Hàng gian, hàng giả ngày càng tinh vi, phức tạp​

Nhiều vụ sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm và thực phẩm chức năng như của Công ty TS, vụ kinh doanh lụa tơ tằm của Công ty tập đoàn Khải Silk... cho thấy, việc sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) là rất đáng báo động.

Ngày 19-10, tại TPHCM, gần 200 đại biểu đến từ cơ quan quản lý, doanh nghiệp (DN) đã tham dự hội thảo “Thực trạng hàng giả, hàng nhái tại Việt Nam – Nguy cơ, thách thức và giải pháp” do Tổng cục Quản lý thị trường tổ chức.

Theo nhận định của ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng Cục quản lý thị trường (QLTT), thời gian gần đây nhiều vụ việc có quy mô lớn, tính chất nghiêm trọng đã bị điều tra, phát hiện xử lý, các vụ việc này chủ yếu liên quan đến hàng hóa có nguồn gốc nước ngoài thẩm lậu vào thị trường nội địa tiêu thụ. Điển hình như vụ sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm và thực phẩm chức năng của Công ty TS, vụ kinh doanh lụa tơ tằm của Công ty tập đoàn Khải Silk... Qua đó cho thấy,  việc sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) là rất đáng báo động.
Hàng gian, hàng giả ngày càng tinh vi, phức tạp​ ảnh 1 Quang cảnh hội thảo. Ảnh: THÚY HẢI

Thực trạng này gây bức xúc trong dư luận xã hội, tác động tiêu cực tới đời sống người dân; môi sinh - môi trường; sản xuất, kinh doanh của DN và môi trường đầu tư.

Mặt hàng thường được làm giả, xâm phạm quyền SHTT nổi cộm bao gồm: Thực phẩm, thực phẩm chức năng, dược phẩm, mỹ phẩm, vật tư nông nghiệp, vật liệu xây dựng, điện tử....

Các đối tượng vi phạm có sự phân công chặt chẽ, hình thành các đầu mối chuyên cung cấp nguyên vật liệu, linh kiện, đầu mối chuyên cung cấp các loại bao bì, tem, nhãn giả; hàng giả được sản xuất dưới dạng gia công sản phẩm chưa hoàn chỉnh (bán sản phẩm) ở một nơi, sau đó đặt gia công ở một nơi khác để lắp ráp, đóng gói thành phẩm.

Sau khi có đơn đặt hàng mới được gắn nhãn mác giả mạo nhãn hiệu, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa và giao liền cho khách hàng đặt mua. Sản xuất đến đâu tiêu thụ đến đó, không cất trữ chờ tiêu thụ. Tình trạng kinh doanh hàng giả, xâm phạm quyền SHTT trên môi trường thương mại điện tử ngày càng phổ biến và diễn biến phức tạp.

Để minh họa một trường hợp hàng giả được sản xuất tinh vi, ông Trần Hữu Linh đưa ra một hộp thuốc viên được sản xuất ở nước ngoài, nhưng một người bạn làm bác sĩ của ông khẳng định "loại thuốc này chỉ có dạng nước chứ không có loại viên nang".

Nguy hiểm hơn, theo ông Linh, nếu không phát hiện kịp thời, có thể người quen của ông sẽ tiếp tục uống các viên thuốc giả mạo và không biết chuyện gì sẽ xảy ra.

“Những mặt hàng tiêu dùng làm giả thì chất lượng không tốt, không bền, ít nguy hiểm đến tính mạng nhưng với thuốc chữa bệnh mà cũng bị làm giả là vô cùng nguy hiểm, rất khó chấp nhận!”, ông Trần Hữu Linh nói.

Trên thực tế, số vụ việc bị phát hiện và xử lý không giảm nhưng công tác phòng chống hàng giả, xâm phạm quyền SHTT chưa đáp ứng được yêu cầu. Đặc biệt là chưa đáp ứng được mong muốn của các nhà sản xuất, kinh doanh hợp pháp và người tiêu dùng.

Kết quả xử lý chưa phản ánh hết thực tế vi phạm trên thị trường, công tác đấu tranh chống sản xuất, buôn bán hàng giả và hàng xâm phạm quyền SHTT vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế và khó khăn.

PGS-TS Đàm Thanh Thế, Ủy viên Ban chỉ đạo 389 Quốc gia cho rằng, sở dĩ tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng gian, hàng giả không giảm là do lợi nhuận từ việc sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm SHTT cao. Trong khi công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng, DN trong công tác tuyên truyền về tác hại cũng như các cách thức nhận biết hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT, kiểm tra, xử lý chưa thực sự hiệu quả; chưa phát động được phong trào toàn dân đấu tranh, bài trừ với các loại hàng hóa này.

Hàng gian, hàng giả ngày càng tinh vi, phức tạp​ ảnh 2 PGS-TS Đàm Thanh Thế, Ủy viên Ban chỉ đạo 389 Quốc gia phát biểu tại hội thảo. Ảnh: THÚY HẢI
Mặt khác, nhận thức của một bộ phận người tiêu dùng còn thấp, thiếu hiểu biết pháp luật trong kinh doanh thương mại; thiếu kiến thức, thông tin về phân biệt hàng thật, hàng giả. Một số người tiêu dùng mặc dù biết là hàng giả nhưng do giá rẻ và phù hợp về tài chính vẫn chấp nhận mua và sử dụng.

Ở góc độ DN, chủ thể quyền bị xâm phạm chưa nhận thức đầy đủ trách nhiệm của mình với cộng đồng, với sản phẩm của mình đang lưu thông trên thị trường, chưa tích cực hợp tác với lực lượng chức năng.

Bên cạnh đó, do hạn chế về nguồn lực nên các DN vừa và nhỏ gặp nhiều thách thức, khó khăn trong công tác phòng chống hàng giả, xâm phạm quyền SHTT.

Để hạn chế được tình trạng vi phạm về hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT, ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng cục QLTT cho biết, Tổng cục sẽ chỉ đạo lực lượng QLTT tăng cường các giải pháp giám sát thị trường, chủ động thu thập thông tin, đánh giá thị trường để xây dựng phương án đấu tranh chuyên đề.

Các Cục QLTT địa phương cần tập trung nguồn lực, chủ động phối hợp để triển khai các chuyên đề trọng điểm, nổi cộm nhằm tạo được hiệu ứng tích cực trên thị trường (nhất là đối với các mặt hàng thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm, mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, vật tư nông nghiệp, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất).

Phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan, báo chí, hiệp hội, DN đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật tới các hộ kinh doanh, DN và người dân nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về công tác đấu tranh phòng chống hàng giả, xâm phạm quyền SHTT. Tăng cường hợp tác với các hiệp hội ngành nghề, các DN sản xuất kinh doanh trong công tác kiểm tra, xử lý về hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Tăng cường phối hợp giữa các lực lượng thực thi, giữa các địa phương trong việc trao đổi thông tin, trao đổi nghiệp vụ và kiểm tra, kiểm soát xử lý vi phạm về hàng giả, xâm phạm quyền SHTT.

Hàng gian, hàng giả ngày càng tinh vi, phức tạp​ ảnh 3 Một cửa hàng của Khaisilk ở quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), nơi người mua phát hiện khăn lụa được bán có cả nhãn mác "made in China" lẫn với nhãn "made in Vietnam", sự việc gây xôn xao dư luận vào thời điểm cuối năm 2017.
Theo đó, Tổng cục sẽ kiến nghị sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách, hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ cấu, tổ chức, cơ chế thực thi… để đảm bảo công tác chỉ đạo, điều phối thực thi đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại hiệu quả hơn trong tình hình mới; cải thiện các nguồn lực phục vụ trong công tác chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị, đặc biệt là các trang bị chuyên dụng…). Chú trọng công tác đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, kiến thức pháp lý cho cán bộ, công chức thực thi, đặc biệt là các công chức tại các địa phương.

Tăng cường trách nhiệm quản lý địa bàn - lĩnh vực, phòng chống tiêu cực, lành mạnh hóa đội ngũ công chức thực thi, bao gồm trách nhiệm của lãnh đạo, đội trưởng, các đơn vị xây dựng tiêu chí cụ thể và giao trách nhiệm lãnh đạo, trách nhiệm quản lý địa bàn cụ thể tới từng cấp. Cần có biện pháp xử lý nghiêm các trường hợp lãnh đạo, cán bộ, công chức để xảy nạn hàng giả tại địa bàn quản lý mà có dấu hiệu thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, bao che, tiêu cực, thực thi thiếu hiệu quả, bị dư luận phản ánh nhiều. Tăng cường công tác luân chuyển, chuyển đổi vị trí đối công chức, cán bộ quản lý địa bàn để phòng ngừa tiêu cực, buông lỏng quản lý, bảo kê vi phạm; Tăng cường công tác thanh tra, giám sát phòng chống tiêu cực, tham nhũng tại các đơn vị quản lý thị trường.

Kết quả trong năm 2017 và 9 tháng năm 2018 lực lượng QLTT tiến hành kiểm tra phát hiện 34.733 vụ vi phạm; xử phạt vi phạm hành chính trên 121,3 tỷ đồng; trị giá hàng vi phạm trên 907 tỷ đồng. Trong đó, hàng hóa giả về chất lượng, công dụng là 458 vụ; Hàng hóa giả mạo chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu, bao bì 6.154 vụ; Tem, nhãn, bao bì hàng hoá giả 690 vụ; Vi phạm về nhãn hàng hoá 26.367 vụ

Trong 9 tháng năm 2018 lực lượng QLTT Hà Nội và TPHCM đã chuyển hồ sơ cho cơ quan công an điều tra, xử lý 11 vụ sản xuất, kinh doanh hàng giả.

Tin cùng chuyên mục