quá tải cho sân bay Tân Sơn Nhất bằng việc cấp thiết xây dựng nhà ga hành khách T3. Với tầm quan trọng của nhà ga này, phải chọn cho được nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm, am hiểu lĩnh vực hàng không, có kinh nghiệm trong công tác quản lý, điều hành, khai thác nhà ga hàng không... nhằm đảm bảo hiệu quả đầu tư và hiệu quả khai thác nhà ga T3.

Bên cạnh việc xây dựng nhà ga T3 thuộc sân bay Tân Sơn Nhất, thì việc đẩy nhanh tiến độ dự án xây dựng sân bay Long Thành cũng là một trong những nhu cầu bức thiết hiện nay. Bởi lẽ, nếu tiến độ xây dựng sân bay Long Thành chậm trễ, không hoàn thành trước năm 2025, thì áp lực vẫn đổ dồn về sân bay Tân Sơn Nhất. Và TPHCM cũng sẽ “thêm gánh nặng” giải quyết tình trạng quá tải giao thông xung quanh khu vực sân bay. Hiện nay, dự án xây dựng sân bay Long Thành đã hoàn thành công tác khảo sát và lập báo cáo nghiên cứu khả thi. Dự án đang được báo cáo Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và dự kiến trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp tháng 10-2019.

Cùng với các dự án đầu tư xây dựng sân bay, một việc không thể thiếu là đầu tư trang thiết bị, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ công tác đảm bảo an ninh, an toàn tại các cảng hàng không. Theo Cục Hàng không Việt Nam, việc này, thời gian qua các sân bay Việt Nam làm khá tốt. Tuy nhiên, với những diễn biến phức tạp, sắp tới các sân bay sẽ phải đầu tư thêm nữa để đảm bảo tuyệt đối an ninh, an toàn hàng không, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị của đất nước.

Hiện có nhiều ý kiến về việc chọn nhà đầu tư xây dựng nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất, nhưng theo Bộ GTVT, để thực hiện có hiệu quả công tác xã hội hóa đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không, cần thiết phải có các nguyên tắc chủ yếu sau: đảm bảo quyền lợi, lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp; đảm bảo vai trò kiểm soát của Nhà nước tại các sân bay quan trọng đối với thị trường vận chuyển hàng không; đảm bảo an toàn, an ninh đối với các hoạt động hàng không dân dụng. Do đó, Bộ GTVT đề xuất ACV, có 95,4% vốn Nhà nước, là nhà đầu tư.

Tin cùng chuyên mục