Học nghề - cứu cánh của người nghèo

Ngán ngại học nghề vì sợ mất thu nhập trong ngày, đã dẫn người nghèo đến vòng lẩn quẩn: không tìm được việc làm ổn định (vì không có tay nghề), thu nhập vẫn bấp bênh và không thể thoát nghèo...
“TPHCM xác định đào tạo nghề, giải quyết việc làm là nhiệm vụ trọng tâm và căn cơ nhất giúp người nghèo thoát nghèo”, Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM Nguyễn Văn Lâm khẳng định vào sáng 5-6.
Còn tâm lý “mì ăn liền”
Thông điệp trên được khẳng định trong hội nghị chuyên đề bàn giải pháp nâng cao hiệu quả đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn TP, do Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM tổ chức.
Đầu năm 2016 - khi TP bước vào thực hiện Chương trình giảm nghèo đa chiều, toàn TP có hơn 67.000 hộ nghèo và trên 48.000 hộ cận nghèo. Trong đó, hơn 20.700 hộ (chiếm hơn 35% tổng hộ nghèo, cận nghèo) thiếu hụt về trình độ nghề và hơn 2% số hộ thiếu hụt về việc làm.
Vấn đề được đưa ra mổ xẻ nhiều là tỷ lệ nghèo về nghề nghiệp còn cao và nhận thức của người nghèo, hộ nghèo về học nghề còn yếu. Nhiều người nghèo còn tâm lý “mì ăn liền” trong học nghề, việc làm. 
Học nghề - cứu cánh của người nghèo ảnh 1 Con em hộ nghèo, cận nghèo học nghề miễn phí tại Trường Nghiệp vụ nhà hàng TPHCM. Khi học xong, tất cả đều có việc làm ổn định
Ông Nguyễn Văn Lâm dẫn chứng sự việc chính mình trải qua. Một quận qua rà soát, tổng hợp có 36 thanh niên, trung niên trong diện nghèo, cận nghèo chưa có việc làm ổn định, cần được học nghề, giới thiệu việc làm.
Ông Lâm cùng một số cơ sở dạy nghề và doanh nghiệp trực tiếp ghé quận, gửi thư mời từng người tới để hỏi về nhu cầu học nghề, việc làm, trên tinh thần sẵn sàng kết nối để người dân đi học, đi làm ngay. Tuy nhiên, chỉ có… 3 người tới dự.
Trong 3 thanh niên, một người cho biết muốn học trường kiến trúc. Ông Lâm giải thích “trường kiến trúc có điểm đầu vào thuộc tốp đầu các trường đại học, ngang bằng trường y, em đã có sự chuẩn bị gì”, thì thanh niên này mới ớ ra “con nghĩ vậy nói vậy, chứ con không biết”.
Một thanh niên khác chưa có nghề, chưa có việc nhưng không muốn học nghề và muốn làm việc ngay trong quận, gần nhà. Ông Lâm phải phân tích, tư vấn, giúp người này thay đổi suy nghĩ, vì không thể “dời nhà máy về sát nhà em được”. 
“Người lao động ngại tham gia học nghề hoặc chỉ chọn học nghề ngắn hạn để tìm việc làm nhanh. Vì vậy, trình độ tay nghề thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu”, ông Nguyễn Văn Lâm nhận xét và từ đó đặt ra yêu cầu cần đẩy mạnh tư vấn, tuyên truyền để tạo chuyển biến nhận thức của người dân về học nghề.
Dạy nghề lưu động vào ban đêm
Bàn giải pháp, Anh hùng lao động - bác sĩ Trần Đông A cho rằng phải thống kê chính xác trình độ và ý muốn của người nghèo, cận nghèo. Bởi, nếu đưa người nghèo đi học nghề mà họ không muốn học thì học khó “vào”.
Ông Trần Văn Long, Hiệp hội Các doanh nghiệp khu công nghiệp - khu chế xuất TPHCM, đề nghị hệ thống các trường nghề tại quận, huyện nên gắn kết với khu chế xuất, khu công nghiệp và các doanh nghiệp để “đặt hàng” dạy nghề, gắn kết cung - cầu lao động.
Ông Long khẳng định, phần lớn các doanh nghiệp sẵn sàng đón nhận thực tập sinh và thợ lành nghề. Hiệp hội sẵn sàng hợp tác để đào tạo nghề và bố trí việc làm cho người nghèo, cận nghèo. 
Ông Nguyễn Văn Dưng, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ kim hoàn đá quý TPHCM, báo tin vui Trung tâm đào tạo nghề đá quý kim hoàn của hội (trung tâm duy nhất trong cả nước về nghề này) đã đào tạo được 3.000 người, trong đó có 544 người nghèo, cận nghèo. Tất cả người đào tạo xong đều được doanh nghiệp nhận làm việc.
Ông Dưng cho hay, ngành kim hoàn luôn có nhu cầu rất lớn về thợ lành nghề. Vấn đề quan trọng nhất vẫn là việc đào tạo kỹ năng nghề cho người lao động. Vì thế, hội sẵn sàng phối hợp với các quận, huyện để dạy nghề cho con em hộ nghèo rồi giới thiệu việc làm. 
Hiện nay, TP còn hơn 21.800 hộ nghèo và hơn 36.500 hộ cận nghèo. Ông Nguyễn Văn Lâm cho biết, sẽ tổ chức các hình thức học nghề phù hợp theo nhóm trình độ văn hóa và tình trạng lao động.
Cụ thể, với người chưa có việc làm ổn định, sở sẽ tư vấn, vận động lao động chuyển đổi ngành nghề phù hợp. Sở tổ chức các lớp dạy nghề lưu động vào ban đêm hoặc các lớp học tập trung tại trường nghề, tùy nhu cầu người học.
Đồng thời, liên hệ doanh nghiệp có nhu cầu thu nhận lao động. Với người lao động chưa có việc làm, sở tư vấn về học nghề, học ngoại ngữ rồi đi xuất khẩu lao động. Với lao động nông thôn, sẽ đào tạo nghề nông nghiệp, phi nông nghiệp phù hợp với công việc đang làm, hoặc chuyển đổi sang ngành phi nông nghiệp phù hợp với điều kiện địa phương.
Những lao động nông nghiệp có kỹ thuật đang trồng trọt, chăn nuôi tạo ra sản phẩm và thu nhập cao nhưng chưa có chứng nhận nghề, thì sẽ tổ chức các lớp bồi dưỡng và sát hạch cấp giấy chứng nhận nghề tương đương sơ cấp nghề.
Chính sách của TPHCM về đào tạo nghề cho hộ nghèo
- Hỗ trợ học phí học nghề, tối đa 3 triệu đồng/người/khóa học
- Hỗ trợ tiền ăn khi học nghề, 30.000 đồng/người/ngày, tối đa 600.000 đồng/người/khóa.
- Hỗ trợ tiền đi lại khi học nghề, 200.000 đồng/người/khóa học nếu địa điểm đào tạo ở xa nơi học 15km trở lên.
- Hỗ trợ học nghề, học ngoại ngữ, vay vốn ưu đãi để đi làm việc ở nước ngoài, mức vay tín chấp tối đa 100 triệu đồng/trường hợp.

Tin cùng chuyên mục