Hậu bão - nhiều nỗi lo về rừng

Rừng phi lao phòng hộ ven cửa biển ở xã Thịnh Lộc (huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh) có nhiệm vụ chắn gió, chắn bão, chắn cát bay và bảo vệ hàng ngàn hộ dân trên địa bàn. 
Thế nhưng, cơn bão số 10 vừa qua đã khiến nhiều diện tích rừng bị bật gốc, gãy đổ và chết khô hàng loạt. Trong khi đó, tại nhiều rừng sản xuất khác ở Hà Tĩnh lại đang đối mặt với nguy cơ cháy rất cao.
Hậu bão - nhiều nỗi lo về rừng ảnh 1 Rừng phi lao phòng hộ ven biển ở xã Thịnh Lộc, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh bị bão đánh gãy đổ, chết khô hàng loạt
Xót xa rừng phòng hộ
Những ngày cuối tháng 9, có mặt tại xã Thịnh Lộc, chúng tôi chứng kiến khu vực dọc bãi biển, hàng ngàn cây phi lao với đủ loại kích thước, độ tuổi, chạy dài nhiều kilômét đã bị bão số 10 đánh tan hoang, xác xơ. Chỉ tay về cánh rừng phi lao đang khô héo, ông Nguyễn Quang Sơn (64 tuổi, ở thôn Yên Định, xã Thịnh Lộc) cho biết: Số lượng cây phi lao bị bão đánh bật gốc, gãy đổ dẫn đến chết khô đếm không xuể. Trong đó, cây ít tuổi nhất cũng trồng cách đây 3-4 năm, nhiều là hàng chục năm tuổi.
“Rừng phi lao phòng hộ này chẳng khác nào “tấm bùa hộ mệnh” giúp che chắn gió, chắn cát bay, chắn bão, bảo vệ tuyến kè, bảo vệ dân làng, ruộng đồng và phục vụ nguồn chất đốt. Nhưng gặp cơn bão quá mạnh khiến nó bị gãy đổ chết hàng loạt, có nguy cơ bị xóa sổ. Người dân ở đây ai cũng cảm thấy xót xa”, ông Sơn nói.
Ông Nguyễn Công Trình, Chủ tịch UBND xã Thịnh Lộc, cho biết: Rừng phi lao phòng hộ này nằm ở ngoài tuyến kè biển, diện tích khoảng 23ha, chiều dài khoảng 8km, rộng hơn 50m. Lâu nay, rừng đóng vai trò rất quan trọng trong phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu, bảo vệ cuộc sống cho dân làng. Nhưng với thực trạng đang diễn ra, không biết thời gian tới người dân sẽ hứng chịu những hậu quả gì do thiên tai gây ra nữa. Trước mắt, đối với số cây bị chết không thể phục hồi thì tiến hành dọn dẹp, cắt bỏ để thanh lý, còn cây nào có khả năng phục hồi sẽ tiếp tục dựng lại, nhưng số này rất ít. Đồng thời, xã cũng đang tập trung khảo sát, lập danh sách thiệt hại để đề nghị lên huyện và tỉnh, cùng cơ quan chức năng xem xét hỗ trợ kinh phí để trồng lại rừng phi lao này.
Lo nguy cơ cháy rừng
Bão số 10 cũng khiến hàng ngàn cây gỗ các loại ở các cánh rừng sản xuất trên địa bàn Hà Tĩnh bị gãy đổ, tạo thành một lớp thực bì bao phủ lên hầu hết diện tích đất rừng. Mặt khác, những ngày sau bão, ở Hà Tĩnh nắng nóng kéo dài, tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng trên diện rộng. Ông Nguyễn Minh Đức, cán bộ Cảng vụ Hàng hải Hà Tĩnh (trụ sở đóng tại cảng Vũng Áng, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) nhận định, hiện người dân đang lo tập trung khôi phục nhà cửa; chính quyền, cơ quan chức năng cũng lo khắc phục hậu quả bão nên nguy cơ xảy ra cháy rừng ở khu vực này là rất cao. 
Bà Chu Thị Hoa (50 tuổi, ở thị xã Kỳ Anh), chỉ tay lên phía những dãy núi có cây keo tràm bị gãy đổ quanh khu vực cảng Vũng Áng, cho biết: Ở đây có nhiều cơ quan, doanh nghiệp, nhà hàng và người dân, phương tiện qua lại, nhưng sau bão, người dân chẳng mấy mặn mà việc tận thu cây cối bị gãy đổ. Một phần do cây gãy đổ khắp nơi, khó khai thác; cây lại bị khô rất khó bóc vỏ, nếu cắt, bóc được cũng giảm hẳn khối lượng; thuê nhân công cắt bóc và vận chuyển tốn nhiều chi phí, giá bán cây cũng không cao như trước… Với trời nắng nóng như hiện tại, nếu không thu gom kịp thời, chỉ cần một đốm lửa nhỏ là tất cả có thể cháy thành tro than.
Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, ông Hoàng Quốc Huấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hà Tĩnh, cho biết: Bão số 10 đã khiến hơn 41.341ha diện tích rừng các loại ở Hà Tĩnh bị ảnh hưởng, hư hỏng, đổ gãy, trong đó có hàng chục ngàn hécta rừng sản xuất, tập trung chủ yếu ở thị xã Kỳ Anh, huyện Kỳ Anh, huyện Cẩm Xuyên…
“Trước tình hình này, UBND các huyện, thị xã đã tập trung tuyên truyền, chỉ đạo người dân thu gom kịp thời các cây đổ gãy; triển khai giám sát chặt chẽ việc khai thác và kiểm soát việc xử lý thực bì của người dân sau khi thu gom cây; không để người dân được phép tự ý xử lý bằng lửa. Đối với các chủ rừng, có hộ dân giao nhận khoán cũng phải tổ chức lực lượng hướng dẫn thu gom theo đúng quy định và triển khai giám sát chặt chẽ. Cơ quan kiểm lâm tham mưu cho UBND huyện, thị xã xác định các vùng trọng điểm dễ cháy để có chỉ đạo hướng dẫn, kiểm tra giám sát. Ngoài ra, chủ động sẵn sàng “4 tại chỗ”: Lực lượng, phương tiện, hậu cần, chỉ huy”, ông Huấn nói. 

Tin cùng chuyên mục